20/10/2020 - 08:26

“Bức tranh lớn” gây chia rẽ bóng đá Anh 

Mới đây, nhóm “6 ông lớn” của Ngoại hạng Anh (EPL) do Liverpool và Manchester United dẫn đầu đã đưa ra “Dự án Bức tranh lớn” với mục đích thay đổi cấu trúc giải đấu cao nhất xứ sở sương mù.

EPL hiện ra như thế nào dưới “Bức tranh lớn”? Ảnh: ESPN

Các điểm nổi bật của dự án gồm giảm số đội tham dự EPL từ 20 xuống còn 18, xóa sổ Cúp Liên đoàn và Siêu Cúp Anh, trao quyền phán quyết về tay 9 đội, gồm “6 ông lớn” Man United, Liverpool, Man City, Arsenal, Chelsea, Tottenham cộng thêm Everton, Southampton và West Ham. Ngoài ra, mỗi mùa giải sẽ có 2 đội trực tiếp xuống hạng và suất còn lại được quyết định bởi trận play-off. Nếu được thông qua và áp dụng từ mùa giải 2022-2023, “Bức tranh lớn” sẽ là bước chuyển mình đáng kể của giải đấu được hình thành 28 năm qua.

Thoạt nhìn, dự án nghe có vẻ hấp dẫn. Với chỉ 18 đội, tính cạnh tranh sẽ cao hơn bởi EPL trở thành đấu trường của những đội ưu tú với tiềm lực tài chính mạnh nhất nước Anh. Kế hoạch này khiến nhiều người nhớ lại năm 1990 khi Man United, Liverpool, Tottenham, Everton và Arsenal cùng tham dự “bữa tối định mệnh”, mở đường cho sự ly khai khỏi Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) rồi lập ra EPL như hiện nay. Khi đó, bóng đá Anh cần phải cải tổ bởi tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất và mô hình hoạt động của các CLB không còn phù hợp với sự phát triển của thế giới. Họ phải khẩn trương vì rất tụt hậu so với Bundesliga, La Liga và đặc biệt Serie A. Còn thời điểm hiện tại, không có sự cấp bách nào để thực hiện kế hoạch giải cứu như thế. Như ở mùa hè vừa qua, bất chấp cuộc khủng hoảng tồi tệ vì đại dịch COVID-19, EPL vẫn chi ra hơn 1,2 tỉ bảng Anh để chiêu mộ nhiều hảo thủ.

Vậy ý đồ của Liverpool và Man United là gì? Nếu biết đứng sau “Bức tranh lớn” là hai đội bóng thuộc quyền quản lý của các ông chủ người Mỹ John Henry và Joel Glazer, thì có thể hiểu dự án táo bạo này không xuất phát từ lợi ích bóng đá. Nói như Kênh ESPN hôm 12-10, đây thực chất là âm mưu thâu tóm quyền lực của giới tinh hoa EPL. “6 ông lớn” nghĩ rằng đã đến lúc phải nắm quyền lực lớn hơn bởi họ đang tạo ra phần lớn doanh thu và sự hấp dẫn cho giải đấu đáng xem nhất hành tinh này. Bởi vậy mới có đề xuất trao quyền quyết định cho 9 CLB nói trên (chỉ 2 trong số này được quản lý bởi ông chủ Anh). Nhưng Southampton, Everton và West Ham chỉ góp mặt cho có, bởi một chính sách chỉ cần 6/9 đội bỏ phiếu thuận là được thông qua. Ðiều này khác hoàn toàn so với quy tắc đặt ra từ năm 1992, khi mỗi CLB sở hữu 1 phiếu bầu và bất cứ chính sách lớn nào cũng phải được thông qua bởi 14/20 CLB.

Trong bối cảnh hiện có ít nhất 8 CLB và Ban lãnh đạo EPL phản đối “Bức tranh lớn”, Chủ tịch Các giải bóng đá chuyên nghiệp Anh (EFL) Rick Parry lại ủng hộ với lập luận dự án có thể giúp các đội bóng hạng dưới giải quyết nhiều vấn đề. Kế hoạch trên còn bao gồm các đề xuất lập tức hỗ trợ 350 triệu bảng Anh cho EFL để hỗ trợ 72 đội bóng thành viên vượt qua đại dịch COVID-19, tặng thêm 100 triệu bảng Anh cho FA đầu tư vào bóng đá phong trào cũng như sẵn sàng chia sẻ 25% lợi nhuận mỗi năm của EPL cho EFL. Không chỉ vậy, “Bức tranh lớn” còn nhắm tới khán giả khi cam kết sẽ đảm bảo giá vé vào sân cho CÐV đội khách ở mức tối đa 20 bảng Anh/trận, thay vì 30 bảng như hiện nay.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết