Từ đầu năm đến nay các tỉnh ven biển ÐBSCL tiến hành thi công nhiều công trình thủy lợi, sẵn sàng đối phó trước khi vào mùa hạn, mặn. Dự báo mùa khô của năm 2022 sẽ đến sớm.
Thi công nạo vét kênh thủy lợi nội đồng ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XT
Chủ động sớm
Trải qua mấy mùa hạn, mặn xâm nhập liên tiếp, nhiều tỉnh ven biển ÐBSCL tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối phó, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ mùa màng. Dù vậy trong các giải pháp “lo xa” cần làm là những công trình thủy lợi trọng yếu, nạo vét kênh dẫn nước nội đồng, sửa chữa hồ, đập trữ nước từ giữa mùa mưa, mùa nước nổi.
Theo nhận định các cơ quan chuyên môn, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng có dấu hiệu tác động mạnh đến vùng ÐBSCL. ÐBSCL được dự báo với nhiều kịch bản là một trong các vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng BÐKH nặng nề nhất trên thế giới. Cùng với những tác động từ nguồn nước sông Mekong, mùa khô hạn, xâm nhập mặn dấn sâu hơn vào nội địa ở khu vực hạ lưu sông sông Cửu Long.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, mùa lũ 2021 không lớn nhưng triều cường có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm nên có khả năng gây ảnh hưởng đến các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ở ÐBSCL. Do vậy các địa phương vùng giữa và ven biển cần hết sức lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường.
Ðể ứng phó trước dự báo tình hình khí hậu thủy văn trong khu vực, từ đầu năm 2021 nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ÐBSCL đã triển khai kế hoạch thi công các công trình thủy lợi nạo vét các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dẫn nước, khơi thông dòng chảy. Trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp tạo nguồn trữ ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng phó với BÐKH.
Ở tỉnh Trà Vinh nằm về phía cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu và tiếp giáp biển Ðông, hằng năm nước mặn nồng độ cao xâm nhập trực tiếp theo các cửa sông Cung Hầu, Ðịnh An xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài khoảng 4 tháng. Vào những năm hạn, xâm nhập mặn gay gắt còn kéo dài hơn. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, công tác thủy lợi được địa phương tập trung triển khai với sự tham gia đối ứng của người dân về mặt bằng. Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê cơ giới nạo vét kênh. Trong 5 năm qua (2015-2020), tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thi công trên 3.000 công trình thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài các tuyến kênh trên 1.760km, khối lượng trên 6 triệu mét khối.
Ðáng kể là những công trình điều tiết mặn ngọt, giúp người dân chủ động trong sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với chính quyền địa phương đã đầu tư. Ðến đầu năm 2020 các cống Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm hoàn thành đưa vào vận hành, góp phần kiểm soát mặn, trữ nước và giảm nhẹ thiên tai ở hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.
Tìm giải pháp trữ ngọt
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, theo dõi tình hình hạn, mặn liên tục từ năm 2016 đến nay, đỉnh điểm là vào mùa khô năm 2020 xâm nhập mặn về tới nhiều vườn cây ăn trái và thiếu nước ngọt trầm trọng nhất. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp bị đe dọa nghiêm trọng vì thiếu nước ngọt, với hơn 1.000ha cây ăn trái, 14.000ha dừa và khoảng 5.000ha lúa…
Qua mấy mùa hạn, mặn một số nhà vườn đã tự tìm cách trữ ngọt trong các mương vườn, thậm chí có nông dân thuê sà lan chuyển nước ngọt để bảo vệ vườn cây ăn trái. Trong khi đó tại khu vực Lạc Ðịa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có kế hoạch đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt quy mô lớn trên 150ha, khả năng trữ nước ngọt khoảng 1,3 triệu mét khối. Theo đề án xây dựng có tổng vốn đầu tư 352 tỉ đồng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2023.
Trong khi đó nằm dọc bên bờ biển Ðông, tỉnh Sóc Trăng cũng chịu ảnh hưởng sớm bởi diễn biến thời tiết thất thường và BÐKH. Qua những năm gần đây mùa hạn, mặn thường đến sớm, tác động mạnh đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thời vụ, vật nuôi, cây trồng… đang được chính quyền và người dân nhanh chóng chuyển đổi, tìm cách thích ứng.
Năm nay để kịp thời yểm trợ quá trình chuyển đổi, từ đầu năm đến nay tỉnh Sóc Trăng triển khai thi công nhiều công trình thủy lợi trọng yếu. Trong đó chú trọng giải pháp trữ ngọt. Kể từ sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân năm 2020-2021, tỉnh triển khai nhiều công trình thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Tỉnh đã phân bổ kinh phí 143 tỉ đồng từ nguồn thủy lợi phí cho các các công trình duy tu, sửa chữa cống, đập, nạo vét kênh. Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi của tỉnh triển khai từ nguồn vốn 150 tỉ đồng Chính phủ hỗ trợ địa phương chống hạn.
Ông Phạm Tấn Ðạo, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, cho biết: Tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến nay đạt trên 70-80% khối lượng. Hiện nay đang giữa mùa mưa và ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên lực lượng công nhân đưa phương tiện cơ giới ra vào công trường gặp trở ngại, tiến độ thi công có phần nào bị ảnh hưởng, chậm lại… Tuy nhiên, Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết sẽ cố gắng đảm bảo hoàn thành trước khi vào mùa khô hạn năm 2022.
Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, tỉnh chú trọng các biện pháp tích trữ nước, “phòng thủ” trong mùa khô sắp tới. Trong đó, hệ thống kênh của dự án Long Phú - Tiếp Nhựt có khả năng trữ nước trong mùa khô được 15-20 ngày. Hiện nay tỉnh đang thi công công trình nạo vét các tuyến kênh cấp 3 đến kênh cấp 2, kênh cấp 1 đến kênh tạo nguồn của dự án này. Hy vọng sẽ nâng cao khả năng trữ nước dài ngày hơn trong mùa khô 2022.
Tuy vậy, PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BÐKH ÐBSCL - Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng, việc trữ nước quy mô quá lớn, hồ nước lớn, chi phí đầu tư lớn hoặc trữ nước trong kênh rạch sẽ khó quản lý nước, thời gian trữ nước không được lâu, do nước bốc hơi và quá trình thẩm thấu, rút nước rất nhanh.
Qua mùa khô hạn năm 2019-2020 Viện nghiên cứu BÐKH ÐBSCL đã đưa ra giải pháp và đề xuất các địa phương, nông dân có thể vận dụng các mô hình trữ nước phân tán, quy mô nhỏ, dễ làm, phù hợp năng lực đầu tư. Thực tế đã có nhiều mô hình trữ nước quy mô nhỏ như tấm bạt lót trải dưới lòng kênh, trong mương vườn. Dùng túi trữ nước từ 10-30 m3/túi hoặc túi nhỏ trữ được 7m3, giá bán tại các chợ trong vùng từ 3-5 triệu đồng/túi. Hộ nông dân có thể dễ dàng lắp đặt tại nhà, trong vườn, sử dụng hiệu quả trong mùa khô.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, ở khu vực Nam Bộ lũ ở trên sông Mekong đến muộn. Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1 và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10. Mùa khô 2021-2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (thời kỳ từ 2012-2020) từ 5-10%. Vùng ĐBSCL khả năng xâm nhập mặn đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.
HỮU ÐỨC