Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo cụm trường và thực hiện chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành lân cận
Sự thay đổi này là tiền đề để nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến tới tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia. Với ý nghĩa đó, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan, vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng
Nhà của em Lâm Thị Hồng Phượng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, ở ấp Trường Khánh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cách Trường THPT Thới Lai hơn 10 km. Mỗi ngày, Phượng thức từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đến trường. Hầu như hôm nào học buổi chiều, Phượng cũng ở lại trường vào giờ nghỉ trưa. Hồng Phượng kể: “Hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên ba mẹ không có điều kiện cho em ra Thới Lai ở trọ. Em phải đi đi về về hằng ngày, rất mệt”. Ở Trường THPT Thới Lai, có không ít hoàn cảnh như Hồng Phượng. Các học sinh này đang rất băn khoăn trước thông tin năm nay sẽ thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Hà Huy Giáp bởi quãng đường từ nhà đến hội đồng thi sẽ tăng thêm hàng chục cây số.
 |
Thí sinh đang làm bài thi tại Hội đồng thi Trường THPT Châu Văn Liêm trong kỳ thi
tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008. |
Với nhiều gia đình, 100- 200 ngàn đồng để ở trọ, cơm nước trong 3 ngày thi chẳng đáng là bao, nhưng ở ngoại thành, số tiền này không phải nhỏ. Hồng Phượng lo lắng nói: “Thấy nhà ở xa chỗ thi quá, em xin bà nội cho ở trọ vài ngày để đi thi, nhưng vừa lo tiền ăn vừa lo tiền ở trọ em ngại nội lo không nổi”. Thầy Nguyễn Như Ri, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cũng chia sẻ: “Có thông tin học sinh Trường THPT Thới Lai và học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp sẽ thi tốt nghiệp chung tại hội đồng thi Trường THPT Hà Huy Giáp. Hai trường cách nhau khoảng 17km, đường lại hẹp. Mặc dù tuyến đường này có xe buýt nhưng chỉ một vài chuyến. Tại thị trấn Cờ Đỏ, nhà trọ không nhiều làm sao đáp ứng nhu cầu cho gần 600 học sinh của Trường THPT Thới Lai”.
Tương tự là hoàn cảnh của Lại Chí Thiện, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, nhà ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Do huyện Phong Điền chỉ có 1 trường THPT nên nếu tổ chức thi theo cụm, học sinh của trường phải ra tận quận Cái Răng hoặc Ninh Kiều dự thi. Quãng đường này hơn 20 km. Ông Lại Văn Hào, ba của Thiện, băn khoăn: “Tôi bệnh suốt nên không thể chở con đi thi được. Cháu chưa đi xa lần nào nên tôi rất lo, không dám cho cháu đi thi một mình”.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, mỗi cụm thi có ít nhất 3 trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Học sinh sẽ tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn- những nơi có điều kiện tốt hơn- để dự thi. Trường hợp đặc biệt- những trường ở vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức cụm 2 trường- các Sở Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo để xin ý kiến Bộ. Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bố trí lực lượng thanh tra Bộ ở các cụm thi. Bộ cũng sẽ huy động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi, nhất là đối với những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc chỉ tổ chức cụm thi có 2 trường.
Hiện nay, toàn TP Cần Thơ có 23 trường THPT. Trong đó, các trường chủ yếu tập trung ở quận, khu vực trung tâm. Các huyện vùng ven, đi lại khó khăn, xa xôi lại ít trường. Chẳng hạn, toàn huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 2 trường THPT đặt tại thị trấn Thạnh An. Nếu phải lập thành cụm 3 trường, học sinh Vĩnh Thạnh sẽ thi cùng học sinh huyện Thốt Nốt. Như vậy, nhiều học sinh ở xã Thạnh An, Thạnh Thắng... phải đi hơn 50 km để đến hội đồng thi.
Bên cạnh những băn khoăn về việc đi lại, chỗ ở... khi tổ chức thi theo cụm, không ít giáo viên và học sinh còn lo lắng về việc đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành lân cận để chấm thi. Thầy Nguyễn Lê Tuấn, giáo viên Trường THPT Thới Lai, nói: “Do là năm đầu thực hiện chấm chéo bài nên nhiều giáo viên lo lắng bởi dù đáp án chỉ có một nhưng mỗi nơi có cách dạy- cách chấm khác nhau. Rất khó định hướng cho học sinh”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh thành sẽ có tác động tích cực hơn, đặc biệt là tạo động lực dạy tốt học tốt trong giáo viên, học sinh. Thầy Nguyễn Như Ri, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, nhấn mạnh: “Trường yêu cầu giáo viên dạy đầy đủ chương trình, học sinh không được học tủ, học lệch. Đặc biệt, phải dạy đúng theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi chấm chéo, dù nơi này, nơi kia có cách dạy- cách chấm khác nhau nhưng chương trình khung là cơ sở, căn cứ vững chắc nhất”. Cũng đồng tình với quan điểm của thầy Nguyễn Như Ri, thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Hà Huy Giáp, cho biết: “Trường thường xuyên động viên giáo viên và yêu cầu giáo viên giải thích cặn kẽ để học sinh hiểu rõ rằng việc thực hiện chấm bài chéo chỉ là hình thức chấm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu học đủ, học đúng chương trình, làm tốt bài thi thì ai chấm bài không phải là vấn đề đáng băn khoăn, lo lắng”.
* * *
Mặc dù còn nhiều khó khăn và không ít băn khoăn, lo lắng nhưng thực hiện chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục TP Cần Thơ đang triển khai các công văn hướng dẫn của Bộ đến các trường THPT kịp thời. Thi theo cụm, chấm chéo bài thi tự luận là những biện pháp nhằm nâng cao tính nghiêm túc, sự minh bạch của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tiến tới một kỳ thi THPT quốc gia trong tương lai gần. Chắc chắn rằng bước đầu thực hiện, những cách làm mới này sẽ gây không ít băn khoăn, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương, các đoàn thể cùng chung tay giải quyết các mối lo này, học sinh sẽ có điều kiện thi cử tốt để đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp kiểm tra chặt chẽ việc chấm chéo, không để tâm lý cục bộ địa phương hoặc “dĩ hòa vi quí” gây ảnh hưởng tiêu cực thì sẽ giải tỏa được sự căng thẳng không cần thiết cho giáo viên, học sinh trước kỳ thi.
Bài, ảnh: HÀ THANH