27/08/2011 - 20:39

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN:

Cần có những nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo giáo viên

(CT)- Ngày 27-8-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị toàn quốc các trường sư phạm qua 6 cầu truyền hình trực tuyến tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng, TP Vinh và TP Thái Nguyên. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-BCSĐ, ngày 4-4-2007, của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, dự thảo chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các tỉnh, thành, các trường có đào tạo sư phạm trên toàn quốc đã tham gia hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Nghị quyết số 08/NQ-BCSĐ đã được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực. Toàn quốc hiện có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. So với năm 2006, có thêm 11 trường đại học được đào tạo mã ngành sư phạm. Các cơ sở đào tạo giáo viên đã cung cấp đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hóa và nâng cao về trình độ... Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm còn thiếu chặt chẽ, quy mô đào tạo tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng...

Từ đây đến năm 2020, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu cơ bản ổn định và củng cố hệ thống, mô hình cơ sở đào tạo giáo viên, phát triển quy mô các trường sư phạm một cách hợp lý. Về cơ bản đến năm 2020, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó, có ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ trở lên. Đến năm 2015, có 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở đào tạo giáo viên trong thời gian qua. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục cả nước. Đồng thời, rà soát lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên ở các địa phương, trong đó chú ý đến vai trò của các trường phổ thông. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, nhằm đáp ứng được những thay đổi của môi trường xã hội cũng như sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học sư phạm...

L.G

Chia sẻ bài viết