13/04/2010 - 21:07

Vườn cò Bằng Lăng kêu cứu !

Vườn chim, cò ở TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn, thu hút nhiều khách phương xa đến tham quan. Hình ảnh mỗi sáng sớm đàn cò trắng bay đi kiếm ăn, hoàng hôn xuống, từng đàn lũ lượt bay về rợp trời như một áng mây trắng, tạo nên khung cảnh đẹp kỳ diệu, làm nao lòng người. Thế nhưng, gần đây tình trạng săn bắt chim, cò bừa bãi đang là nguy cơ đe dọa “xóa sổ” các vườn du lịch sinh thái này.

Săn bắt bừa bãi

Gần đây, trên tỉnh lộ 923 xuất hiện nhiều người bán chim, cò, ốc cao... dạo cặp theo đường. Những con chim này bị buộc 2 chân và thắt lại từng chùm, rao bán cho khách đi đường. Những người rao bán chim dạo cho biết, giá ốc cao từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/con, cò từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/con, tùy theo từng loại, con trống hoặc con mái thì có giá khác nhau. Còn gà nước là loại quí hiếm nên giá cao hơn, từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/con. Nếu khách có nhu cầu mua số lượng lớn chim cò thì người bán sẵn sàng cung cấp không hạn chế.

“Đây là những loại chim, cò được bắt từ rừng, đồng trống về. Gà nước, ốc cao, cò... nếu rô-ti hoặc nấu cháo đậu xanh ăn rất ngon, có tác dụng làm mát gan... Nếu anh mua với số lượng lớn, tôi sẽ đem đến tận nhà và làm sạch cho anh” - một người bán chim, cò dẻo miệng chào hàng. Lúc này, trên tay ông ta chỉ còn 3 con gà nước và 20 con ốc cao, cò nhưng ông ta luôn miệng quảng cáo nếu khách cần mua thêm, bao nhiêu cũng có, giao theo địa chỉ yêu cầu.

Trên tỉnh lộ 922, quốc lộ 91 cũng có nhiều tay bán chim, cò dạo theo vệ đường. Anh B., ở phường Thới Long, quận Ô Môn, hàng ngày chứng kiến cảnh người ta buôn bán chim, cò dọc theo quốc lộ 91, cho biết: “Chim, cò, ốc cao... là những động vật hoang dã do một số người dân ở địa phương bắt về, đem bán cho khách hàng đi trên các tuyến đường. Có hôm, trên quốc lộ 91, đoạn thuộc địa bàn phường Thới Long, tiêu thụ hàng trăm con chim, cò, ốc cao... Với đà này, sớm muộn gì các loại chim, cò, ốc cao cũng bị tiệt chủng!”.

Một góc vườn cò Bằng Lăng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyên, có nhiều cây xanh được trồng, chăm sóc để làm nơi trú ngụ, sinh sản cho cò.  

Còn ở vườn cò Bằng Lăng, gần đây có tình trạng người dân địa phương thường xuyên dùng bẫy lưới bắt cò. Theo gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyên (chủ vườn cò Bằng Lăng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), mỗi buổi sáng cò bay đi kiếm ăn và thường bị mắc bẫy. Đó là những bẫy lưới dài hàng chục mét được giăng trên ruộng lúa mà người giăng lưới dùng vài con “cò mồi” để nhử đàn cò đến bẫy. Ông Thuyên cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên đi tháo gỡ những con cò bị mắc lưới và đã nhiều lần khuyên bà con địa phương không nên bẫy cò. Giải thích cho họ biết dùng lưới bắt cò là tiêu diệt động vật hoang dã nhưng một số người hám lợi, vẫn thản nhiên bắt cò đem bán”.

Ngoài việc bẫy cò, theo ông Thuyên, một số người dân còn dùng thuốc độc tẩm vào thức ăn, rải theo bờ ruộng để bắt cò. Ông Thuyên bức xúc: “Có hôm cò ăn phải thức ăn tẩm độc, một số con chết tại chỗ, nhiều con bay về vườn thì đuối sức rũ cánh chết tức tưởi, nằm vất vưởng trên cây nhìn xót xa lắm! Gia đình tôi phải bưng thúng rảo quanh vườn đi lượm xác cò mà lòng buồn rười rượi”.

Đêm đến, một số người còn dùng đèn “ắc quy”, luồn lách trong ruộng lúa để soi chim cò. Hoặc dùng thuốc Furadan trộn cá con rải dọc theo các vũng nước cạnh bờ mương, đìa; dùng máy cassette phát những tiếng kêu mô phỏng tiếng các loài chim. Mỗi khi nghe những âm thanh này, chúng tưởng tiếng bạn tình gọi, bay đến thì bị sập bẫy ngay. Ông Thuyên cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần báo với chính quyền địa phương về tình trạng bẫy cò. Chính quyền địa phương có tổ chức ngăn chặn vài lần, nhưng sau đó mọi chuyện vẫn như cũ”.

Làm gì để bảo vệ vườn cò sinh thái?

Vườn cò Bằng Lăng là một sân chim nổi tiếng, khu du lịch sinh thái độc đáo ở TP Cần Thơ, rộng 14.000 m2 nằm tọa lạc tại phường Thuận An, quận Thốt Nốt. Trước kia, nơi đây là ruộng lúa thuộc gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyên, được bao quanh bởi các hàng xoài, dừa, tre... Vào năm 1983, có vài trăm con cò về đây cư ngụ. Vốn yêu thích thiên nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thuyên không xua đuổi hay săn bắt chúng mà tìm cách tạo điều kiện để cò tụ họp về đông đảo hơn. Ông nói: “Đất có lành, chim mới đậu. Bảo vệ cò, tức là góp phần bảo vệ thiên nhiên. Từ đó, tôi quyết tâm xây dựng khu đất này thành vườn cò. Đồng thời, tôi cũng muốn mọi người biết đến xứ sở quê tôi có thắng cảnh vườn cò Bằng Lăng, thu hút khách đến tham quan, giải trí lành mạnh”.

Đến năm 1994, số lượng cò về sinh sống tại vườn cò ông Thuyên ngày càng nhiều. Do chim, cò bắt đầu xây tổ nên cây cối chết dần. Trước tình hình đó, ông Thuyên bàn bạc cùng vợ con đào ao nuôi cá làm thức ăn cho cò, trồng thêm cây cho chúng cư trú. Với sự nỗ lực chăm sóc của gia đình ông Thuyên, cây cối trong vườn dần xanh tốt trở lại, lượng cò rủ nhau về trú ngụ và sinh sản ngày càng nhiều hơn. Đến nay, vườn cò Bằng Lăng có trên 300.000 con, với gần 20 chủng loại: cò quắm, cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò rán, cò lép, cò đúm, cò sen, cò nhạn... Nhiều nhất vẫn là cò cá, cò ruồi, cò ma. Các loại “bạn cò” có: cồng cộc, bạc má, điên điển, bồ nông, bìm bịp.... Trung bình mỗi năm cò đẻ ba đợt, mỗi đợt có khoảng 100.000 ổ, mỗi ổ từ 2-4 trứng.

Ông Thuyên nói: “Điều kỳ lạ là cò chỉ thích quanh quẩn trong “ngôi nhà xanh” mà tôi cố công vun đắp cho chúng, chứ tuyệt nhiên không xâm phạm sang các khu vườn kế cận khác, mặc dù điều kiện sống cũng giống nhau. Vào mỗi buổi chiều, nếu đứng trên chòi cao quan sát đàn cò trắng bay về nơi cư trú, màu trắng của đàn có lấn át cả màu xanh của lá, thật đẹp và kỳ diệu. Hàng ngày, vườn cò của tôi đón rất nhiều khách du lịch từ các địa phương đến tham quan, có cả khách nước ngoài. Hiện nay, điều lo lắng của tôi là tình trạng bẫy bắt cò vô tội vạ ngày càng nhiều. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì vườn cò bị thiệt hại nặng nề, cò cũng không dám về cư trú tại đây”.

Cũng theo ông Thuyên, mỗi ngày gia đình ông đều cử người kiểm tra xung quanh vườn cò, hễ thấy cò bị mắc bẫy thì tháo gỡ, thấy người bẫy cò thì vận động bà con không nên săn bắt, tiêu diệt các loài chim này để bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Thuyên nói: “Nhìn cò bị mắc bẫy, chết do bị tẩm thuốc độc mà xót lòng. Gia đình tôi không đủ khả năng ngăn chặn tình trạng này nên định sang bán vườn cò cho một doanh nghiệp đầu tư khai thác tốt hơn. Nhưng thật lòng mà nói, mấy mươi năm gắn bó với đàn cò nên tôi cũng tiếc lắm!”.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TP Cần Thơ cũng có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống săn bắt động vật hoang dã, nhất là những loại chim, cò. Trong 3 tháng đầu năm 2010, Chi cục đã triển khai, phổ biến pháp luật về những qui định cấm săn bắt, giết mổ, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã cho 17 quán ăn (trên địa bàn TP Cần Thơ) chuyên kinh doanh, chế biến thức ăn từ động vật hoang dã. Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường kiểm tra các điểm buôn bán chim, cò dạo trên các tuyến đường.

Ông Lê Văn Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Cần Thơ, cho biết: “Những người bán dạo chim, cò ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ thường là dân ở các địa phương lân cận, số lượng bày bán tại chỗ không nhiều. Khi thấy lực lượng kiểm lâm đến thì họ lên xe bỏ chạy. Mặc dù chim, cò, ốc cao không phải là động vật hoang dã nằm trong danh mục quí hiếm, cấm săn bắt, nhưng chúng tôi vẫn giáo dục mọi người dân phải có ý thức hạn chế săn bắt để đảm bảo môi trường sinh thái. Các chủ vườn cò cũng cần liên hệ với các ngành chức năng để được hỗ trợ trong việc chăm sóc, bảo tồn. Đặc biệt cần phòng trị, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xảy ra, đảm bảo an toàn cho khách tham quan. Hiện Chi cục Kiểm lâm TP Cần Thơ đang triển khai kế hoạch kết hợp cùng chính quyền địa phương lập danh sách các hộ chuyên săn bắt chim cò, để áp dụng các biện pháp vận động, tuyên truyền nhằm bảo vệ động vật hoang dã, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng với thế mạnh về du lịch sinh thái, hướng phát triển mạnh trong tương lai”.

Dùng bẫy săn bắt, tẩm thuốc diệt chim, cò... là việc làm mà mọi người yêu quí thiên nhiên, yêu quí động vật hoang dã không thể chấp nhận. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, chắn chắc sẽ làm cạn kiệt nguồn chim, cò vùng sông nước ĐBSCL. Đặc biệt, môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên về vườn cò sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần có biện pháp kiên quyết, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim cò vô tội vạ, để bảo tồn và phát triển vườn cò, một trong những khu du lịch sinh thái mang đậm bản sắc vùng quê Nam bộ.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết