18/08/2009 - 21:35

Các trung tâm giới thiệu việc làm TP Cần Thơ

Đa dạng hóa hoạt động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Thời gian qua, các trung tâm giới thiệu việc làm trong TP Cần Thơ đã góp phần tích cực vào hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của thành phố. Ngoài việc trợ giúp nhiều lao động học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định, các trung tâm giới thiệu việc làm luôn còn tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các trung tâm rất cần sự đầu tư, trợ lực về nhiều mặt…

Năng động để phát triển

Những ngày tháng tám, Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ dường như có đông lao động đến tìm việc làm hơn, đồng nghĩa với việc nhân viên tư vấn làm việc tất bật hơn. Tham khảo các thông tin tuyển dụng được niêm yết tại phòng thông tin ở cổng, ngoài những chức danh thông thường, còn có rất nhiều vị trí nhân viên bậc cao với các điều kiện, tiêu chuẩn và cả mức thu nhập cũng rất... chuẩn, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người lao động, như: Kỹ sư, giám đốc kinh doanh, marketing, điều hành, giám sát sản xuất... Theo Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tuyển nhân viên cho các vị trí cao, Trung tâm tăng cường rao tuyển “đón đầu” số sinh viên đã tốt nghiệp, có kinh nghiệm công việc.

Tăng cường đưa hoạt động tư vấn, tuyển dụng về các huyện ngoại thành, giúp người lao động tìm việc làm phù hợp.  

Hoạt động từ năm 1988, đến nay, Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều lao động trẻ. Từ năm 2004 đến nay, bình quân GTVL cho 4.000 lao động/năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện nay, mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận gần 100 lao động đến tư vấn, trong đó đạt yêu cầu GTVL gần 50%. Qua đó, Trung tâm đã cung ứng lao động cho 4.000 doanh nghiệp, trong đó nhiều nhà tuyển dụng có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn. Trong thời điểm suy thoái kinh tế thế giới, Trung tâm cố gắng duy trì hoạt động tư vấn việc làm cho người lao động.

Hoạt động trên 10 năm nay, bình quân mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động (DVVL LĐLĐ) TP Cần Thơ cung ứng khoảng 700 lao động cho các doanh nghiệp. Trung tâm còn tập trung mở các lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, như: lái mô tô, ô tô, thuyền trưởng, ca nô, nấu ăn... cho hàng trăm lao động; tham gia các hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động ngoại thành... Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm, nói: “Hiện nay, tiêu chuẩn và điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp khá cao. Ngoài các điều kiện “cần” về tuổi tác, trình độ học vấn, chuyên môn, các doanh nghiệp còn có những yêu cầu về điều kiện “đủ” là tố chất, năng lực, tinh thần gánh vác và chia sẻ khó khăn, có kiến thức về các lĩnh vực xã hội... mà hầu hết người lao động đều rất mơ hồ và hạn chế”. Theo ông An, để đáp ứng yêu cầu chất lượng lao động, Trung tâm luôn chú trọng việc tư vấn, hướng nghiệp, giúp người lao động chọn nghề đúng với chuyên môn, sở trường và gắn bó với nghề lâu dài...

Trong tháng 8-2009, phiên giao dịch việc làm lần thứ 4 đã diễn ra tại Trung tâm GTVL, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, có 150 lao động tham gia tìm việc làm. Đến nay, qua 4 phiên giao dịch việc làm, Trung tâm này đã thu hút hàng ngàn lượt lao động tham gia, trong đó có hàng trăm lao động đăng ký việc làm thông qua các hình thức phỏng vấn trực tiếp và qua website. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cố gắng tổ chức các hoạt động Điểm hẹn việc làm ở các huyện, tạo điều kiện cho lao động ngoại thành tiếp cận và làm quen với hình thức phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp; tư vấn giúp doanh nghiệp điều chỉnh, áp dụng các biện pháp để thu hút và “giữ chân” người lao động.

Nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Hiện nay, nguồn lao động đạt yêu cầu cung ứng đến các doanh nghiệp thông qua nhiều nguồn, trong đó đáng tin cậy nhất là thông qua kênh tuyển dụng của các trung tâm GTVL. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong tổng số trên 70 ngàn lao động được giải quyết việc làm từ năm 2008 đến nay đã có gần 18 ngàn lao động tìm việc thông qua các trung tâm GTVL. Thông qua tư vấn, các trung tâm đã gợi mở cho người lao động hướng tìm việc làm phù hợp, hiểu thêm các kiến thức cơ bản về thị trường lao động – việc làm và đó cũng là bước tuyển chọn, sàng lọc lao động khá chuẩn. Từ đó, chất lượng nguồn lao động được nâng lên, tạo sự tin cậy đối với doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.

Trong xu thế phát triển, các trung tâm GTVL luôn năng động tìm cách làm mới để nâng cao chất lượng tuyển dụng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp; tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: Ngoài việc bổ sung vào thời khóa biểu lớp dạy nghề các tiết tập huấn về xác định mục tiêu nghề nghiệp cho học viên các lớp dạy nghề, tổ chức hội thảo, tọa đàm do các chuyên viên tư vấn việc làm, nghề nghiệp phụ trách... từ tháng 6-2009, Trung tâm ký kết hợp tác với Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực MTC (TP Hồ Chí Minh) mở các lớp về quản lý công nghiệp, hoạt động kinh doanh, tăng cường tính chuyên nghiệp hóa trong xử lý công việc cho hệ thống nhân viên các doanh nghiệp...

Thời gian qua, các Trung tâm chỉ hoạt động trên cơ sở có sẵn, chỉ sửa chữa, nâng cấp khi cần thiết, do vậy, luôn gặp khó trong việc triển khai các hoạt động. Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ chưa thể triển khai các hoạt động: Sàn giao dịch việc làm Thanh niên, Siêu thị việc làm, Quỹ tín dụng lập nghiệp thanh niên, Vườn ươm tài năng trẻ... vì cơ sở vật chất và nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế. Trong khi đó, muốn tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Trung tâm phải có địa điểm với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên đảm bảo duy trì hoạt động.

Chất lượng đội ngũ tư vấn viên là vấn đề được các trung tâm quan tâm. Ngoài Trung tâm GTVL TP Cần Thơ, các trung tâm khác đều hạn chế lực lượng tư vấn viên. Đội ngũ tư vấn viên chỉ được tham gia các lớp tập huấn của bộ, ngành tổ chức từ 1 đến 2 lần/năm, chủ yếu học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tự học hỏi qua quá trình công tác nên năng lực tư vấn còn hạn chế, chưa có cách làm hấp dẫn, thu hút người lao động. Các trung tâm phải tự cân đối nguồn kinh phí đảm bảo các hoạt động, nên hạn chế việc thu nhận nhân viên, một nhân viên phải phụ trách nhiều việc. Ở Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ chú trọng phần dạy nghề hơn để có nguồn cân đối thu chi đảm bảo các hoạt động, đôi khi còn buông lơi phần tư vấn cho lao động.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm của Bộ LĐ-TB&XH, hàng năm, TP Cần Thơ tổ chức các hoạt động: Sàn giao dịch việc làm, điểm hẹn việc làm, ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng sinh viên, các buổi tư vấn, giới thiệu thị trường lao động ngoài nước... phải tự cân đối nguồn kinh phí hạn hẹp. Ngoài việc chủ động tổ chức các khóa dạy các nghề có thu học phí để cân đối thu chi, các trung tâm còn tranh thủ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, mời gọi tham gia tuyển dụng để có điều kiện triển khai các hoạt động tư vấn, GTVL. Ông Nguyễn Quốc Vững thừa nhận: Do những khó khăn chủ quan và khách quan, dù đã rất nỗ lực để “làm mới” mình nhưng hoạt động của Trung GTVL Thanh niên vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp, bài bản nên khó thể hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội một cách toàn diện.

Theo lãnh đạo các trung tâm GTVL, Chương trình Mục tiêu quốc gia hàng năm nên dành phần kinh phí giúp các trung tâm xúc tiến và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, giáo dục định hướng, xác lập mục tiêu nghề nghiệp cho người lao động, đào tạo đội ngũ tư vấn viên... Có như thế mới nâng cao chất lượng nguồn lao động cung ứng theo yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

Hiện nay, các trung tâm GTVL đang xúc tiến các dự án xây dựng trụ sở làm việc hiện đại với quy mô cấp vùng song song với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có chuyên môn, năng lực với kinh phí đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và thành phố. Theo lãnh đạo các trung tâm GTVL thành phố, đây sẽ là những tín hiệu vui, mang lại diện mạo mới cho các hoạt động giới thiệu việc làm, dạy nghề. Ngành hữu quan nên có những động thái để các dự án này nhanh chóng khởi động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả vùng ĐBSCL trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết