27/05/2014 - 08:24

Chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản

Ngày 4-3-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (gọi tắt Nghị định 17) nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS). Mới đây, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 4 năm thi hành Nghị định 17 để nhìn lại những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng hoạt động BĐGTS chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa...

* Tín hiệu khả quan

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, cho biết: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 17, hoạt động BĐGTS của cả nước đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, số lượng đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá đều tăng đáng kể. Các tổ chức BĐGTS đã bán được nhiều loại tài sản với giá trị khá lớn, trong đó có phần không nhỏ là tài sản nhà nước, góp phần hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước cho các cấp trong nhiều năm. Các địa phương điển hình trong công tác này, như: Hà Nội, Hải Dương, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh...

Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định 17 là đã xây dựng hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho các hoạt động BĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất từ các Hội đồng bán đấu giá sang cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Đồng thời, các loại tài sản bán đấu giá cũng được mở rộng, như: tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất; tài sản là hàng dự trữ quốc gia…

Trong Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Nghị định 17, các đại biểu nhiệt tình đóng góp hoàn thiện quy định pháp luật trong hoạt động BĐGTS.

Tính đến cuối tháng 3-2014, cả nước có 244 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu bán đấu giá của các địa phương. Trong đó có 63 Trung tâm dịch vụ BĐGTS và 181 doanh nghiệp BĐGTS. Tổng số đấu giá viên cả nước là 1.114 người. Một số doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường số lượng đấu giá viên và mở một số chi nhánh để mở rộng phạm vi hoạt động. Các tổ chức đã ký 23.059 hợp đồng bán đấu giá, giá trị tài sản bán được hơn 41.959 tỉ đồng, vượt hơn 3.000 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Một số tổ chức BĐGTS có kết quả hoạt động tốt, như: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Hải Dương đã bán được lượng tài sản trị giá hơn 2.200 tỉ đồng, vượt hơn 512 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá TP Hồ Chí Minh đã bán được lượng tài sản trị giá hơn 2.417 tỉ đồng, vượt hơn 115 tỉ đồng so với giá khởi điểm… Bên cạnh đó, tăng cường việc giao đất, cho thuê đất qua hình thức bán đấu giá là một trong những chủ trương, định hướng lớn trong chính sách, pháp luật về đất đai. Đến nay, đa số UBND các tỉnh, thành nhận thức đúng và đồng thuận thực hiện chủ trương chuyển giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất từ các Hội đồng bán đấu giá cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Theo thống kê của 27/63 địa phương, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán đấu giá quyền sử dụng đất thu được hơn 14.218 tỉ đồng, vượt giá khởi điểm khoảng 2.000 tỉ đồng. Bà Đỗ Hoàng Yến đánh giá: Qua thực tiễn cho thấy, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa hoạt động BĐGTS là chủ trương đúng đắn cần được tăng cường đẩy mạnh trong thời gian tới.

* Tiến tới hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo nhận định của các địa phương, việc triển khai Nghị định 17 trong thực tiễn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, sự phân bố các tổ chức BĐGTS chưa đều, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức BĐGTS. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số đấu giá viên còn hạn chế; các quy định pháp luật về BĐGTS còn dàn trải, chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất, dẫn đến việc tổ chức BĐGTS ở một số địa phương còn nhiều lúng túng; thiếu những chế tài mạnh xử lý các hành vi vi phạm trong đấu giá tài sản…

Để hoàn thiện các quy định trong hoạt động BĐGTS, Hội nghị đã thảo luận những giải pháp thực hiện trước mắt và lâu dài. Đa phần các ý kiến của đại biểu cho rằng, Bộ Tư pháp sớm ban hành Luật Đấu giá tài sản tạo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành, tổ chức trong lĩnh vực BĐGTS. Xã hội hóa nhưng phải có lộ trình rõ ràng, không để tình trạng doanh nghiệp BĐGTS thành lập tràn lan trong khi trên thực tế không hoạt động. Song song đó, ban hành cơ chế kiểm tra, xử phạt đối với cơ quan, doanh nghiệp không chấp hành các quy định của pháp luật về BĐGTS. Ông Trần Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho rằng: Hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành liên quan. Vì vậy, cần quy định cơ quan đầu mối chủ trì để tạo sự thống nhất, chặt chẽ. Bộ Tư pháp cần xem xét quy định bán đấu giá một số loại tài sản đặc thù, như: khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện…

Theo ông Nguyễn Văn Nhu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ BĐGTS TP Cần Thơ, Bộ Tư pháp nên có văn bản pháp luật quy định việc phạt chậm nộp tiền trúng đấu giá và thời hạn phạt chậm nộp là nội dung bắt buộc phải có khi xây dựng phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, quy định rõ cách thức chứng minh điều kiện về vốn và kỹ thuật hoặc khả năng tài chính của người tham gia đấu giá tùy vào từng loại đất nhà nước giao, cho thuê... Về lâu dài, Bộ Tư pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BĐGTS; nghiên cứu, xây dựng quy tắc đạo đức nghề đấu giá; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên theo hướng tập trung đào tạo theo chiều sâu... Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh kiến nghị nghiên cứu thành lập Hội đấu giá viên - Tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên. Qua đó, đổi mới mô hình giám sát doanh nghiệp theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ nhà nước trong quản lý doanh nghiệp. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về BĐGTS để sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn...

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết