14/01/2013 - 23:31

Đầu tư sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL

Còn nhiều băn khoăn...

Sản xuất lúa thu đông thường rơi vào mùa mưa lũ nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao. Trong ảnh: Thu hoạch lúa thu đông 2011 tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Những năm gần đây, diện tích lúa thu đông (lúa vụ 3) tại ÐBSCL tăng lên đáng kể. Song, vấn đề sản xuất lúa vụ 3 luôn nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận. Tại Hội thảo bàn tròn lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 tại ÐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều người đồng tình cho đây là cơ hội để Việt Nam tạo bước đột phá trong xuất khẩu lúa gạo, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Ý kiến khác lại cho rằng, ÐBSCL phải "trả giá" quá đắt vì chi phí đầu tư sản xuất lúa vụ 3 cao và phải đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn…

Lợi và hại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, năng suất lúa vụ 3 của tỉnh trung bình đạt 5,7-6 tấn/ha, sản lượng khoảng 870.000 tấn. Giá thành sản xuất lúa thu đông 2012 khoảng 4.300-4.600 đồng/kg (đã bao gồm chi phí đóng góp làm đê bao, trạm bơm điện), với giá bán dao động 5.800-6.600 đồng/kg, nông dân lãi trung bình khoảng 2.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về 11-12 triệu đồng/ha. "Trong 3 tháng mùa nước nổi đây là khoảng thu nhập không nhỏ đối với người nông dân. Năng suất lúa thu đông cao hơn hè thu, giá bán cũng có sự chênh lệch nên sản xuất vụ 3 dần được xem như là sản xuất chính vụ. Ngoài ra, thu nhập từ việc sản xuất vụ 3, cũng như các khoản người dân đóng góp đầu tư cho thủy lợi, trạm bơm điện… là điều kiện hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới". Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết.

Tại tỉnh Kiên Giang, so với lúa hè thu năng suất bình quân lúa thu đông thấp hơn 0,55 tấn/ha, nhưng chi phí đầu tư sản xuất vụ lúa vụ 3 thấp hơn 2-3 triệu đồng/ha so với hè thu do tiết giảm được chi phí làm đất, bơm tưới đầu vụ… Lúa thu đông thu hoạch vào cuối năm, giá lúa tương đối cao đã khuyến khích nông dân Kiên Giang đầu tư mở rộng diện tích. Năm 2012, giá lúa chất lượng cao vụ hè thu trung bình khoảng 5.400-5.600 đồng/kg, trong khi lúa thu đông từ 5.600-5.900 đồng/kg. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, phân tích: "Trong ba vụ lúa chính của năm thì năng suất lúa thu đông thấp nhất chỉ đạt 5,55 tấn/ha (so với 7,23 tấn/ha của vụ đông xuân và 5,63 tấn/ha trong vụ hè thu). Tuy nhiên, đây là vụ lúa có vai trò quan trọng trong lúc giáp hạt và cung cấp giống cho sản xuất lúa vụ đông xuân. Bởi giai đoạn sau của lúa hè thu thường rơi vào mùa mưa lũ nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa gạo và đặc biệt là chất lượng lúa giống phục vụ sản xuất lúa đông xuân".

Không thể phủ nhận những lợi ích, đóng góp mà vụ lúa thu đông mang lại, song theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về Sinh thái môi trường, sản xuất lúa vụ 3 mang đến những hệ lụy cho môi trường do sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Đất canh tác liên tục, gốc rạ không phân hủy kịp nên độ phì của đất giảm, tình trạng ngộ độc hữu cơ thường xuyên xảy ra. Song song đó, áp lực sâu bệnh (rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy bìa lá…) ngày càng lớn và diễn biến phức tạp. Một số chuyên gia phân tích, canh tác lúa vụ 3 ở những vùng ngập sâu, đòi hỏi phải có đê bao khép kín. Nguồn kinh phí đầu tư vào hệ thống đê bao này không hề nhỏ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những đê bao này có thể làm cho đồng ruộng thiếu phù sa, nguồn lợi thủy sản suy giảm và có nguy cơ vỡ đê gây thiệt hại nặng nề…

Cần lộ trình phù hợp

Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: "An Giang đã ra Quyết định số 1320/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa vụ thu đông trên địa bàn tỉnh. Quá trình điều hành sản xuất vụ 3 nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, tỉnh luôn bám sát theo lịch thời vụ và khuyến khích nông dân tuân thủ quy trình: 3 năm 8 vụ, vụ thứ 9 xả lũ cải tạo đất, lấy phù sa, sắp xếp thời vụ, vệ sinh đồng ruộng, lựa chọn những giống lúa thích hợp… Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích chuyển đổi sản xuất màu ở các vụ, tuy nhiên không chuyển đổi ồ ạt mà tùy theo nhu cầu thị trường, điều kiện hạ tầng, kinh nghiệm sản xuất của từng vùng để phát huy thế mạnh ở những chủng loại rau màu khác nhau. Hướng đi này không những tránh việc cạnh tranh trực tiếp làm giảm khả năng sinh lời mà còn tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho nông dân trong lúc nông nhàn lại không gây suy thoái đất đai…".

Năm 2013, diện tích sản xuất lúa thu đông của tỉnh Kiên Giang dự kiến khoảng 80.000-85.000 ha, sản lượng 416.000 tấn, tập trung tại các huyện thuộc vùng Tây Sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và Châu Thành) và 1 phần vùng Tứ giác Long Xuyên. "Sản xuất lúa vụ 3 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch. Vì vậy, công tác chỉ đạo sản xuất luôn được thực hiện nghiêm ngặt, khẩn trương vì thời gian xuống giống ngắn (chỉ khoảng 30 ngày). Đối với vùng chưa có hệ thống thủy lợi, đê bao hoàn chỉnh có thể bị ảnh hưởng của lũ, hạn, mặn Kiên Giang tuyệt đối không bố trí sản xuất lúa thu đông"-Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, khuyến cáo. Sản xuất lúa thu đông luôn đứng trước áp lực của sâu bệnh, do đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp chỉ đạo các huyện xuống giống theo lịch né rầy, xuống giống trước đầu tháng 8 để thu hoạch lúa vào giữa tháng 10. Mặt khác, tỉnh tuân thủ việc giãn vụ từ vụ hè thu sang thu đông, vệ sinh thật kỹ đồng ruộng để tiêu hủy nguồn sâu bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ…

Trong kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long (MDP), nhóm chuyên gia tư vấn Hà Lan kiến nghị nên tận dụng 2 vùng trũng: Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để trữ lũ trong mùa lũ, giúp giảm ngập cho các vùng hạ lưu và điều tiết xâm nhập mặn trong mùa khô. Theo đề xuất này thì phải bỏ canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ ở những nơi ngập sâu. Vấn đề này đặt ra cho các địa phương trong vùng cần có sự cân nhắc, phân tích các yếu tố về lợi ích và chi phí (tài chính, môi trường và xã hội) khi đầu tư sản xuất vụ thu đông. Tại Hội thảo bàn tròn lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 tại ĐBSCL vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, một số địa phương kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hệ thống đê bao hoàn chỉnh cho vùng sản xuất lúa thu đông của các tỉnh ĐBSCL. Khi có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, các tỉnh có thể chủ động điều tiết, rút nước khi lũ lớn rút muộn, đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ khuyến cáo. Mặt khác, thời điểm thu hoạch lúa thu đông thường rơi vào mùa mưa lũ, do đó, các tỉnh cần tập trung đầu tư hệ thống lò sấy, kho bãi phục vụ nhu cầu sấy và tồn trữ lúa; triển khai nhân rộng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" để giải quyết căn bản bài toán "đầu ra"- "đầu vào" cho hạt lúa, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết