25/06/2022 - 12:22

Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước 

Xây dựng chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột trong quá trình chuyển đổi số (CÐS), gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các cấp, các ngành TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp phát triển chính quyền số. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, các hệ thống nền tảng và phát triển dữ liệu, nhằm hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Các thành viên Đoàn kiểm tra cải cách hành chính TP Cần Thơ kiểm tra công tác cải cách hành chính, trong đó có nội dung xây dựng chính quyền điện tử tại Ban Dân tộc TP Cần Thơ.

Theo các chuyên gia, để quá trình CÐS hiệu quả, vai trò của hệ thống dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ðến nay, TP Cần Thơ đã triển khai và đạt một số kết quả nổi bật trong phát triển hạ tầng kỹ thuật số và các hệ thống nền tảng, dữ liệu. Hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng của thành phố đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Ðảng, tổ chức chính trị - xã hội. Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì, phục vụ việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố; đồng thời, đã thuê dịch vụ dự phòng Trung tâm dữ liệu thành phố nhằm phục vụ công tác dự phòng khả năng sự cố về an toàn thông tin. UBND thành phố cũng đã ban hành quyết định về nâng cấp kiến trúc chính quyền điện tử thành phố lên phiên bản 2.0; danh mục dữ liệu dùng chung; mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố, nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu. Một số sở, ban, ngành thành phố đã triển khai các phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn.

Ðiển hình như lĩnh vực tư pháp, một số sở, ngành liên quan và các quận, huyện đã bố trí hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc đăng ký, quản lý và số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử. Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống Một cửa điện tử với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử thử nghiệm của Bộ Tư pháp. Ðồng thời, tích hợp dịch vụ công thiết yếu (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn) trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bà Trần Thị Mỹ Phương, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, chia sẻ, việc số hóa các hồ sơ lĩnh vực hộ tịch lịch sử, như: khai sinh, khai tử, giám hộ, đăng ký con nuôi được xử lý trên phần mềm. Qua đó, công tác lưu trữ đảm bảo tính khoa học, hiện đại, giúp công chức phụ trách tra cứu, trích xuất thông tin kịp thời và chính xác. UBND phường rà soát các quy trình, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và ứng dụng phần mềm quản lý và điều hành công việc. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo UBND phường có thể giám sát, theo dõi tiến độ giải quyết công việc, từ đó chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến tất cả cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã; đã kết nối, liên thông Trục liên thông văn bản của thành phố với Trục liên thông văn bản Quốc gia. Ðến tháng 5-2022, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố đạt 96%. Hiện tại, có 1.849 chữ ký số (trong đó có 200 tổ chức, 1.649 cá nhân), 332 cá nhân đã được cấp SIM PKI để sử dụng trên các thiết bị di động. Việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản, gửi nhận văn bản điện tử liên thông và phục vụ việc thanh toán điện tử qua hệ thống kho bạc nhà nước; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 96%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai cho tất cả UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với 130 điểm phục vụ nhanh chóng, kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến giúp cán bộ, công chức không phải đi lại nhiều, tất cả cán bộ xã, ấp cùng tham dự một cuộc họp của cấp huyện tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Mọi công việc được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần cải cách hành chính.

Ðể quá trình CÐS nhanh chóng và hiệu quả, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng như tuyên truyền để người dân tham gia các dịch vụ công trực tuyến. Qua khảo sát của Ðoàn kiểm tra cải cách hành chính thành phố tại một số đơn vị, địa phương cho thấy, có địa phương chưa ban hành kế hoạch CÐS, tỷ lệ sử dụng văn bản giấy khá nhiều, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp. Một số xã, phường, thị trấn chưa được bố trí máy quét, máy scan hoặc máy tính xuống cấp, đường truyền Internet đôi lúc chưa ổn định, ảnh hưởng đến công việc...

Từ thực trạng đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về CÐS. Trong đó, tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị (dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục…) về kho dữ liệu của thành phố. Tập trung triển khai CÐS một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch. Qua đó, tăng cường chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Chia sẻ bài viết