09/11/2015 - 20:47

Ăn thịt cóc: lợi ít, hại nhiều !

Tháng 10-2015, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ và Bệnh viện 121 tiếp nhận cấp cứu, điều trị 3 người ở quận Cái Răng bị ngộ độc do ăn thịt cóc. Sau thời gian điều trị, 3 người đã xuất viện. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các bệnh viện tiếp nhận cấp cứu ngộ độc thịt cóc và không phải người nào cũng may mắn được cứu sống...

* Tử vong do ăn thịt cóc

Theo các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVNĐ TP Cần Thơ, khoa tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị ngộ độc thịt cóc do gia đình cho ăn để tẩm bổ. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Khoa, BVNĐ TP Cần Thơ, ở gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc chứa rất nhiều bufalotoxin - là chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất nhanh. Bufalotoxin gồm nhiều chất như: 5-MeO-DMT, Bufagin, Bufotaline, Bufogenine, Bufothionine, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin… Tác động sinh học của độc tố tùy cấu trúc hóa học: Bufagin tác động đến tim mạch như nhóm Glycoside tim mạch; Bufotenine gây ảo giác; Serotonin gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tùy loài cóc. Độc tố xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa gây ngộ độc cấp tính.

Hai trẻ bị ngộ độc thịt cóc điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVNĐ TP Cần Thơ, sau khi ăn thịt cóc, bị trúng độc, nạn nhân bị nôn, ói, đau bụng, mệt lả, có trường hợp nhịp tim chậm... Nếu nặng, nạn nhân có biểu hiện lạnh tay, chân, trụy tuần hoàn rồi tử vong. Các bác sĩ nhận định, cấp cứu do ngộ độc thịt cóc là tối khẩn do chất độc của cóc tác động vào cơ tim, làm rối loạn nhịp tim, ứ trệ hô hấp, nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong. Nếu chẳng may bị trúng độc cóc, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nên trước 3 giờ sau khi ăn. Cũng theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, phác đồ điều trị ngộ độc thịt cóc thường là thải độc tố bằng súc rửa dạ dày, cho uống thuốc lợi tiểu, truyền dịch... và xử trí các biến chứng như: chống sốc, trợ tim...; nếu bệnh nhân suy hô hấp thì đặt nội khí quản, cho thở máy... Chính do cấp cứu ngộ độc thịt cóc cần các trang thiết bị hiện đại, thuốc chuyên biệt nên thường được xử lý ở các bệnh viện chuyên khoa nhi. Còn các bệnh viện tuyến quận, huyện chỉ xử trí cấp cứu ban đầu, rửa dạ dày thải độc... sau đó chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trong cấp cứu ngộ độc thịt cóc, điều quan trọng và quyết định việc sống còn của bệnh nhân là đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi sớm. Càng đến sớm, tỷ lệ cấp cứu, điều trị thành công càng cao. Năm 2014, một trẻ bị ngộ độc thịt cóc đến cấp cứu tại BVNĐ TP Cần Thơ nhưng do bệnh nhi đến quá trễ nên đã tử vong.

* Thịt cóc "đại bổ"?

Theo dân gian, thịt cóc rất bổ, khi ăn thịt cóc, trẻ sẽ hết suy dinh dưỡng, còi xương, hen suyễn... Chính vì thế, nhiều gia đình tìm mua cóc hay bắt cóc chế biến thành chà bông, nấu cháo... cho trẻ ăn. Giá bán một ký chà bông thịt cóc dao động trên dưới 700.000 đồng. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Khoa, BVNĐ TP Cần Thơ, ngoài luận án tiến sĩ của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện cách đây hơn 20 năm với đề tài phân tích chất dinh dưỡng của cóc, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về công dụng của thịt cóc. Theo nghiên cứu này, thịt cóc có lượng chất đạm tương đương với ếch, gà; có chất kẽm nhưng ít hơn con hào; có chất sắt nhưng không bằng huyết heo, gan bò, gan heo. Ngoài ra, theo Bảng thành phần thức ăn Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì thịt bò nạc, thịt thỏ, thịt cá hồi... còn có lượng đạm cao hơn cả ếch và gà; không có thịt cóc. Như vậy, nếu nói thịt cóc rất bổ dưỡng và chữa suy dinh dưỡng thì chưa có cơ sở để kết luận. Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em phải được khám và tư vấn, bởi theo bác sĩ hoặc chuyên gia về dinh dưỡng, không phải chỉ cần ăn thịt cóc là sẽ khỏi bệnh.

Ở vùng nông thôn, các gia đình có con nhỏ, bị suy dinh dưỡng, do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có khả năng mua thịt bò, gà... để tẩm bổ cho trẻ. Nhiều gia đình tận dụng nguồn thịt cóc có sẵn trong thiên nhiên cho trẻ ăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Khoa, người dân không nên ăn thịt cóc, nếu xét giữa lợi và hại. Nếu không có gì để ăn cũng không nên dùng thịt cóc, do khi chế biến chúng ta vẫn có khả năng bị nhiễm độc tố. Thay vào đó nên chọn thịt nhái nếu hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.

Hiện nay, điều kiện kinh tế, đời sống khá hơn, rất nhiều thực phẩm phong phú chủng loại, giàu dinh dưỡng với mức giá cả phù hợp. Với giá thịt cóc như hiện nay, người dân không nên hoang phí tiền để mua thịt cóc hay chà bông cóc. Đấy là chưa kể đến việc người ăn thịt cóc có thể tử vong vì ngộ độc. Bác sĩ Lê Văn Khoa khuyên người dân nên dùng các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác cho trẻ như: Sữa mẹ (rẻ, an toàn, phù hợp nhất cho trẻ); thịt (heo, gà, vịt...); cá (lóc, rô phi, nục...); các loại trứng gia cầm...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết