18/09/2011 - 22:25

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ- KỸ THUẬT CẦN THƠ

Chuẩn bị cho bước phát triển mới

Để đảm bảo phục vụ cho năm học mới 2011-2012, bên cạnh công tác tuyển sinh, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật (CĐ KT - KT) Cần Thơ đã chuẩn bị khá chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên.

Đường dẫn vào Thư viện điện tử của Trường CĐ KT-KT Cần Thơ rợp bóng cây xanh. Nằm cạnh dãy ký túc xá 4 tầng là công trình thư viện 4 tầng (1 trệt, 3 lầu), với nhiều phòng chức năng, phòng nghiên cứu, phòng hội thảo và hơn 300 máy tính,... được trang bị đầu tư mới, hiện đại, với mạng Internet tốc độ cao. Công trình có tổng mức đầu tư trên 18 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây là công trình hiện đại nhất của khối trường cao đẳng ở ĐBSCL. Trong tháng 9 này, khi đi vào hoạt động, thư viện điện tử có thể phục vụ việc dạy, học và nghiên cứu khoa học cho hàng trăm sinh viên, giảng viên của trường và sẽ góp phần phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, công trình thư viện điện tử đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ và kỹ năng khai thác tài liệu qua mạng máy tính của trường, liên trường... Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã cho biết thêm: “Cùng với ký túc xá, thư viện điện tử thì Nhà thi đấu đa năng cũng sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới này. Công trình có tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng sẽ phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc vào năm 2012; đồng thời, là nơi để cán bộ, sinh viên rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để dạy tốt và học tốt”.

Việc tăng cường giảng viên thỉnh giảng (là cán bộ của các đơn vị sử dụng lao động) giúp cán bộ, giảng viên Trường CĐ KT-KT Cần Thơ học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy. Trong ảnh: Giờ tập huấn về quản lý chất lượng và kiểm nghiệm thực phẩm cho sinh viên Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, do cán bộ của Công ty Kaizen đảm trách. 

Chuẩn bị cho năm học mới, trường còn tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, với gần 100% phòng học đều có màn hình LCD, máy chiếu projector... giúp cán bộ, giảng viên có điều kiện thuận lợi trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý. Trước mắt, trường sẽ từng bước hoàn thiệt kết cấu hạ tầng ở cơ sở 1 hiện có (khu hành chính), gồm: khu hiệu bộ- giảng đường- ký túc xá; đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở 2 (khu thực nghiệm) ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, gồm: khu thực hành- giảng đường -nghiên cứu chuyển giao công nghệ... để phục vụ giảng dạy, học tập thời gian tới.

Đối với một cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Để chuẩn bị cho bước phát triển mới, những năm qua, lãnh đạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ luôn khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ. Trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí lịch nghiên cứu, làm việc, giảng dạy hợp lý, hỗ trợ một phần kinh phí... cho cán bộ đi học. Trường còn tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo từ các chương trình, đề án của địa phương, trung ương nhằm tạo điều kiện cho giảng viên học sau đại học. Đồng thời, tuyển sinh viên giỏi từ các trường đại học và những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ về trường công tác. Ngoài ra, trường còn tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo với cán bộ trẻ để nắm bắt tâm tư tình cảm, khó khăn của họ để khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn... Nhờ cách làm này, hiện nay trường có hơn 170 cán bộ, giảng viên; trong đó trên 60% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học (với 9 tiến sĩ, 13 nghiên cứu sinh), đủ đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho hơn 6.000 học sinh, sinh viên các bậc, hệ đào tạo.

Khoa Kinh tế - Thủy sản là một trong những khoa có nhiều cán bộ có trình độ sau đại học. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của khoa đều có trình độ thạc sĩ, trong đó, có 4 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Cô Đỗ Thị Tuyết Nhung, Trưởng khoa Kinh tế - Thủy sản, cho biết: “Trường chúng tôi đang nỗ lực để nâng cấp thành trường đại học. Chúng tôi đều ý thức phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển”. Theo cô Tuyết Nhung, để đảm bảo chất lượng đào tạo, tập thể phải đoàn kết, hỗ trợ để luân phiên nhau đi học. Cán bộ chưa đi học phải choàng gánh công việc cho cán bộ đang đi học. Đi đôi với công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, việc soạn chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Đặc điểm của Khoa Kinh tế - Thủy sản là thuộc khối kỹ thuật, công nghệ, mà lĩnh vực này thay đổi không ngừng, đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, bằng nhiều cách, như: học qua mạng internet, học từ những giảng viên thỉnh giảng là các đơn vị, doanh nghiệp; học qua việc đưa sinh viên thực tập ở các đơn vị sử dụng lao động...

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực, trường tiếp tục chuyển đổi hoàn toàn chương trình đào tạo sang học chế tín chỉ cho tất cả các ngành đào tạo. Những nỗ lực trên nhằm thực hiện tốt chủ điểm “Đổi mới căn bản và toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết