18/03/2019 - 08:01

Cà Mau quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử 

UBND tỉnh Cà Mau vừa đưa ứng dụng Zalo vào giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính. Ðây là bước đi tiếp theo của tỉnh để hoàn thiện và cụ thể hóa hơn nữa quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử.

Tỉnh Cà Mau đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng Zalo đã được đưa vào khai thác dùng cho dịch vụ công trực tuyến.

Zalo sẽ giúp tạo đột phá

Trong lễ ký kết hợp với đơn vị chủ quản của ứng dụng Zalo để khai thác ứng dụng này vào việc giải quyết thủ tục hành chính, ngày 12- 3 vừa qua, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Cà Mau, cho biết tỉnh đưa Zalo vào hỗ trợ cải cách hành chính sẽ giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tích hợp tính năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng Zalo qua cổng “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau”, giúp người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên ứng dụng này. Có những hồ sơ người dân chỉ cần ở nhà thực hiện rồi nhận kết quả và trả phí thông qua dịch vụ bưu điện; có những hồ sơ người dân chỉ cần đến cơ quan hành chính một lần là nhận được kết quả cuối cùng.

Ngoài ra, cổng “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” còn hỗ trợ người dân tra cứu tình trạng hồ sơ, trao đổi, hỏi đáp trực tuyến về thủ tục giấy tờ với cán bộ giải quyết hồ sơ và đánh giá về mức độ hài lòng với dịch vụ. “Mô hình này sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời giúp quản lý chặt việc giải quyết hồ sơ một cách minh bạch. Đây là một bước tiến của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương chung về phát triển “Chính quyền điện tử””- ông Chính nói.

Ngay sau lễ ký kết, UBND tỉnh Cà Mau đã họp Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin để đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thời gian qua. Trong đó, việc “Chính quyền điện tử” đang dần hoàn thiện nhưng “Công dân điện tử” còn thiếu, rất được quan tâm.

Thiếu công dân điện tử

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, hiệu quả thiết thực của ứng dụng công nghệ thông tin là giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài chính. Trong năm 2018, ngành giáo dục Cà Mau đã thực hiện chuyển các loại sổ nghiệp vụ từ giấy sang số hóa. Trên 60 đầu sổ nghiệp vụ được chuyển đổi và phục vụ rất thiết thực cho công tác quản lý, giảng dạy. Giáo viên đỡ mất thời gian, phụ huynh cập nhật được thông tin về con mình nhanh chóng ngay tại nhà.

Cũng theo ông Luân, hiện ngành nào, địa phương nào cũng có nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh các thủ tục, song khó khăn vẫn còn rất nhiều. Rào cản lớn nhất là nhận thức về việc cần áp dụng vào thực tiễn. Muốn phát triển dịch vụ công trực tuyến, công chức, viên chức phải đi đầu thực hiện nhưng thực tế, nhiều người còn chưa nắm rõ, chưa áp dụng nên cứ làm theo kiểu truyền thống, khó tác động được đến người dân. “Đã có “Chính quyền điện tử” nhưng đa số người dân không hiểu nó là gì, nghĩa là chúng ta chưa có “Công dân điện tử””- ông Luân nêu rõ.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tán đồng với ý kiến trên và cho biết, để khuyến khích, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngành chức năng đã cấp gần 800 tài khoản sử dụng dịch vụ cho cán bộ đoàn thể, mặt trận của tỉnh và huyện nhưng không mấy người sử dụng. “Cán bộ tuyên truyền không sử dụng thì ai sử dụng, rồi tuyên truyền cho ai?”- ông Hải đặt vấn đề.

Ðặt lợi ích của người dân lên trên hết

Cũng theo ông Hải, không chỉ ý thức mà trình độ của cán bộ, công chức, viên chức còn rất kém trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Có nơi còn chưa phân biệt được đâu là thủ tục hành chính, đâu là thủ tục thông thường. Việc đăng các văn bản lên cổng thông tin dịch vụ công cũng chưa kịp thời, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cần bỏ ngay tư tưởng thờ ơ, cứ quản lý, làm theo kiểu truyền thống của một bộ phận không nhỏ cán bộ. Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau dẫn chứng, trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân hiện có rất nhiều vấn đề, nhiều vụ việc. Ứng dụng công nghệ thông tin, có phần mềm xử lý, từng vụ việc nhập vào là xong. Sau đó, muốn biết ai tiếp nhận, ai xử lý, xử lý đến đâu, chỉ cần tra trên máy là rõ. “Hiệu quả như vậy, nhưng tại sao lợi ích chưa đến được với người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và phải hướng dẫn cho nhân dân, cho doanh nghiệp”- ông Hải nói.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn cần tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Các huyện, thành phố trực thuộc phải thành lập ngay Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin. Thủ trưởng các đơn vị phải tập trung khắc phục ngay các khó khăn.

Trong năm 2018, phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh Cà Mau đã được nâng cấp, đảm bảo đáp ứng các tính năng và được triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp giải quyết nhanh các hồ sơ trực tuyến. Kết quả, đã tiếp nhận, xử lý hơn 270.000 hồ sơ. Riêng tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận hơn 23.000 hồ sơ, xử lý trước hạn được gần 18.000 hồ sơ, giúp giảm được chi phí cho người dân, doanh nghiệp trên 28 tỉ đồng. Thời gian tới, khi ứng dụng Zalo được đưa vào khai thác để hỗ trợ người dùng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngành chức năng tỉnh này kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong giải quyết các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 (trên môi trường mạng).

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Chia sẻ bài viết