21/08/2010 - 22:12

Cà Mau - sức bật đô thị trẻ

Chợ trung tâm phường 7, TP Cà Mau nhìn từ xa.

Từ một đô thị nhỏ trong mắt nhiều người, nhưng nhờ khơi dậy được tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, TP Cà Mau đã “lột xác”, trở thành một đô thị trẻ, năng động, có những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập, đến năm 1997, TP Cà Mau (xưa là thị xã Cà Mau) chính thức trở thành tỉnh lỵ Cà Mau. Trên chuyến tàu cao tốc chạy về huyện Đầm Dơi, ông Nguyễn Văn Ba, 79 tuổi, một lão thành cách mạng từng sinh sống ở Cà Mau, nhớ lại: “Ngày xưa, vùng đất này chưa có đường sá gì hết, người ta đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe. Lúc tôi trưởng thành, đường đã có nhưng đâu được láng nhựa như bây giờ, xe cộ kiếm “đỏ con mắt” mới thấy một chiếc. Lúc đó, nhà giàu lắm mới có máy phát điện, xài đèn măng xông, còn phần lớn thắp sáng bằng đèn dầu... Còn bây giờ, mỗi lần tôi ra Cà Mau mua đồ là mỗi lần thấy có sự thay đổi đến không ngờ”.

* Phát triển vững chắc

Cột mốc đánh dấu sự phát triển của TP Cà Mau là vào năm 1999, khi nơi đây được công nhận là đô thị loại III. Hơn 10 năm, một chặng đường chưa dài để xây dựng và phát triển, nhưng nhờ Trung ương và địa phương tập trung đầu tư, xây dựng hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng, kinh tế, thương mại - dịch vụ, nên thị xã Cà Mau dần “lột xác” để đến bây giờ được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Khi được công nhận đô thị loại III, TP Cà Mau đã huy động tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đạt 13,6 ngàn tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 1999. Đầu tư xây dựng nâng cấp, phát triển thêm 60 km đường nội thành, 343 km lộ giao thông nông thôn, hàng trăm cây cầu giao thông bằng bêtông. Hiện thành phố quản lý 145 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 100 km, trong đó có trên 80 km đường được trải nhựa và bêtông nhựa nóng; các trục đường chính đã và đang cải tạo nâng cấp, mở rộng. Hệ thống thông tin liên lạc, cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh đô thị, vỉa hè... được quan tâm đầu tư đúng mức, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong lĩnh vực kinh tế, TP Cà Mau phát triển vượt bậc và ổn định: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, hiện tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 47,02%, thương mại dịch vụ chiếm 46,34%, nông nghiệp thủy sản chiếm 6,64%; giá trị xuất khẩu tăng lên 6 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 10 lần, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 23,27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,6 lần so với năm 1999. Nhờ đó, góp phần đẩy lùi tỷ lệ hộ nghèo của TP Cà Mau còn 2,56% .

Đồng chí Phạm Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy TP Cà Mau, phấn khởi: “Để góp phần hoàn thiện bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, mới đây, thành phố đã khởi công xây dựng công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp và khu bờ kè ven sông phường 2, phường 5, tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Đó cũng là hai trong 10 công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Trong tương lai không xa, TP Cà Mau sẽ có thêm 112 căn hộ giá thấp phục vụ cho giới lao động nghèo nông thôn có chỗ ở ổn định, tuyến dân sinh, vỉa hè sẽ khang trang, lộng lẫy hơn...”.

* Tầm nhìn đô thị trẻ...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau-Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh: “Được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh; là đô thị hạt nhân của vùng đô thị Tây Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long..., Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới phải tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, nhằm xây dựng và phát triển thành phố không ngừng lớn mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân”.

Xác định được tầm quan trọng đó, TP Cà Mau đang dốc sức đầu tư hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm. Hiện thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp 8 tuyến đường nội ô bằng bêtông nhựa nóng; rà soát và triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, kịp thời điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố; vận dụng tốt chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển lưới điện, triển khai thực hiện đề án thoát nước... 5 năm tới, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II. Theo đó, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, GDP (giá 1994) tăng bình quân hằng năm từ 16,12% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư phát triển trong nhiệm kỳ 23.000 tỉ đồng; xây dựng 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sạch sinh hoạt; 71% trường học đạt chuẩn quốc gia và 53% xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,2%; 100% xã, phường có trung tâm sinh hoạt văn hóa và đạt chuẩn văn hóa, 50 tuyến phố văn minh...

Đồng chí Phạm Bạch Đằng cho biết: Với mục tiêu đề ra, thời gian tới, TP Cà Mau sẽ có nhiều dự án xây dựng, nâng cấp bộ mặt đô thị, đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn, các dự án giao thông quốc lộ 1A, 63, tuyến đường Hồ Chí Minh, Vành đai 1, Vành đai 2, đường Tôn Đức Thắng, tuyến giao thông đường thủy TP Cà Mau đến các tỉnh, thành trong khu vực; các dự án khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh, Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh, Sân bay mới Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa Bình An, các khu trung tâm thương mại tại khu đô thị Đông Bắc, phường 1, hệ thống chợ, siêu thị tại các phường nội ô thành phố; các dự án chỉnh trang và mở rộng đô thị các phường; các dự án khu dân cư, khu đô thị mới Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nam thành phố; các dự án cụm tiểu thủ công nghiệp phường 1, phường 9, phường 8 với quy mô 90ha, khu công nghiệp Hòa Trung quy mô 219 ha. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án giáo dục - đào tạo, vệ sinh môi trường, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, cây xanh đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị đang được quy hoạch xây dựng và mời gọi các thành phần kinh tế đến đầu tư khai thác...

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Chia sẻ bài viết