23/09/2013 - 21:21

Bế mạc Phiên họp thứ 21, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

* Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công và dự án Luật Xây dựng (sửa đổi)

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng 23-9, cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính thống nhất của Luật đầu tư công trong hệ thống pháp luật. Luật đầu tư công liên quan đến một loạt Luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... cũng như các Nghị định, Thông tư, quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành... Các luật và văn bản quy phạm pháp luật này đã và đang là cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng trên toàn quốc. Do vậy, để có được những luận cứ thuyết phục cho việc ra đời một Luật riêng về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành cũng như các luật dự kiến sửa đổi để đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện của hệ thống pháp luật.

Làm rõ hơn các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết về cơ bản, Luật đầu tư công không có vướng mắc gì lớn so với các Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh Luật tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Bộ đang nghiên cứu hướng đấu thầu trọn gói để hạn chế rủi ro, trong trường hợp cụ thể, nếu có sự tác động quá lớn, các dự án mới được chuyển sang hình thức khác là không trọn gói.

Bộ trưởng khẳng định khi Luật đầu tư công được ban hành sẽ hạn chế tối đa việc bố trí vốn tràn lan, dàn trải nhiều năm. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điểm mới của Luật là quy định việc thẩm định vốn, không có vốn không được triển khai, như vậy, khi dự án được khởi công chắc chắn là có tiền giải ngân, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, gây lãng phí.

Chiều 23-9, Phiên họp thứ 21, Ủy ban thường vụ Quốc khóa XIII đã bế mạc.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Nêu lên những nội dung quan trọng sẽ được bàn bạc, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đơn vị hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội, chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho Kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tới công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.

Trước đó, đầu phiên họp chiều 23-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) phải nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm sự quản lý toàn diện, xuyên suốt đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án và hoàn thành xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng; tạo điều kiện và tiền đề để từng bước phát triển và hoàn thiện thị trường xây dựng trong nước gắn với quá trình đổi mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xây dựng giai đoạn 2003 – 2012; tổ chức khảo sát thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về xây dựng tại một số địa phương và doanh nghiệp đại diện cho các vùng, địa phương trong nước; tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... qua đó rút ra những nội dung cần thiết có thể vận dụng trong soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Kết luận phiên thảo luận nội dung Luật Xây dựng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ban soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh và sự liên quan giữa dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với các dự án khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát lại các nội dung để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

 

Chia sẻ bài viết