10/06/2008 - 22:26

Xung quanh vấn đề người đi làm việc ở Malaysia về nước trước hạn hoàn trả vốn vay

Thời gian qua, việc đưa lao động đi làm việc ở Malaysia (gọi tắt là xuất khẩu lao động – XKLĐ) gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Rất nhiều lao động đã về nước trước hạn, dẫn đến khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thu hồi nguồn vốn vay đi XKLĐ ở các địa phương. Nhiều lao động đã làm đơn đề nghị được khoanh nợ, giảm nợ, xóa nợ… Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng: NÊN XEM XÉT KHOANH NỢ CHO CÁC TRƯỜNG HỢP THẬT SỰ KHÓ KHĂN

 

Từ cuối năm 2006 đến nay, công tác XKLĐ của quận gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê chưa đầy đủ, quận có khoảng 30 lao động đã về nước trước hạn, chiếm gần 30% số lao động đi làm việc tại thị trường này. Ngân hàng CS-XH quận Cái Răng, thu hồi vốn vay đi XKLĐ rất khó khăn, dù các đơn vị chức năng đã cố gắng vận động gia đình người lao động trả nợ vay đi XKLĐ. Hiện nay, Phòng LĐ-TB&XH quận Cái Răng đã tiếp nhận trên 10 đơn của lao động về nước trước hạn, do không có khả năng thanh toán, đề nghị xác nhận để được khoanh nợ vay ngân hàng CS-XH.

Người lao động về nước trước hạn và không có tiền trả nợ vay ngân hàng do: bố trí sai công việc; chế độ lương và phụ cấp không đúng theo tư vấn và hợp đồng; nơi ở không đảm bảo an ninh trật tự; khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế nên gặp khó khăn trong giao tiếp, công việc; ý thức tổ chức kỷ luật của lao động chưa cao, chưa thích nghi môi trường làm việc công nghiệp; lười lao động nên không làm thêm giờ, không đủ tiền gởi về gia đình trả nợ vay...

Đa số lao động ở quận Cái Răng XKLĐ sang Malaysia về nước trước hạn đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay việc làm, thu nhập của họ chưa thật ổn định nên không có khả năng hoàn vốn, lãi cho ngân hàng. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng xem xét giải quyết khoanh nợ đối với những gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn, với lý do về nước trước hạn chính đáng, giúp họ có việc làm, thu nhập để trả dần nợ vay.

Bà Nguyễn Kim Linh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội, TP Cần Thơ: HỒ SƠ ĐẦY ĐỦ, HỢP LỆ MỚI ĐƯỢC XEM XÉT GIẢI QUYẾT

 

- Thành phố đã tạo điều kiện cho người đi XKLĐ vay vốn tín chấp để làm các thủ tục và người lao động tự nguyện vay vốn. Theo hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và người vay thì người vay phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Nguồn trả nợ từ thu nhập của gia đình và thu nhập của người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (trừ những trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan), không có trường hợp ngoại lệ.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CS-XH các quận, huyện, tiến độ thu hồi nợ vay đi XKLĐ không cao. Có nhiều nguyên nhân như: Ngân hàng không theo dõi được thu nhập của lao động; gia đình người vay không tự giác trả nợ, kể cả các gia đình có con đang làm việc ở Malaysia và có gởi tiền về; sự phối hợp giữa các công ty tuyển dụng lao động với Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ và Ngân hàng CS-XH chưa thật đồng bộ, chặt chẽ. Các thông tin chủ yếu: mức thu nhập hàng tháng của người lao động, tình hình sản xuất của doanh nghiệp đang sử dụng lao động, danh sách lao động về nước trước hạn, quản lý lao động về nước trước hạn... không được thông báo, trao đổi kịp thời giữa các bên có trách nhiệm. Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ, cụ thể về số lao động cũng như nguyên nhân xác thực dẫn đến việc về nước trước hạn, nên phần nào gây khó khăn cho việc thu hồi vốn cũng như nhận định nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai.

Người lao động về nước trước hạn muốn được xử lý nợ (nguyên nhân khách quan) đều phải có đầy đủ hồ sơ đề nghị xử lý nợ (theo đúng thủ tục của ngân hàng CS-XH) đảm bảo tính hợp lệ mới được xem xét giải quyết. Về biện pháp xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, tùy theo mức độ thiệt hại về thu nhập hay thiệt hại đối với người lao động thì được miễn lãi tiền vay, giảm lãi tiền vay hay gia hạn nợ.

Ông Nguyễn Hùng Chinh, Giám đốc Trung tâm GTVL huyện Cờ Đỏ: CẦN XEM XÉT GIẢI QUYẾT THẤU TÌNH ĐẠT LÝ

 

- Huyện Cờ Đỏ có rất nhiều lao động đi XKLĐ sang Malaysia về nước trước hạn. Các nguyên nhân chủ yếu là: Đơn vị sử dụng lao động không thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận, như: tiền lương quá thấp, thu nhập không ổn định, không được bố trí làm thêm giờ... Đa số lao động được tuyển dụng có trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, không hòa nhập với nếp sinh hoạt, môi trường sống và làm việc chuyên nghiệp, nên chán nản xin về nước trước hạn.

Theo thực tế, lao động đi XKLĐ sang Malaysia đều thuộc diện nghèo, không thanh lý hợp đồng, tự ý bỏ về và không đến trình báo với ngành chức năng. Do đó, huyện không thể nắm chính xác số lao động về nước trước hạn. Năm 2007, huyện đã tổ chức đoàn đến gia đình các lao động về nước trước hạn đều không có khả năng trả nợ vay vì hiện nay việc làm và thu nhập chưa ổn định. Hiện nay, không có lao động nộp đơn đề nghị khoanh nợ, xóa nợ vay ngân hàng, nhưng theo báo cáo của Ngân hàng CS-XH huyện Cờ Đỏ, tiến độ thu hồi nợ vay đi XKLĐ rất thấp.

Huyện Cờ Đỏ đang có kế hoạch rà soát và thống kê lại số lao động về nước trước hạn, vận động gia đình người lao động cố gắng trả nợ vay. Trung tâm GTVL huyện Cờ Đỏ sẽ tìm việc làm cho số lao động này để có thu nhập ổn định trả dần nợ vay.

Theo chúng tôi, nếu bên sử dụng lao động thực hiện không đúng hợp đồng thì ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục bồi hoàn cho người lao động. Những trường hợp vi phạm hợp đồng với chủ sử dụng lao động, người lao động phải có trách nhiệm bồi hoàn theo hợp đồng đã ký kết, bằng cách chia vốn làm nhiều đợt để trả dần vốn, lãi.

Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ: CHỈ XEM XÉT GIẢI QUYẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP BẤT KHẢ KHÁNG

 

- Trước tiên, việc xử lý nợ đã vay tại Ngân hàng Chính sách – Xã hội (CS-XH) để người lao động đi làm việc tại Malaysia thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của Ngân hàng CS – XH và phải tuân thủ theo đúng qui định pháp luật hiện hành. Trường hợp người vay xác định mình không thể trả nợ được do lỗi thực hiện không đúng hợp đồng của người sử dụng lao động ở nước ngoài hoặc của công ty XKLĐ thì người vay yêu cầu người lao động đứng tên trong hợp đồng tố cáo hoặc khởi kiện các hành vi sai trái đã nêu với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Người vay liên hệ với với Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL), Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ hoặc các tổ chức trợ giúp pháp lý để được hướng dẫn thực hiện; đồng thời cung cấp đầy đủ chứng cứ thể hiện lỗi của người sử dụng lao động ở nước ngoài hoặc của công ty XKLĐ.

Trong trường hợp người vay xác định không thể trả nợ được do các nguyên nhân bất khả kháng như: khám sức khỏe lại không đạt yêu cầu, bị bệnh đột xuất, nhà máy bị phá sản hay thu hẹp sản xuất kinh doanh, do tai nạn, rủi ro, thiên tai... thì người vay có quyền đề nghị Ngân hàng CS - XH xem xét xử lý nợ theo hướng giảm, miễn lãi, giảm hay xóa nợ. Người vay vốn phải liên hệ Ngân hàng CS – XH nơi đã vay để nắm thủ tục, hồ sơ xin xử lý nợ, đồng thời cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết có liên quan thể hiện đúng tình trạng bất khả kháng phải về nước trước hạn.

Tư vấn, giới thiệu các thị trường XKLĐ cho người lao động tại Điểm hẹn việc làm quận Ô Môn. Ảnh: P.M 

Các nguyên nhân khác: lao động tự xin về nước trước hạn vì việc riêng hay buộc phải về nước trước hạn vì vi phạm pháp luật của Malaysia, bị kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động... nhưng khi về lại nói do bố trí sai ngành nghề, lương thấp, môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại; tự trốn về nước mà không được sự đồng ý của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước là bất hợp pháp... đều không được xử lý nợ vì nguyên nhân bất khả kháng.

ANH PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết