27/04/2019 - 09:29

Cần Thơ - Dấu xưa và nay qua tài liệu lưu trữ 

Cần Thơ  - Trung tâm ĐBSCL, đã trải hơn 300 năm chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xây dựng, bảo vệ quê hương; để lại cho nhân dân thành phố những di sản vô giá về quá trình khai hoang mở cõi, lao động sản xuất, truyền thống yêu nước cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa. Nhân dịp kỷ niệm 27 năm thành lập tỉnh Cần Thơ, 15 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp cùng với UBND TP Cần Thơ tổ chức triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển Cần Thơ qua tài liệu lưu trữ”.

Triển lãm khai mạc vào 8 giờ, ngày 27-4-2019 tại Công viên Ninh Kiều TP Cần Thơ (khu vực cầu đi bộ), phục vụ khách tham quan đến hết ngày 5-5-2019.

Cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư lưu trữ TP Cần Thơ scan các tài liệu chuẩn bị cho Triển lãm. Ảnh: LỆ THU

Cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư lưu trữ TP Cần Thơ scan các tài liệu chuẩn bị cho Triển lãm. Ảnh: LỆ THU

Triển lãm trưng bày những tài liệu nhằm tái hiện lịch sử vùng đất và con người, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Cần Thơ và tiến trình Cần Thơ đi lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Bà Ngô Thị Kim Thùy, Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ TP Cần Thơ, cho biết: “Lịch sử hình thành về mặt địa giới hành chính thành phố và truyền thống đấu tranh của quân dân Cần Thơ để lại kho tư liệu phong phú, hiện đang được lưu giữ trong hệ thống lưu trữ Quốc gia, cần được đưa ra giới thiệu, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và phát huy truyền thống hào hùng bất khuất của quê hương”.

Theo Ban tổ chức, công tác chuẩn bị cho triển lãm được thực hện trong 3 tháng. Trong đó, việc tập hợp tài liệu, lên danh sách các tài liệu là khâu quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất nên các bộ phận, nhân viên phụ trách làm rất cẩn trọng, tỉ mỉ. Các tài liệu được sưu tập, chọn lựa trong hệ thống các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Cần Thơ, Bảo tàng TP Cần Thơ, Cục Thống kê, tài liệu của UBND thành phố… Đặc biệt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II là đơn vị cung cấp chủ yếu các tài liệu, phần lớn là tài liệu cổ - trong đó, có những tài liệu mộc bản từ các thời vua chúa triều Nguyễn…

Một số tài liệu, hình ảnh về cuộc tấn công và nổi dậy của quân dân TP Cần Thơ năm 1968 được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: LỆ THU

Một số tài liệu, hình ảnh về cuộc tấn công và nổi dậy của quân dân TP Cần Thơ năm 1968 được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: LỆ THU

Triển lãm giới thiệu khoảng 240 hình ảnh là những bản đồ, tư liệu, tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Cần Thơ từ thời kỳ khai hoang mở cõi đến nay. Cụ thể là từ khi cụ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, thiết lập nền hành chính Đại Việt ở vùng đất phía Nam (năm 1698) đến quá trình xây dựng, phát triển thành phố hiện nay, qua 3 nội dung:

Phần 1: “Cần Thơ trong tiến trình mở cõi về phương Nam” triển lãm nhiều tài liệu mộc bản, bản sức, bản tấu quan trọng, quý giá của các triều đại, quan lại… Qua đó, khái quát lại quá trình hình thành nên vùng đất mới: Từ lúc thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tuân mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, xác lập nền hành chính Đại Việt (năm 1698) đến thời kỳ Mạc Cửu, Tổng binh trấn Hà Tiên và dòng họ Mạc hoàn thành khai mở vùng đất Trấn Giang (Cần Thơ) sáp nhập vào trấn Hà Tiên và xây dựng nơi đây trở thành “thủ sở” của vùng sông nước miền Hậu Giang (năm 1739). Sau đó là quá trình Trấn Giang (Cần Thơ) được tách, nhập, thay đổi tên gọi qua các thời kỳ nhà Nguyễn lên ngôi, thống nhất bờ cõi (năm 1802). Đó là quá trình cộng đồng dân cư Cần Thơ xưa, vốn là những binh lính cùng quyến thuộc, những lưu dân miền ngoài, cư dân Đồng Nai… cùng cộng cư, cải biến thiên nhiên hoang dã thành vùng đất trù phú.

Phần 2: “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ (1858-1975)” triển lãm các tài liệu về Nghị định, Quyết định, sắc lệnh, công văn, bản đồ, thống kê, hình ảnh, tranh vẽ, báo chí, truyền đơn… Lược sử lại thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, thiết lập bộ máy cai trị ở Nam kỳ. Cần Thơ với những lần thay đổi tên gọi, sáp nhập, chia tách địa bàn hành chính và quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của quân dân địa phương.

Phần 3: “Tiến trình đi lên thành phố trực thuộc Trung ương” gồm các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, công văn… về xây dựng và phát triển Cần Thơ từ năm 1975 đến nay, nhất là thời điểm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương vào năm 2004. Bên cạnh đó là những hình ảnh sống động, cụ thể về các công trình tiêu biểu của thành phố, sự “thay da đổi thịt”, phát triển trên tất cả các lĩnh vực qua những báo cáo, số liệu, biểu đồ tăng trưởng và những phản ánh thực tế qua báo chí…

* * *

Theo lãnh đạo Chi cục Văn thư lưu trữ TP Cần Thơ, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức những triển lãm chuyên đề khác để qua đó, phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu rộng rãi các tài liệu đến mọi người; đáp ứng và phục vụ nhu cầu tra cứu, trích lục tài liệu cho mọi tầng lớp nhân dân trong công tác học tập, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết