* Giao hồ sơ vụ án cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xét xử lại theo thủ tục Giám đốc thẩm
* Bị hại trong vụ án gởi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý thẩm phán đã ký quyết định đính chính bản án
Báo Cần Thơ số ra ngày 23-1-2008 có bài viết: “Tòa án quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bổ sung bản án bằng một quyết định đính chính: Đúng hay sai?” phản ánh sự việc một bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, vậy mà Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều lại ban hành Quyết định đính chính bản án.
Tóm tắt sự việc như sau: bà Phạm Thị Mười nhận Thắng làm cháu ngoại nuôi, đồng thời cho Thắng về sống chung tại nhà. Thời gian này, cha mẹ Thắng là ông Lê Ngọc Răng và bà Nguyễn Thị Tươi cũng thường xuyên tới lui nhà bà Mười. Do phải vào viện để trị bệnh nên bà Mười gởi một giỏ vàng cho vợ chồng Lê Ngọc Răng và Nguyễn Thị Tươi nhờ họ giữ giùm vì sợ để ở nhà sẽ bị lấy trộm. Sau đó bà Tươi mang giỏ vàng về nhà cất vào tủ trong buồng và khóa lại. Thắng lợi dụng khi mẹ vắng nhà đã mở tủ lấy 14 lượng vàng. Khi bà Mười ra viện đã yêu cầu cha mẹ Thắng mang giỏ vàng đến trả, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện mất vàng. Cơ quan CSĐT đủ cơ sở chứng minh Lê Quốc Thắng lấy 14 lượng vàng của bà Phạm Thị Mười, đem bán được 163,8 triệu đồng. Số tiền này Thắng mua 1 xe mô tô SHi trị giá 6.100 USD (tương đương 97.691.000 đồng), số còn lại chi xài cá nhân và cho nhiều người mượn. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT còn phát hiện bà Nguyễn Thị Tươi - mẹ Thắng đứng tên chủ tài khoản ở các Ngân hàng số tiền 150.000.000 đồng, Cơ quan CSĐT đã phong tỏa tài khoản trên để làm rõ
Theo Cơ quan CSĐT, vợ chồng bà Tươi nhận giữ giùm vàng của bà Phạm Thị Mười và để xảy ra mất trộm thì vợ chồng bà Tươi phải có trách nhiệm trả lại cho bà Mười 14 lượng vàng. Do đó, Cơ quan CSĐT, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị tiếp tục phong tỏa số tiền trên để đảm bảo cho việc thi hành án. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 180/2007/HSST ngày 15-10-2007 của Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều đã xử phạt: Lê Quốc Thắng 4 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, thời hạn phạt tù tính từ 3-1-2007. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo trả lại cho bà Mười 14 lượng vàng SJC có khấu trừ 20 triệu đồng cơ quan điều tra trả cho bà, 10 triệu đồng hiện Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều đang quản lý. Về tang vật, chiếc xe SHi biển số 52Z6 -0999 mang tên Nguyễn Minh Hiệp giao cơ quan Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều phát mãi thu hồi trả lại cho bà Mười”. Vụ án không có kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, nhưng sau gần 2 tháng (kể từ ngày diễn ra phiên sơ thẩm, ngày 15-10-2007), ngày 4-12-2007 Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều ra Quyết định số 04/2007/QĐ.ĐC do thẩm phán Nguyễn Thị Cẩm Hồng ký để đính chính phần quyết định trong bản án số 180/2007/HSST ngày 15-10-2007. Nội dung đính chính hoàn toàn mới. Cụ thể, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đã đính chính phần quyết định trong bản án số 180/2007/HSST ngày 15-10-2007 như sau: “Chấm dứt việc phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại các Ngân hàng đối với bà Nguyễn Thị Tươi. Về tang vật: Giữ lại số tiền 1.709.000 đồng và 10 USD để đảm bảo thi hành án. Trả lại cho bị cáo: 1 giấy CMND mang tên Lê Quốc Thắng, 1 giấy phép lái xe mang tên Lê Quốc Thắng, 1 giấy đăng ký xe mô tô mang tên Lê Quốc Thắng, 1 thẻ đa năng, 1 giấy bảo hiểm, 1 thẻ tài khoản, 1 điện thoại di động Nokia 6670 (tang vật phòng PC14 Công an thành phố Cần Thơ đang quản lý)”.
Trước sự việc này, TAND TP Cần Thơ đã yêu cầu TAND quận Ninh Kiều chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án để tòa thành phố xem xét. Ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP Cần Thơ, đã ký Kháng nghị số 01/2008/QĐ.KN.HS. Theo đó, Chánh án TAND TP Cần Thơ xét thấy: “Hành vi phạm tội của Lê Quốc Thắng đã được chứng minh rõ và bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, đối với bà Nguyễn Thị Tươi, mẹ bị cáo Thắng, là người có nghĩa vụ liên quan, vì bà Tươi đã nhận giữ số vàng của bà Phạm Thị Mười nhưng để cho Lê Quốc Thắng lấy trộm. Án sơ thẩm không xem xét trách nhiệm của bà Tươi cùng với Lê Quốc Thắng đối với số vàng mà Thắng thừa nhận cũng như 7 lượng vàng 24k mà cơ quan điều tra chưa điều tra được cho bà Mười là không thỏa đáng. Đồng thời, sau khi xét xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án sơ thẩm lại ra quyết định đính chính bản án về những vấn đề mà trong phần nhận định của bản án sơ thẩm không đề cập”.
Ngoài ra, khi xem xét hồ sơ vụ án TAND TP Cần Thơ còn phát hiện có hai Quyết định đính chính có nội dung khác nhau. Do đó, Chánh án TAND TP Cần Thơ quyết định: “Kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 180/2007/HSST ngày 15-10-2007 và Quyết định đính chính số 04/2007/QĐ.ĐC ngày 4-12-2007 của Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều về phần dân sự và xử lý vật chứng. Giao hồ sơ vụ án cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xét xử lại theo thủ tục Giám đốc thẩm”.
* Liên quan đến Quyết định đính chính số 04/2007/QĐ.ĐC của TAND quận Ninh Kiều, bị hại trong vụ án là bà Phạm Thị Mười đã gởi đơn đến cơ quan chức năng như: TAND, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ yêu cầu xử lý hình sự đối với thẩm phán đã ký quyết định đính chính nói trên.
PHƯƠNG TỬ NGHI