06/08/2013 - 22:43

Bán đảo Cà Mau Giữa đôi dòng mặn - ngọt

TTH.VN - Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).

* HỮU TÙNG – BÌNH NGUYÊN

Bài 5: Tranh chấp mặn - ngọt và nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những năm gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết đã và đang trở thành nguy cơ thường trực đe dọa sản xuất và đời sống tại BĐCM. Nước biển dâng, xâm nhập mặn, hệ lụy do nhiều năm phá vỡ môi trường sinh thái đã và đang làm cho vùng đất này đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn

* Nguy cơ hiện rõ

Tranh chấp mặn - ngọt vùng BĐCM trong điều kiện thủy lợi chưa hoàn thiện càng khốc liệt hơn trước tác động của BĐKH, đặc biệt các địa phương khu vực ven biển. Theo đó, xâm thực mặn sâu vào nội đồng trong mùa khô và nước ngập do triều cường vào mùa mưa do BĐKH là khó tránh khỏi nếu các địa phương không chủ động ứng phó tốt, cả trước mắt và giải pháp dài hơi…Như đánh giá của Tiến sĩ Tăng Đức Thắng-Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tại một cuộc hội nghị cấp vùng. Tiến sĩ Thắng nói: “Tác động của BĐKH và nước biển dâng nên vùng Bắc của Bạc Liêu chịu ảnh hưởng tới hai chế độ triều cường, thời gian ngọt ngày càng ngắn và thời gian mặn ngày càng dài. Tương lai gần, Bạc Liêu sẽ khó tránh khỏi nạn thiếu nước ngọt phục vụ trồng lúa…”.

Tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở nặng ở đê biển Tây (Cà Mau).
Ảnh: HỮU TÙNG

Vùng ĐBSCL tạo ra khoảng 50% sản lượng lương thực và khoảng 70% sản lượng thủy sản so với cả nước nhưng được xem là vùng sẽ phải gánh chịu tác động nặng nề của BĐKH. Điều đó cũng đồng nghĩa, tác động của BĐKH trong tương lai ảnh hưởng ít nhiều đến an ninh lương thực của cả nước. Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu -Trường Đại học Cần Thơ, nếu nhiệt độ tăng lên 1 độC sẽ làm giảm khoảng 10% năng suất lúa, giảm 5 - 20% năng suất các loại cây họ đậu. Còn nước biển, nếu dâng cao thêm 1m thì sẽ có 70% diện tích lúa ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, tức vùng này sẽ mất đi khoảng 1,5 - 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. “Thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán còn tăng áp lực dịch hại trên cây trồng, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế. Trong đó, các tỉnh ven biển vùng BĐCM, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… sẽ chịu tác động lớn nhất của BĐKH.

Tại Sóc Trăng, tỉnh ven biển nằm cuối nguồn sông Mê Công, nguồn nước đổ về từ thượng nguồn thấp khiến cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền từ 40 - 80 km, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của người dân. Đầu năm 2013, tình trạng xâm nhập mặn khiến hơn 2.000ha lúa của tỉnh bị chết, hàng ngàn ha bị ảnh hưởng năng suất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, BĐKH đang tác động đến nguồn nước, ngập úng, xâm nhập mặn, hạn hán, chế độ thủy triều… Các vật nuôi, cây trồng không thích ứng kịp với BĐKH đều bị ảnh hưởng chất lượng, năng suất; nhiều cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy do sạt lở…Theo ông Lê Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, BĐKH đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp của tỉnh. “Thời gian qua, thủy triều dâng cao, cộng thêm nắng nóng gay gắt khiến mực nước ngọt giảm mạnh, diện tích khô hạn đã tăng nhanh dẫn đến mặn thẩm thấu qua các cống đập, xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa và uy hiếp nhiều diện tích lúa đông xuân của địa phương” – ông Quang thông tin.

Tại Cà Mau, BĐKH càng thể hiện rõ hơn, xảy ra hầu như các mùa trong năm. Vào mùa khô, tình trạng hạn hán kéo dài không có nước ngọt bổ sung trong khi mực nước đồng hạn thấp khiến xâm thực mặn lấn sâu vào nội đồng, tác động bất lợi đến vùng ngọt hóa, tài nguyên nước ngầm và tăng nguy cơ cháy rừng. Chỉ riêng về chuyện rừng, mùa khô 2013, toàn lâm phần rừng tràm tỉnh này (khoảng 42.000ha) khô hạn hoàn toàn, phần lớn báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, vào mùa mưa, tác động của BĐKH gây giông lốc thường xuyên, nước dâng…ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt và tính mạng người dân, đặc biệt các địa phương ven biển tỉnh này. Báo cáo quan trắc mực nước biển của ngành chức năng Cà Mau cho thấy tăng qua từng năm. Nếu như năm 2007, đỉnh triều cao 1,5m thì vào năm 2011 là 2,1m. Theo nhận định, nếu mực nước tiếp tục dâng thì trong tương lai gần, có khoảng 60.000-90.000ha đất sản xuất các huyện ven biển như: Ngọc Hiển, Năm Căn nguy cơ bị ngập. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: “Hằng năm, tỉnh Cà Mau bỏ tiền tỉ bồi trúc các tuyến đê xung yếu và vận động nhân dân gia cố bờ bao khuôn hộ nhưng vẫn bị nước biển dâng tràn qua đê, gây thiệt hại nặng nề sản xuất và sinh hoạt của người dân”.

BĐKH làm nước dâng còn gây sạt lở nặng nề hầu hết các tuyến sông, rạch ở Cà Mau làm hàng chục nhà dân ven sông bị nhấn chìm, thiệt hại ước tính tiền tỉ. Báo cáo của Chi cục thủy lợi Cà Mau cho biết, với chiều dài các tuyến kênh, rạch trên 8.000km và bờ biển khoảng 254km, lở làm Cà Mau mất đi mỗi năm khoảng trên 900ha đất (khoảng 800ha đất Ven sông, rạch; còn lại là đất ven biển). “Đó là chỉ ước lở mỗi bên chừng 0,5m/năm, nhưng thực tế lở còn cao hơn vì khảo sát một số tuyến ven sông Cửa Lớn, Cái Đôi Vàm, kênh xáng Thị Kẹo, kênh xáng Đội Cường…thì có nơi lở làm mất từ 3-4m đất/bờ/năm” – ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết.

Cũng theo ông Nam, BĐKH ngày càng diễn biến khó lường, gây mưa nắng thất thường không theo quy luật. Ông Nam nói: “Mới vào mùa mưa bão chưa lâu mà trên địa bàn tỉnh đã ngập úng hơn 11.700ha, trong đó trên 2.500ha lúa, hoa màu thiệt hại hoàn toàn; trên 10 vụ sạt lở đất ven sông tổng chiều dài trên 600m làm sập và hư hỏng trên 44 nhà dân và cơ sở sản xuất. Đó là chưa tính hàng trăm nhà dân bị sập hoàn toàn, tốc mái do giông lở và trên 3.600m đê biển bị sạt lở…”.

* Cần có giải pháp ứng phó đồng bộ

Nằm ở hạ nguồn sông Mê Công, vùng ĐBSCL trong đó có một số tỉnh vùng BĐCM sẽ chịu tác động nhất định từ BĐKH. Đặc biệt là phía thượng nguồn sông Mê Công, một số nước đã ngăn dòng chảy để khai thác thủy điện khiến lưu lượng nước ngọt đổ về hạ nguồn sẽ ít hơn. “Khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạn chế sẽ khiến nước biển từ ngoài sẽ xâm thực sâu vào nội đồng, cộng với việc nước biển dâng cao do tình trạng trái đất ấm dần lên sẽ làm đất ở ĐBSCL bị ngập mặn, về lâu dài không trồng được lúa” – PGS. TS Lê Anh Tuấn cảnh báo.

Để ứng phó với tác động của BĐKH tới sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng Bán đảo Cà Mau mong muốn được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê bao khép kín để tách bạch phân vùng mặn-ngọt. Trong tình thế thủy lợi còn nhiều lỗ hổng như hiện nay, một vài địa phương ứng phó bằng cách nhân rộng các ô thủy lợi nhỏ, cánh đồng mẫu…nhằm hạn chế ngập úng cục bộ hoặc xâm thực mặn vào mùa trồng lúa. Như tại Cà Mau, đã có một số ô thủy lợi bước đầu ứng dụng hiệu quả theo mô hình nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa. Song, nhà nông trong vùng vẫn lo vì ngoài các hiệu quả về lâu về dài, mô hình trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm cũng bộc lộ hạn chế. Theo người dân vùng tôm lúa, lo ngại lớn nhất với bà con là vào mùa trồng lúa bị nắng cục bộ kéo dài. “Với những giống lúa chỉ chịu được độ mặn 2-3‰ như hiện nay, khi gặp nắng cục bộ độ mặn trong vuông sẽ tăng cao làm lúa héo, cháy lá chết” – ông Nguyễn Minh Thức, canh tác mô hình tôm lúa ấp Rạch Mũi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), cho biết.

Tỉnh Cà Mau đang thông qua đề án quy hoạch chi tiết nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng tới 2015, định hướng 2020. Theo đề án mới, Cà Mau sẽ quy hoạch thành 31 tiểu vùng (năm 2001, Cà Mau quy hoạch có 23 tiểu vùng vì huyện Năm Căn và Ngọc Hiển nằm ngoài quy hoạch), gồm: 5 tiểu vùng thuộc vùng Bắc Cà Mau; 18 tiểu vùng thuộc vùng Nam Cà Mau; Vùng  Quản Lộ - Phụng Hiệp và 8 tiểu vùng ven biển Năm Căn –Ngọc Hiển. Ngành Nông nghiệp Cà Mau đề xuất thực hiện một trong 3 giải pháp, tổng nguồn vốn dự kiến từ 16.000-hơn 18.000 tỉ đồng (chủ yếu huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ). Trong đó phân theo từng giai đoạn, thực hiện nhiều hạng mục công trình, như: hoàn thiện đê biển, kè đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, trạm bơm thoát nước ở các cống…

Mục tiêu sau khi hoàn thành đề án, nhằm ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác cho nhân dân trong vùng, ứng phó với xâm thực mặn, biến đổi khí hậu gắn với hoàn thiện hạ tầng giao thông, đời sống dân cư ven biển, dân cư những vùng dễ bị tổn thương do thời tiết, giảm thiểu tác động tới môi trường…Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: “Để khai thác bền vững vùng Bán đảo Cà Mau, cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống công trình như cống Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang), Xẻo Rô, Sông Đốc, Gành Hào, Cái Đôi Vàm, Bảy Háp và kênh xáng Bạc Liêu-Cà Mau. Có vậy mới đưa được nước ngọt xuống vùng Nam Cà Mau. Lúc bấy giờ mới đảm bảo được vùng sinh thái ngọt, mặn luân phiên của vùng Nam Cà Mau. Khi chưa xây dựng các cống như trên thì nguồn ngọt không thể đưa xuống vùng phía Nam của tỉnh Cà Mau, nên hệ sinh thái ngọt chủ yếu là vùng Bắc Cà Mau và Quản Lộ-Phụng Hiệp. Các tiểu vùng thuộc vùng Nam Cà Mau và vùng ven biển Ngọc Hiển-Năm Căn do thiếu nguồn ngọt nên sản xuất nhờ nước trời. Do đó, hướng trước mắt là tập trung bố trí hệ thống công trình thủy lợi khép kín từng ô nhỏ”.

Bài cuối: Đi tìm giải pháp phát triển bền vững

 

Chia sẻ bài viết