24/06/2008 - 21:07

Vượt khó nuôi con ăn học

Mọi người ai cũng đều có ước mơ rất đáng quý là nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Bởi, tất cả đều mong muốn con mình sẽ có một tương lai tốt đẹp phục vụ đất nước, nhân dân. Đáng khâm phục nhất là những gia đình nghèo đã cố gắng vượt qua rất nhiều trở ngại, khó khăn để con mình được học thành tài.

Chị Hồ Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1963, hiện trú tại ấp Phú Chánh, xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre là một trong những gia đình cố gắng bằng mọi giá để con mình ăn học thành tài. Kết hôn với anh Phạm Ngọc Vạn (sinh năm 1958), chị và anh đã có hai con trai. Năm 1988, chị sinh Phạm Thành Phúc (thường gọi Phúc anh). Năm 1990, chị sinh con út là Phạm Đình Phúc (Phúc em). Phúc anh đang học năm thứ 2 Trường Đại học Bách khoa TPHCM, ngành Hóa - Dầu khí. Phúc em học lớp 12 Trường PTTH chuyên Bến Tre, chuẩn bị thi vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Anh Phạm Ngọc Vạn và chị Hồ Thị Ngọc Phượng hiện đang làm công nhân vệ sinh hợp đồng với Ban quản lý Bến phà Rạch Miễu (phía bờ Tiền Giang). Hai anh chị làm theo ca, làm công việc chùi rửa nhà vệ sinh. Từ nhà hai anh chị tới đó gần hai mươi cây số, họ di chuyển bằng chiếc xe gắn máy cổ lỗ sĩ.

Căn nhà của anh Vạn, chị Phượng nằm ngay ngã ba Thuyền Quyên, trên tỉnh lộ 885 đi Giồng Trôm. Đó là căn nhà vách ván ọp ẹp, lợp lá, nhiều chỗ “vá chằng vá đụp” bằng những mảnh ni lông nhiều màu. Căn nhà này họ mua lại cái xác của người quen từ 20 năm trước, trả dần, nằm trên miếng đất của người quen cho ở nhờ. Anh Vạn, học trường trung học kỹ thuật xong thì đi bộ đội. Sau 4-5 năm làm cán bộ khung. Anh phục viên về làm kế toán hợp tác xã ở địa phương này. Nhận thấy lương không đủ sống, anh sắm một ít đồ nghề ngồi lề đường sửa xe độ nhật. Cuộc sống vẫn khó khăn anh theo chị làm công nhân hợp đồng lãnh lương khoán tại Bến phà Rạch Miễu, từ đầu năm 2008. Chị Phượng học tới lớp 11 Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu. Không khả năng học tiếp, chị bán quán cóc gần cầu Chẹt Sậy, gần nhà, cũng không khá nổi, chị đành lấy vé số đi bán dạo. Lội bộ riết chịu không thấu, nhiều bữa “ôm” vé số, lậm vào vốn, chị xoay qua nấu xôi bán. Sau đó, chị xin làm công nhân xí nghiệp đông lạnh, rồi làm công nhân may cho Công ty Việt Hồng... Năm 2000, chị xin vào làm hợp đồng lương khoán quét dọn nhà vệ sinh cho Bến phà Rạch Miễu tới nay. Bà Trần Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, chắc lưỡi khen, dù cuộc sống hết sức chật vật nhưng chị Phượng cũng tham gia công việc xã hội. Chị đã làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã hết 1 nhiệm kỳ, là cộng tác viên dân số của địa phương trong 10 năm nay. Gia đình chị Phượng rất đáng thương, tuy kinh tế có khó khăn nhưng cũng cố gắng nuôi hai con ăn học tới nơi tới chốn.

Để nuôi Phúc anh và Phúc em ăn học, với số lương nhận từ bến phà, cộng thêm số tiền kiếm được bằng sửa xe của anh, tiền bán hàng lặt vặt của chị, họ phải tằn tiện hết mức. Chị Phượng tâm sự: “Quan trọng nhứt đối với tụi tui là cơm, còn đồ ăn thì có gì ăn nấy. Hai đứa con tui cũng vậy. Bữa nào có mớ cá hủng hỉnh là mừng lắm rồi, còn thì chỉ cần vài ba trái chuối cũng xong bữa! Ăn uống là vậy nhưng hai con chị đều siêng năng tập thể dục nên có sức khỏe để theo đuổi việc học. Phúc anh suốt từ lớp 1 tới lớp 12 đều là học sinh giỏi, tốt nghiệp PTTH, thi đậu vào 5 trường đại học một lượt. Còn Phúc em năm 2008 đạt danh hiệu học sinh giỏi. Phúc anh đang làm lập trình viên máy tính cho một công ty tư nhân, có chút “đồng vô đồng ra”. Nhưng Phúc anh đang dồn mọi nỗ lực cho việc học. Sang năm học thứ ba, Phúc anh mới tính chuyện dạy thêm để có tiền khá hơn lo cho việc học của mình. Nếu khi Phúc em đậu đại học ở TPHCM, khi vợ chồng anh Vạn, chị Phượng hết hợp đồng với bến phà, họ sẽ chuyển lên TPHCM tìm việc làm để nuôi con ăn học tiếp. Mong muốn của họ là chỉ cần cố gắng làm thuê làm mướn chừng vài năm, khi Phúc anh tốt nghiệp, đi làm thì mọi chuyện sẽ khá tốt đẹp với gia đình họ.

PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết