13/01/2010 - 20:54

Dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai

Cần có biện pháp quản lý, kiểm tra chặt chẽ khi nhân rộng

Người dân liên hệ thực hiện dịch vụ hành chính công tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.

Đầu năm 2009, UBND huyện Phong Điền được UBND thành phố chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ hành chính công (DVHCC) trong lĩnh vực đất đai- Một loại DVHCC đã được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng. Sau gần một năm thực hiện, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng mô hình DVHCC ở huyện Phong Điền đã đem lại những kết quả ban đầu, đáp ứng yêu cầu của một bộ phận nhân dân.

THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN

Tháng 12-2008, UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho huyện Phong Điền thực hiện thí điểm mô hình DVHCC trong lĩnh vực đất đai. UBND thành phố cũng giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, đảm bảo không gây phiền hà đối với nhân dân, nhất là trường hợp không qua dịch vụ hành chính; đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng nếu việc thực hiện thí điểm mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân. Tháng 3-2009, UBND huyện Phong Điền giao Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện thí điểm tại hai xã Giai Xuân và Nhơn Nghĩa. Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Sở dĩ chúng tôi chọn hai xã này vì đây là hai xã xa trung tâm huyện nhất, người dân tốn nhiều chi phí và thời gian đi lại trong quá trình thực hiện thủ tục có liên quan”.

Theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục về đất đai người sử dụng đất phải qua các bước: Thực hiện xong các thủ tục về đất đai ở xã, phường rồi mang hồ sơ nộp cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận, huyện và theo giấy hẹn đến đây nhận thông báo thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính; sau đó người dân mang biên lai thuế về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và theo giấy hẹn sẽ trở lại nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với quy trình này, nếu không phải bổ sung hồ sơ, người sử dụng đất ít nhất phải có 3 lần đi - về. Còn khi tham gia DVHCC trong lĩnh vực đất đai đang thực hiện thí điểm ở Phong Điền thì người dân chỉ cần đến xã nộp hồ sơ và sau đó chờ nhận kết quả, bởi toàn bộ các thủ tục liên quan đều do dịch vụ đảm nhận. Cụ thể, sau khi hoàn thành các bước thủ tục ở cấp xã, người sử dụng đất chỉ cần đến bàn nộp hồ sơ cho cán bộ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện đặt tại xã và được hẹn ngày nhận sản phẩm hoàn chỉnh. Người tham gia dịch vụ này phải đóng phí dịch vụ là 120.000 đồng. Ông Văn Chí Dũng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phong Điền, cho biết: “Khoản chi phí này bao gồm phí đi lại của cán bộ thực hiện dịch vụ, in ấn tài liệu, hỗ trợ văn phòng phẩm cho bộ phận nhận và trả kết quả ở xã, chi cho bộ phận dịch vụ... Trường hợp người dân không có nhu cầu thực hiện qua dịch vụ thì đến bộ phận nhận và trả kết quả của UBND huyện theo quy định”.

Cầm trong tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa mới nhận, ông Nguyễn Văn Nhịn, ở ấp An Thạnh, xã Giai Xuân, cho biết: “Khi đến làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, chúng tôi mới được biết có DVHCC. Ban đầu, tôi thấy e ngại, nhưng khi nhờ đến dịch vụ tôi thấy đỡ vất vả đi lại, tốn kém”. Cách đây hơn một tháng, ông Võ Trung Đằng, ở ấp Thới An, xã Giai Xuân đến UBND xã để làm thủ tục chuyển nhượng một phần đất. Tại đây, ông nghe nói thời gian hoàn tất thủ tục theo dịch vụ và thực hiện bình thường tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện là như nhau. Ông Đằng cho biết: “Suy đi, tính lại, thấy chỉ tốn 120.000 đồng mà khỏi đi lại, nên tôi nhờ đến dịch vụ. Đối với những người bận nhiều việc, gia cảnh đơn chiếc, không rành các thủ tục thì giao cho dịch vụ làm tiện lợi hơn”. Ông Huỳnh Đương Ngoan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giai Xuân, cho biết: “Dù mô hình còn mới mẻ, nhưng qua dư luận xã hội chúng tôi nhận thấy nhiều người dân chấp nhận mô hình DVHCC này”.

CẦN QUẢN LÝ CHẶT CHẼ KHI NHÂN RỘNG

Sau khi đánh giá những kết quả bước đầu quá trình thực hiện thí điểm DVHCC trong lĩnh vực đất đai tại hai xã Giai Xuân và Nhơn Nghĩa, Sở Nội Vụ đã đề nghị UBND thành phố cho phép UBND huyện Phong Điền nhân rộng mô hình DVHCC trong lĩnh vực đất đai. Ngày 23-7-2009, UBND thành phố đã có văn bản đồng ý cho UBND huyện Phong Điền nhân rộng mô hình này tại xã Mỹ Khánh và xã Trường Long (thực hiện từ tháng 10 năm 2009). Theo thống kê của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phong Điền, sau 11 tháng thực hiện thí điểm, huyện Phong Điền đã thực hiện được 611 hồ sơ; trong đó, có 578 hồ sơ ở hai xã Giai Xuân và Nhơn Nghĩa (vượt chỉ tiêu 130 hồ sơ) và 93 hồ sơ ở hai xã Mỹ Khánh và Trường Long”. Ông Trương Minh Tâm, Phó Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: “Để đảm bảo việc thực hiện đề án thí điểm không gây phiền hà cho những người không tham gia thực hiện dịch vụ, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra tại các xã thực hiện dịch vụ trên. Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp người dân nào bị o ép phải tham gia dịch vụ”.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng do còn mới mẻ, mô hình này vẫn chưa thu hút nhiều người dân tham gia. Một phần do người dân chưa hiểu hết tính tiện lợi, nhanh gọn của dịch vụ, nhất là e ngại phải đóng góp một khoản chi phí cho dịch vụ; một phần một số người chưa an tâm khi giao một khoản tiền khá lớn cho cán bộ thực hiện dịch vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay mình;... Cũng có ý kiến cho rằng, cải cách hành chính là nỗ lực của chính quyền để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, trong khi ở đây lại thực hiện thủ tục hành chính có thu tiền.

Ông Lê Văn Hậu cho biết thêm, mô hình DVHCC trong lĩnh vực đất đai lần đầu tiên thực hiện ở Phong Điền, nhưng đã được thực hiện ở nhiều địa phương khác trong cả nước, như: Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu,... Quan điểm của UBND huyện khi thực hiện đề án này là giảm phiền hà, đi lại cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính là chủ yếu, còn khoản thu của người dân là dùng để trả lương, chi phí đi lại cho cán bộ thực hiện các thủ tục có liên quan. Hơn nữa, qua thực hiện dịch vụ này, nạn “cò giấy” không còn, những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân ở một bộ phận công chức đã giảm. Đối với những người dân không tham gia dịch vụ, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện thực hiện các thủ tục hành chính đúng quy định, theo tiêu chuẩn ISO-9001. Ông Lê Văn Hậu cho biết thêm: UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của Văn phòng Đăng ký quyền dụng đất; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến của UBND thành phố nhân rộng ra thêm ở các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Việc thực hiện DVHCC trong lĩnh vực đất đai ở Phong Điền bước đầu đã được nhiều người dân chấp nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau, do đó cần có những nghiên cứu, đánh giá nhiều mặt để khi nhân rộng người dân dễ đồng thuận hơn. Trong quá trình thực hiện thí điểm, các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp quản lý, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định, không gây phiền cho người dân, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết