11/03/2008 - 21:18

Cà Mau:

“Tín dụng đen” hoành hành các trường học

Bị đe dọa, đánh đập vì trót vay nặng lãi, nhiều học sinh không còn tâm trí để học hành, phải nghỉ học hoặc chuyển trường. Sự việc xảy ra ở nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố Cà Mau. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Trường THPT Cà Mau. Các đối tượng cho vay nặng lãi bên ngoài đã tìm cách dụ dỗ, lôi kéo những học sinh hư hỏng vào vòng nợ nần, rồi biến những nạn nhân này thành công cụ để đưa “tín dụng đen” vào trường học.

* Học sinh hoang mang, phụ huynh bàng hoàng

Em P.V.C, học sinh lớp 11, Trường THPT Phú Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau), cho biết hồi còn học ở Trường THPT Cà Mau, thông qua một người bạn học cùng trường tên V.H.L, em đã vay tiền của hai người bên ngoài. Chỉ cần học sinh cho biết tên và lớp đang học là được cho vay tiền. Nếu vay dưới 1 triệu đồng, trả góp hằng ngày với lãi suất 30%/tháng, còn vay từ 1 triệu trở lên sẽ phải đóng lãi 30%/tháng, vốn giữ nguyên. Ban đầu, P.V.C vay 500 ngàn đồng và hằng ngày em phải trả góp 20 ngàn đồng. Hôm nào không trả đủ là bị hăm he đủ điều, nhập lãi thành vốn. Xe đạp, tư trang của em lần lượt ra đi mà vẫn không thể trả hết nợ. P.V.C, tâm sự: “Mỗi ngày, cứ đến giờ tan học là chúng em phải nộp tiền lãi, có khi giao trực tiếp cho ông chủ đợi ngoài quán cà phê gần trường, nhưng thường giao qua cho một số bạn là “tay trong” của các ông chủ ấy. Một ông tên Hoàng và một ông tên Chuyển. Ông nào cũng dữ dằn. Ai vay tiền mà trả chậm là bị đón đường đánh liền. Em đã từng bị hai bạn cùng trường đánh tại cầu thang lớp học vì không có tiền đóng lãi, nhưng em giấu luôn không nói với ai. Sau lần đó, ngày nào em cũng bị hăm đánh, dọa bắt cóc để tống tiền cha mẹ. Sợ quá nên em phải xin chuyển trường. Em đang học ở đây, nhưng cũng sợ bị trả thù, các anh đừng nói tên em!”. Cha của P.V.C, ông P.T.P, cho biết: “Một tuần trước Tết Nguyên đán 2008, có 2 học sinh mặc đồng phục thể dục của Trường THPT Cà Mau đến nhà tôi đòi nợ. Chúng bảo là đòi nợ giùm ông chủ, về tay không thì không xong với ổng. Tôi đã trả đủ cho chúng đúng 2,8 triệu đồng chúng mới chịu về!”.

V.H.L, đang học lớp 12C6, Trường THPT Cà Mau, thừa nhận còn nợ một người tên Hoàng ở phường 2, thành phố Cà Mau 5,2 triệu đồng, mỗi ngày đóng lãi 47 ngàn đồng. Ông Trần Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau, cho biết: “Qua thời gian điều tra, tìm hiểu các mối quan hệ của học sinh, chúng tôi biết được học sinh V.H.L đã cho vay và làm trung gian cho nhiều bạn học khác vay từ một người bên ngoài tên Hoàng. Tuy nhiên, không có bằng chứng cụ thể nên rất khó xử lý”. Chuyện V.H.L cho bạn học cùng trường là T.B.T vay tiền và chỉ chỗ cho vay để gia đình T.B.T phải bỏ ra 12,5 triệu đồng trả nợ vừa xảy ra mới đây là trường hợp điển hình. Gần đây, nhiều chủ nhà trọ cho học sinh thuê cũng đã cung cấp thông tin có hai học sinh thường chạy xe máy đi khắp các nhà trọ học sinh để đòi nợ. Có thầy cô và học sinh sau này đã nhận ra và khẳng định đó là V.H.L và V.H.V, học sinh Trường THPT Cà Mau. Khi hay chuyện con mình đi thu tiền góp, bà N.M.N, mẹ của V.H.L, chua xót, nói: “Tôi không khỏi bất ngờ bởi thông tin động trời này, mới năm rồi con tôi về nhà xin 2 triệu đồng trả nợ. Nó nói không trả đủ cho người ta thì con không đi học được, chúng nó sẽ đánh. Vợ chồng tôi đã trả xong để con yên tâm học hành. Vậy mà bây giờ...”.

* Sợ chủ nợ: bỏ trường!

Trong học kỳ vừa qua, L.T.N.Q, học sinh lớp 11X, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, bỗng dưng học hành giảm sút, rồi đòi nghỉ học về quê ở Nam Định để làm công nhân Nhà máy dệt. Dì của N.Q là chị V.T.N, phường 9, thành phố Cà Mau, cho biết: “Cháu N.Q mồ côi mẹ từ nhỏ, cha đi bước nữa. Tôi đón cháu về Cà Mau nuôi cho ăn học. Hôm cháu đòi nghỉ học tôi khuyên ngăn mãi vẫn không nghe. Cháu bảo nếu cháu không nghỉ học, người ta sẽ giết chết. Cháu về quê được mấy ngày có một học sinh nữ cùng trường tên T.L.Y.N (học lớp 11C7) liên tục đến nhà đòi nợ. T.L.Y.N đưa ra tờ giấy ghi nợ 1,6 triệu đồng, có điểm chỉ tay của L.T.N.Q. Nhưng T.L.Y.N đòi tôi phải trả đủ 2,8 triệu đồng, tính luôn tiền lãi cộng dồn sau gần 2 tháng vay nợ. Vụ việc này đã được Trường THPT Hồ Thị Kỷ đứng ra hòa giải, cho tôi trả nợ thay cho cháu tôi 1,6 triệu đồng”. Chị V.T.N cho biết khi trả nợ xong chị đã kêu L.T.N.Q trở về Cà Mau học tiếp, nhưng em không chịu vì mắc cỡ với bạn bè và sợ bị trả thù.

Một học sinh tên L.T.T, lớp 10A9, Trường THPT Cà Mau, cho biết nhà em ở xã An Xuyên, TP Cà Mau, cách trường học hàng chục cây số. Mới ra học chưa lâu em đã hỏi vay của bạn học 500 ngàn đồng, mỗi ngày phải trả góp 20 ngàn đồng. Tiền cha mẹ cho hằng ngày không đủ trả nợ. Ngày nào cũng bị xiết nợ, bị hăm đánh nên không còn tâm trí nào để học hành. Mới đây, L.T.T đã thú thật với cha mẹ xin 2 triệu đồng trả nợ, rồi nghỉ học về nhà nuôi tôm. Hầu hết những trường hợp học sinh liên quan đến việc vay và cho vay nặng lãi đều là những học sinh lười học, thích ăn chơi, đua đòi. Đặc biệt có những trường hợp vay tiền là để nướng vào game và các trò đỏ đen.

Ông Trần Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau, cho biết: Thời gian gần đây, Trường THPT Cà Mau xảy ra nhiều vụ học sinh bị người ngoài hành hung hoặc học sinh đánh nhau tại trường hầu như đều có liên quan đến việc học sinh vay tiền nặng lãi. Có khoảng vài trăm học sinh của trường đang vướng nợ, nhiều học sinh học hành giảm sút hoặc bỏ học. Từ đầu năm học đến nay, đã có 246 học sinh chuyển trường hoặc nghỉ học không có lý do.

Trước vấn nạn cho vay nặng lãi đang hoành hành trong các trường học tại Cà Mau, ông Trịnh Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã ký công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra tình trạng cho vay nặng lãi trong học sinh các trường trung học. Trong quá trình kiểm tra, nếu xác định các vụ việc trên vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải lập chuyên án đấu tranh triệt để. Ông Trịnh Minh Thành cho biết: “Trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Giám đốc công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp với các trường có vụ việc xảy ra để triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài trường học. Ngành Giáo dục phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường để tuyên truyền cho phụ huynh quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt của học sinh và vận động các em không tham gia việc vay và cho vay nặng lãi trong trường học”.

• BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết