25/08/2010 - 09:21

Bộ giống lúa cải tiến ở ĐBSCL không có giống kháng bệnh lùn lúa cỏ, lùn xoắn lá

(CT)- Ngày 24-8-2010, Hội đồng Khoa học TP Cần Thơ đã nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài “Nghiên cứu đánh giá tính kháng bệnh lùn lúa cỏ (LLC), lùn xoắn lá (LXL) và Tungro trên bộ giống lúa cho vùng ĐBSCL”, do Viện lúa ĐBSCL chủ trì, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư làm chủ nhiệm.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy: Bộ giống lúa cải tiến gồm 290 giống ở ĐBSCL không có giống kháng bệnh LLC và LXL, chỉ có 4 giống chống chịu được bệnh với tỷ lệ nhiễm dưới 30% là OM5930, VN121, KG1, OM6074, có 5 giống chống chịu bệnh với tỷ lệ nhiễm từ 30-60% là OM6073, OM49000, KHR304, BT1, OMCS2000. Đề tài cũng đưa ra nhiều kết quả mới so với các nghiên cứu trước đây như: Bệnh LLC và LXL xuất hiện sớm hơn trên giai đoạn mạ so với giai đoạn đẻ nhánh. Nếu bị nhiễm ở giai đoạn mạ bệnh sẽ làm giảm chiều cao cây rất nhiều. Do rầy nâu thường truyền bệnh cho cây lúa vào ban đêm với thời gian ngắn (từ 30-150 phút cho bệnh LLC, 5-40 phút cho bệnh LXL) nên sử dụng thuốc hóa học có thể giảm mật độ số rầy nhưng không thể giải quyết được bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp né rầy và phòng bệnh, sử dụng các giống có khả năng chống chịu bệnh cao...

Đề tài sẽ được tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 từ nay cho đến tháng 3-2011 để nghiên cứu về bệnh Tungro trên cây lúa.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết