16/08/2017 - 21:16

Để “Gạo Cần Thơ” vươn xa 

Đầu tháng 8-2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ với tư cách là chủ sở hữu. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của thành phố, mà còn là công cụ quảng bá du lịch về vùng đất được mệnh danh “gạo trắng, nước trong”.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” cho Sở NN&PTNT TP Cần Thơ.

Chứng nhận “Gạo Cần Thơ”

Tháng 5-2015, Chính phủ ra quyết định phê duyệt án Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong nội dung có yêu cầu xây dựng hình ảnh đặc trưng của thương hiệu gạo vùng, địa phương gắn với các giá trị về lịch sử, danh tiếng, giống và đặc thù chất lượng dưới các hình thức bảo hộ: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Từ cơ sở này, TP Cần Thơ hoàn thiện mọi thủ tục gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”.

Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” được thực hiện từ nguồn kinh phí của Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, trực thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ chủ trì. Sau khi được công bố, nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” được bàn giao cho Sở NN&PTNT làm chủ sở hữu. Bà Lê Nguyễn Trung Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm KH&CN, cho biết: “Gạo Cần Thơ” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hạt gạo Cần Thơ, đồng thời là cơ sở đảm bảo lợi ích kinh tế và đời sống cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”. Đây cũng là dấu ấn góp phần phát triển du lịch TP Cần Thơ gắn liền với câu nói quen thuộc “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Theo đó, các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” gồm: gạo thơm (giống Jasmine 85, VD 20, Nàng Hoa 9…), gạo chất lượng cao (giống OM 4218, OM 6976, OM 7347, Cần Thơ 2, Cần Thơ 3…), gạo phục vụ chế biến (IR 50404, OM 576…). Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” phải được sản xuất từ các giống lúa với đặc tính phẩm chất và yêu cầu chất lượng theo Quy chế Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”. Chẳng hạn như dòng gạo thơm phải đạt tỷ lệ gạo lứt từ 75-85%, tỷ lệ gạo trắng 65-75%, mùi thơm cấp 2, hình dạng hạt thon dài hoặc ngắn, màu sắc hạt trắng và trong. Đối với gạo chất lượng cao tỷ lệ gạo lứt khoảng 75-85%, tỷ lệ gạo trắng từ 50-80%, mùi thơm cấp 1-2, hình dạng hạt thon dài, màu sắc hạt trắng và trong… Khu vực địa lý sản xuất kinh doanh “Gạo Cần Thơ” được xác định theo Bản đồ Khu vực sản xuất kinh doanh gạo kèm theo Giấy phép sử dụng tên địa danh Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ xác nhận.

Tiếp tục xây dựng và phát triển

Nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”.

TP Cần Thơ có gần 87.000ha đất canh tác lúa, cho sản lượng 1,4 triệu tấn/năm và xuất khẩu 600.000 tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu “Gạo Cần Thơ” hình thành và tiếp tục phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, chia sẻ: Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố và người dân Cần Thơ rất tự hào khi được Cục Sở hữu trí tuệ trao Quyết định công bố nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”. Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở ngành hữu quan phát triển thương hiệu “Gạo Cần Thơ” thành một nhãn hiệu chứng nhận có uy tín về chất lượng, ổn định về giá cả, nâng cao giá trị sản phẩm hạt gạo làm ra. Đồng thời, đảm bảo lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gạo trên địa bàn thành phố được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Ngoài ra, Sở NN&PTNT định kỳ kiểm tra chất lượng/sản phẩm dịch vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”.

Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 14 sản phẩm được cấp bằng độc quyền và có 2 nhãn hiệu được chứng nhận (chợ nổi Cái Răng và “Gạo Cần Thơ”). Như vậy, “Gạo Cần Thơ” đã có công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Đây cũng là công cụ quảng bá hữu hiệu để hạt gạo Cần Thơ khẳng định thương hiệu và ngày càng vươn xa không chỉ ở trong nước mà còn ở tầm khu vực và quốc tế. Thời gian tới, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp và liên kết với người nông dân tập trung vào chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bởi khi đã xây dựng được thương hiệu thì vấn đề cải thiện chất lượng sản phẩm phải đi đôi. Có như vậy, sản phẩm “Gạo Cần Thơ” mới để lại dấu ấn và được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết