16/07/2009 - 07:44

Chưa có quyết định giảm giá xăng dầu

* Nguồn cung phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức họp báo về cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Theo số liệu của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong 14 ngày gần đây, bình quân giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm từ 0,8% đến 8,6% so với bình quân của tháng 6 năm nay, tùy từng chủng loại nhiên liệu, trong đó giá dầu thô giảm nhiều hơn giá dầu thành phẩm. Với mức giá này cộng với thuế phí phải nộp hiện hành, tính cả khoản tạm ứng ngân sách nhà nước 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng mà Bộ Tài chính tạm ứng cho doanh nghiệp vay để xử lý số lỗ kinh doanh xăng năm ngoái và chưa tính mức lãi để lại cho doanh nghiệp, chưa tính mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì lỗ, lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với từng mặt hàng như sau: xăng lỗ 179 đồng/lít; dầu dieden 0,05%S lãi 136 đồng/lít; dầu hỏa lãi 750 đ/lít, dầu madut lỗ 591 đồng/kg. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang ngấp nghé ở mức lỗ và lãi.

Tại cuộc họp báo, Liên Bộ Tài chính - Công Thương khẳng định: Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm là tín hiệu tốt, tuy nhiên mức giá ở nước ta vẫn tương đối hợp lý. Liên Bộ đã đưa ra mức so sánh với giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực cho thấy giá xăng của Việt Nam thấp hơn từ 376,5 đồng/lít đến 5.647,6 đồng/lít tùy theo mỗi nước.

Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào đề xuất phương án giảm giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, điều này không có gì là khó hiểu vì theo nguyên tắc xây dựng giá bán lẻ phải căn cứ vào mức bình quân 20 ngày khi giá xăng dầu thế giới giảm.

Cũng theo ông Hiếu, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu sẽ là nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; đảm bảo mức bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đương với mặt bằng giá của các nước trong khu vực; thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, Liên Bộ điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp với barem thuế đã công bố, tiếp tục để doanh nghiệp trích khoản tiền 1.000 đồng/lít xăng để hoàn trả số tiền ngân sách đã ứng cho yêu cầu bình ổn giá khi giá thế giới tăng trở lại; đồng thời vẫn trích Quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng và thực hiện giảm giá đối với mặt hàng xăng dầu nào nếu có điều kiện.

* “Nửa cuối năm 2009, lượng cung phân bón nội địa khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất“. Đó là dự báo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tại hội thảo “Triển vọng thị trường phân bón tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 15-7. Hội thảo này do Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức nhằm tham khảo ý kiến của các chuyên gia về thị trường, giá cả, các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường phân bón của Việt Nam.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2009, do vẫn còn tồn kho khoảng hơn 44.000 tấn phân bón các loại nên nhập khẩu phân bón giảm đáng kể, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 40% tổng sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam) giảm từ 58% xuống còn 30%. Hiện sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu về phân ure; 100% nhu cầu phân lân nung chảy. Việt Nam có thể chủ động hoàn toàn nguồn cung đối với phân lân nội địa, chưa kể còn xuất khẩu sang một số thị trường như: Nhật Bản, Australia, Malaysia...

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất phân bón; 35 nhà nhập khẩu và 20 văn phòng đại diện phân bón nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến hết quý II-2009, Việt Nam đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn phân bón, trị giá khoảng 665 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm gần 60% về giá do giá phân nhập khẩu ở mức thấp.

THUØY DÖÔNG - HOAØNG TUØNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết