21/06/2009 - 22:08

Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ

Đẩy mạnh vận động tìm nguồn hỗ trợ, giúp bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh có cơ hội chữa bệnh

 

Nhiều năm qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (HBTBNN) TP Cần Thơ là chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Năm 2009, Hội BTBNN TP Cần Thơ vận động được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tài trợ mổ tim cho bệnh nhân nghèo bị tim bẩm sinh. Phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Ánh, cán bộ phụ trách chương trình mổ tim bẩm sinh HBTBNN TP Cần Thơ, về những điều kiện tham gia chương trình mổ tim, mức hỗ trợ...

* Xin bà giới thiệu sơ lược về Chương trình mổ tim của HBTBNN TP Cần Thơ ?

- Trước năm 2005, HBTBNN TP Cần Thơ đưa 3 bệnh nhân nghèo đi mổ tim bẩm sinh. Thời điểm ấy, Hội chưa đưa công tác vận động mổ tim thành một chương trình như bây giờ, vì chi phí mổ tim quá lớn, một ca khoảng 40-50 triệu đồng (có ca lên đến hàng trăm triệu đồng). Hội giúp cho 3 ca này vì họ quá nghèo, tìm đến với Hội nên Hội cố gắng tìm nguồn vận động đưa họ đi mổ tim.

Đến cuối năm 2006, HBTBNN TP Hồ Chí Minh (TPHCM) hỗ trợ cho Hội BTBNN TP Cần Thơ được 20 ca mổ tim. Khi Hội phát thông báo thì nhận được 50 hồ sơ. Lúc ấy, Hội không thể lựa em này mà bỏ em kia, vì em nào cũng khó khăn, cũng bệnh nặng cần mổ tim nên chúng tôi tổ chức đưa các em đi khám toàn bộ. Sau khi khám tại Bệnh viện Tâm Đức ở TPHCM, Hội tiếp tục tranh thủ, vận động HBTBNN TPHCM tăng số ca mổ tim, đến quí I/2008 đã mổ xong cho 42/50 cháu. 8 trường hợp còn lại thì 3 cháu bị quá nặng, không mổ được; còn 5 trường hợp kia nhẹ hơn, không cần phẫu thuật, chỉ điều trị bằng thuốc. Lúc ấy, HBTBNN TPHCM chỉ hỗ trợ 70% chi phí ca mổ, 30% chi phí còn lại, HBTBNN TP Cần Thơ vận động các doanh nghiệp, các nhà tâm hỗ trợ, gia đình không phải bỏ tiền thêm. Để phát huy hiệu quả việc vận động, từ thời điểm cuối năm 2007, công tác vận động hỗ trợ mổ tim cho trẻ em nghèo trở thành một chương trình và thuộc năm chương trình trọng tâm của HBTBNN TP Cần Thơ.

* Thưa bà, năm 2009-cụ thể đến thời điểm này, HBTBNN TP Cần Thơ vận động được bao nhiêu đơn vị hỗ trợ mổ tim?

- Tính đến thời điểm này, Hội đã vận động được khá nhiều tổ chức, cá nhân tài trợ mổ tim. Chẳng hạn như HBTBNN tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 40 ca trong vòng hai năm (2009-2010) với 70% chi phí ca mổ. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang hỗ trợ 100 triệu đồng, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Cần Thơ 100 triệu đồng, Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ 35 triệu đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương, Chi nhánh Cần Thơ 10 triệu đồng. Mới đây, Tổ chức Đông-Tây hội ngộ liên hệ với Hội đề nghị hỗ trợ 60% chi phí mổ tim bẩm sinh cho 50 ca, đối tượng là trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi.

Ngoài ra, tổ chức AOG (Dự án Quốc gia-Úc) ủng hộ 6.000 USD (tương đương 100 triệu đồng) hỗ trợ cho 4 trường hợp, với mức hỗ trợ 70% chi phí ca mổ. Đồng thời, HBTBNN TPHCM hỗ trợ 30 ca, trong đó 20 ca hỗ trợ 70%, 10 ca hỗ trợ 80%. Thêm vào đó, còn có các cá nhân ủng hộ rải rác từ 1 đến 2 ca. Cộng các chương trình lại, năm nay Hội đã vận động được trên 90 ca, chi phí khoảng 3,6 đến 3,7 tỉ đồng. Hiện nay, Hội đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm 30% chi phí.

* Đến thời điểm này, Hội đã đưa được bao nhiêu trẻ đi mổ tim ?

- Đầu năm 2009, Hội đưa được 20 ca đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đã phẫu thuật xong 16 ca, còn lại 4 ca sẽ phẫu thuật vào cuối tháng 6-2009. Sau đó, Hội phối hợp với HBTBNN tỉnh Hậu Giang tổ chức khám sàng lọc tim bẩm sinh. Từ kết quả này, đầu tháng 7-2009, Hội có kế hoạch đưa 20 cháu đi mổ tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Tới thời điểm này, Hội vận động được trên 90 ca, chuẩn bị đi mổ tim khoảng 75 ca. Như vậy, năm 2009 còn mổ tim được cho 15 ca nữa từ nguồn tài trợ. Tuy nhiên, vẫn chưa thấm vào đâu, vì người dân còn gởi hồ sơ đến khá nhiều. Hiện nay, chúng tôi chưa có số liệu thống kê cụ thể bao nhiêu trường hợp bệnh tim trên toàn thành phố, trong đó số trường hợp nghèo, cần hỗ trợ mổ tim... Hội đã có công văn gửi các quận, huyện, sở, ngành liên quan của TP Cần Thơ đề nghị lập danh sách số cháu bị bệnh tim bẩm sinh từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi gửi gấp về Hội để Hội hướng dẫn làm hồ sơ theo yêu cầu của các nhà tài trợ.

* Thưa bà, những bệnh nhân nào thuộc đối tượng hỗ trợ mổ tim ?

-Đối với trẻ dưới 6 tuổi đã có ngân sách nhà nước dành cho việc mổ tim nên nhiều năm qua Hội ít hỗ trợ cho đối tượng này mà quan tâm đến đối tượng bệnh tim từ 7-18 tuổi, có hộ khẩu ở TP Cần Thơ, gia đình nghèo. Tuy điều kiện là như vậy, nhưng vì tôn chỉ của Hội là giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, nên cũng có trường hợp Hội hỗ trợ mổ tim cho những đối tượng trên 18 tuổi, tạm trú dài hạn, trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ khi bắt đầu Chương trình mổ tim đến nay, chúng tôi chưa từ chối hỗ trợ bất cứ trường hợp bệnh nhân nghèo bị bệnh tim nào của TP Cần Thơ.

Khác với mọi năm, thay vì chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân tim từ 7-18 tuổi; năm nay chương trình của Tổ chức Đông-Tây hội ngộ hỗ trợ 50 ca cho trẻ em nghèo từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi nên Hội có mở rộng đối tượng hơn.

* Về hồ sơ, cần chuẩn bị những thủ tục gì, thưa bà ?

- Hồ sơ bao gồm: đơn xin trợ giúp có xác nhận của phường, xã (theo mẫu); bản phô tô giấy siêu âm tim và giấy báo chi phí mổ của bệnh viện, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ nghèo (nếu không có sổ hộ nghèo thì gia đình viết đơn có xác nhận của UBND phường, xã); thẻ học sinh (hoặc giấy xác nhận của nhà trường), nếu không đi học (giấy xác nhận của công an phường, xã); giấy khai sinh; 2 kiểu ảnh 10 x 15 (trong đó, 1 kiểu chụp riêng cháu, 1 kiểu chụp cả gia đình đứng trước nhà). Tùy theo từng chương trình mà nhà tài trợ yêu cầu thủ tục nhiều hay ít. Từng trường hợp, Hội có mẫu hồ sơ và hướng dẫn gia đình cách ghi cụ thể.

Khi một cháu nghi ngờ bị bệnh tim, gia đình nên đưa đến khám tại bệnh viện tuyến quận, huyện. Sau đó, nếu có những triệu chứng bị bệnh tim, bệnh viện tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám (đối với trẻ từ 15 tuổi trở xuống) hoặc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (trên 15 tuổi). Sau đó, các bệnh viện này tiếp tục chuyển viện cho các bệnh nhân đến bệnh viện ở TPHCM theo đúng tuyến. Nhiều gia đình dù có bảo hiểm y tế nhưng chi phí đi lại cao nên nhiều bệnh nhân không còn tiền, phải trốn viện về và không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh bị bệnh tim. Trong những trường hợp này, Hội tập hợp nhiều hồ sơ tổ chức đi khám hoặc viết giấy giới thiệu để bệnh nhân đi khám lẻ từng trường hợp.

Về thẻ BHYT, nếu bệnh nhân không có thẻ cũng chẳng sao. Chúng tôi đưa ra tiêu chí có thẻ BHYT để giảm gánh nặng chi phí cho gia đình bệnh nhân mà thôi.

* Có thông tin cho rằng các bệnh viện ở TPHCM quá tải bệnh nhân mổ tim nên bệnh nhân phải chờ rất lâu mới đến lượt mổ ?

- Hiện nay, Hội đã ký hợp đồng với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Sắp tới, Hội sẽ ký kết hợp đồng thêm với các bệnh viện: Chợ Rẫy, Tâm Đức và Viện Tim. Trước đây, nói đến mổ tim bẩm sinh ai cũng ngại vì chi phí một ca từ vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng. Gia đình bệnh nhân phần lớn là người nghèo, chi phí này quá lớn, Hội vận động kinh phí rất khó khăn. Nhưng năm nay, Hội đã tìm được nhà tài trợ nên mạnh dạn ký hợp đồng với các bệnh viện. Họ hứa ưu tiên xếp lịch mổ cho nên không phải lo lắng về việc chờ đợi lâu. Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được từ 40-70% chi phí ca mổ, phần còn lại do Hội và gia đình bệnh nhân lo thêm. Nếu Hội vận động được nhiều thì đỡ chi phí cho gia đình, phần còn lại thì gia đình góp thêm. Trước mắt, chúng tôi vẫn phải vận động các gia đình đóng thêm chi phí; khi Hội vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ thì sẽ gởi trả lại chi phí cho gia đình bệnh nhân. Ngoài ra, gia đình phải tự lực tiền ăn, chi phí đi lại, sau khi mổ xong, từ ngày thứ ba, gia đình phải tự lo phần viện phí, thuốc men. Tính ra, mỗi ca mổ gia đình bệnh nhân trung bình tốn kém khoảng vài triệu đồng, tùy theo sức khỏe của trẻ sau mổ mà mức độ tốn kém nhiều hơn hay ít đi.

* Xin cảm ơn bà!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết