30/09/2010 - 08:45

PHIÊN HỌP THỨ 35 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Viên chức

* 14 thành viên Chính phủ chuẩn bị các báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

(TTXVN)- Sáng 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục làm việc, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31).

Về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thành viên UBTVQH đều nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật này nhằm bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi người tiêu dùng đặt trong mối quan hệ pháp luật có liên quan đến tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ. Người tiêu dùng là người yếu thế trong mối quan hệ với người sản xuất vì người sản xuất mới biết được giá trị chất lượng, chủng loại... của hàng hóa. Những quy định được đề ra trong Dự thảo Luật giúp người tiêu dùng tăng khả năng bảo vệ mình, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan cung ứng dịch vụ.

Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và cơ cấu, vị trí của Dự thảo Luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều thành viên UBTVQH cũng cho rằng khác với nhiều lĩnh vực pháp luật khác, luật pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, một văn bản pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các lĩnh vực, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải sử dụng một hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh. Chính vì vậy, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định từng lĩnh vực cụ thể mà tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nào điều chỉnh để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là tập trung thiết kế các cơ chế để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Về vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thành viên UBTVQH cho rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, ngoài việc Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động này là hết sức cần thiết nhằm xã hội hóa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở nước ta hiện nay, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang có nhiều tổ chức xã hội tham gia (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...). Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ nên quy định việc tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không luật hóa hình thức tổ chức của bất kỳ một tổ chức xã hội cụ thể nào.

Các thành viên UBTVQH cũng đồng ý với quyền khởi kiện của các tổ chức xã hội bởi thực tế nhiều trường hợp, giá trị các tranh chấp của người tiêu dùng thường không lớn nên người tiêu dùng thường có tâm lý ngại khởi kiện, tuy nhiên thiệt hại cho xã hội trong nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là rất lớn. Chính vì vậy, việc giao quyền cho tổ chức xã hội khởi kiện theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc vì mục đích công cộng là cần thiết, phù hợp pháp luật tố tụng dân sự và thực tế hiện nay. Các điều kiện cụ thể của tổ chức xã hội được tự mình khởi kiện tại Tòa án phải tuân thủ quy định của pháp luật. Các thành viên UBTVQH cũng dành thời gian thảo luận về hình thức giải quyết tranh chấp (thủ tục đơn giản khi khởi kiện ra tòa án, miễn tạm ứng lệ phí, lệ án)...

Cũng trong buổi sáng, các thành viên UBTVQH đã nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31.

m Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viên chức, xoay quanh các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức; việc thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập; phân loại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đề cập phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi ủng hộ phương án chỉ điều chỉnh viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Đào Trọng Thi đồng tình với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, cho rằng, điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng viên chức các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài công lập là ở phương diện quản lý. Cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập không thể giống so với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức, theo Báo cáo giải trình tiếp thu, việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với viên chức cần được tôn trọng và thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn, kinh nghiệm công tác của viên chức đã nghỉ hưu, có thể thỏa thuận ký hợp đồng theo quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đa số ý kiến trong UBTVQH cũng ủng hộ phương án: “Đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng vụ, việc với người đã hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người đã hưởng chế độ hưu trí tự nguyện; trong thời gian hợp đồng, ngoài khoản thù lao theo hợp đồng, người đó được hưởng một số chế độ, chính sách khác do Chính phủ quy định”.

Một số ý kiến trong UBTVQH bày tỏ băn khoăn với quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại Việt Nam với lý do có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định trong quản lý, sử dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Đặng Vũ Minh đồng tình với phương án: Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam, có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn theo quy định hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị dự thảo giữ nguyên cả hai phương án để Quốc hội quyết định. Cá nhân ông đồng tình với việc cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức nhằm thu hút chất xám, sự đóng góp để phát triển đất nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, thể hiện chủ trương, quan điểm của Nhà nước ta. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng, quy định như dự thảo cũng không có gì đáng ngại mà còn được lợi về mặt chính trị nhưng phải có những điều kiện chặt chẽ, cụ thể kèm theo. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, quan điểm đặt ra là mở rộng để thu hút nhân tài nhưng đồng thời cũng sẽ có những quy chế, điều kiện chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể.

m Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 6842/VPCP, Thủ tướng Chính phủ vừa phân công 14 thành viên Chính phủ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình bày và xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII (dự kiến khai mạc ngày 20-10-2010).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, trình: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (trong đó có kế hoạch đầu tư phát triển) năm 2011; Tờ trình và dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)...

Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị 5 báo cáo và 4 tờ trình gồm: Báo cáo phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Báo cáo về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị. Bộ Nội vụ sẽ chuẩn bị, trình Báo cáo tổng kết bước 1 việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Tổng Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo về công tác đối ngoại Nhà nước năm 2010 sẽ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị.

Chia sẻ bài viết