Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Mặc dù giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm mạnh, nhưng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Cùng với những quyết sách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các nhà bán lẻ cũng chung tay hỗ trợ để “giúp cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn”.
Các siêu thị luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ.
Sẻ chia
Chị Nguyễn Thị Hà Thu, công nhân một công ty may ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Vợ chồng tôi đều là công nhân nhập cư, lên thành phố thuê trọ để đi làm. Ðể đủ chi tiêu trong giai đoạn này, gia đình tôi đã phải giảm thắt chặt mọi chi tiêu. Việc chi tiêu cho ăn uống cũng phải cắt bớt lại, thậm chí tôi “khoán” mức tiền chi tiêu cho hằng ngày để dễ cân đối”.
Ðể chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng các siêu thị lớn liên tục thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi, đặc biệt với các loại hàng hóa thiết yếu. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây áp dụng giảm giá 10% trong chương trình “Chợ sớm giảm sung”, áp dụng cho khách đến mua hàng từ khi mở cửa siêu thị tới 10 giờ sáng hằng tuần. Trong đó, những sản phẩm như cánh gà, chân gà, cá hồi đông lạnh, cá basa, cá nục bông Nhật… áp dụng giảm thêm 5% khi khách hàng mua từ 3kg trở lên. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, từ cuối tháng 3, Central Retail đã chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương nơi đơn vị trú đóng. Bên cạnh đó, Central Retail cũng đang thảo luận với các nhà cung cấp để có thể nhanh chóng điều chỉnh giá đối với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu. Song song đó, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng, áp dụng cho hầu hết các mặt hàng thịt tươi, cá tươi, rau củ quả.
Hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng đang giảm giá nhiều mặt hàng. Theo đó, các mặt hàng thực phẩm, trái cây trong nước và nhập khẩu giảm từ 20-50%; các loại dụng cụ nhà bếp, hóa phẩm giảm đến 50+%. Ðặc biệt, mua hàng trên ứng dụng Speed L khách hàng được hưởng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi cũng luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi áp dụng cho hầu hết các mặt hàng đang kinh doanh.
Tại hệ thống siêu thị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) - siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, luân phiên thực hiện các chương trình ưu đãi, đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng. Theo đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm từ 15-20% với các mặt hàng rau củ quả trong nước và nhập khẩu, thủy hải sản, thịt heo... Từ nay đến hết ngày 10-8-2022, hệ thống siêu thị Co.opmart thực hiện Chương trình “Giá sốc giảm tận gốc” và “Siêu tiết kiệm - Size to giá hời”, áp dụng cho các sản phẩm hóa phẩm và đồ dùng với mức giảm từ 25-50%.
Cân đối cung - cầu
Theo các nhà phân phối, giá hàng hóa chưa thể giảm ngay là do các doanh nghiệp sản xuất chưa thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà cần phải theo lộ trình. Khi doanh nghiệp sản xuất hay nhà cung cấp muốn tăng giá sản phẩm phải đề xuất đến các sở, ngành cùng các hệ thống bán lẻ. Quy trình này thường mất vài tháng để có thể nhận được sự đồng ý tăng hay không. Bên cạnh đó, với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm do có tính mùa vụ, ảnh hưởng thời tiết nên giá tăng chứ không phải do giá xăng dầu.
Trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao, ngày 26-7, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 4679/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới.
Theo các chuyên gia, để giảm giá bán hàng hóa liên quan đến nhiều bộ, ngành. Do đó, thời gian tới các bộ, ngành cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn để chung tay kéo giảm giá hàng hóa. |
Ngày 29-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Công điện số 4436 gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Trong Công điện ký ban hành, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Ðồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu: Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.