27/12/2007 - 21:24

Vững vàng trên đôi chân tật nguyền

Tháng 4-2007, chị Đỗ Thị Ngọc vinh dự được Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ chọn ra Hà Nội dự Đại hội “Người khuyết tật điển hình toàn quốc”. Với nghề chằm nón tự học, chị Ngọc đã mở một trang đời mới cho mình và giúp những người khuyết tật khác cùng vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Bén duyên nghề chằm nón lá

Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã làm đôi chân của Đỗ Thị Ngọc tàn phế. Cha mẹ Ngọc bán tất cả nhà cửa, đất đai ở TP Cần Thơ chạy chữa cho con nhưng vô vọng. Từ một cô bé hiếu động, Ngọc trở nên mặc cảm, suốt ngày trốn trong nhà, không chịu tiếp xúc với ai. Kinh tế khánh kiệt, mẹ chị đưa gia đình về tá túc bên ngoại ở khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

 Niềm vui của chị Ngọc là tạo nên những chiếc nón lá làm đẹp cho đời.
Nhà chị Ngọc có 5 anh em, ai cũng được học hành đến nơi đến chốn. Riêng chị Ngọc, vì nhà ở tít trong đồng sâu, không tiện việc đi lại nên chị đã nhờ anh chị dạy để tự học ở nhà theo chương trình của trường phổ thông. Thấy cha mẹ cực quá, chị không chịu nổi, năm 14 tuổi, khi vừa học hết chương trình của lớp 6, chị nghỉ học theo ghe phụ bán hàng bông với mẹ. Mấy năm trời bôn ba sông nước, chị Ngọc tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhưng quan trọng hơn, chị đã chứng minh cho mọi người thấy rằng dẫu tật nguyền nhưng chị vẫn là người có ích.

Mẹ già yếu, không tiếp tục buôn bán trên ghe được nữa, chị Ngọc lên bờ ở tuổi 18, tìm nghề học để mưu sinh. Được người chị hướng dẫn nghề chằm nón, chị Ngọc quyết định theo nghề này. Mấy tháng đầu, chị Ngọc nhờ người mua nón về rồi tháo ra chằm lại, làm không biết bao nhiêu lần, tay sưng tấy. Sản phẩm làm ra rất xấu, vì chưa quen nên lá mặt trái, mặt phải cứ lộn lung tung. Bán không ai mua, chị đành tặng cho bà con trong xóm đi ruộng. Từ những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng những chiếc nón lá ưng ý ra đời kết hợp với những đường thêu tay khéo léo của chị. Tiếng lành đồn xa, khách đặt hàng tới tấp, chấp nhận giá cao để có nón đẹp. Làm không kịp, chị Ngọc huy động chị em phụ nữ trong xóm giúp. Ai muốn học, chị sẵn sàng dạy nghề miễn phí kiêm bao tiêu sản phẩm làm ra. Hiện tại chị đã gầy dựng được một nhóm chằm nón ổn định với 35 hội viên ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn.

Năm 2001, chị Ngọc xin gia nhập Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. 3 năm sau chị vào làm ở Cơ sở Nhịp Cầu của Hội Người khuyết tật thành phố, với công việc dạy nghề chằm nón miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Đến nay, bao lứa học trò của chị đã ra nghề, tự ổn định cuộc sống. Những thông tin tốt đẹp ấy là động lực giúp chị Ngọc vượt qua bao nỗi khó khăn của cuộc sống thường nhật, tiếp tục truyền nghề cho những mảnh đời bất hạnh khác.

Hạnh phúc nở hoa

Từ ngày gia nhập Cơ sở Nhịp Cầu, chị Ngọc giao việc quản lý nhóm chằm nón ở Ô Môn cho mẹ, thỉnh thoảng chị về đem hàng đi bán. Nón của cơ sở chị Ngọc có mặt khắp nơi, từ hội chợ quốc tế đến các siêu thị trong nước, công ty du lịch... Siêu thị Co.opMart Cần Thơ đã tặng riêng một gian phía trước để Cơ sở Nhịp Cầu trưng bày hàng, trong đó có những chiếc nón lá, nón cối sắc sảo của chị Ngọc.

14 năm bén duyên với nghề chằm nón lá, giờ chị Ngọc có thể sống ổn định được với nghề. Trong những cuộc thi phụ nữ khéo tay chằm nón do quận Ô Môn tổ chức, dù thi chung với người lành lặn, chị Ngọc vẫn đoạt rất nhiều giải thưởng cao. Bà Lê Thị Kim Hương, mẹ chị Ngọc, không giấu được niềm xúc động khi nói về con gái của mình: “Ngọc không chỉ giỏi giang, vén khéo mà còn rất hiếu thảo. Tôi rất tự hào vì con mình đã vượt qua được mặc cảm, hòa nhập xã hội, trở thành người có ích”.

4 năm nay, Cơ sở Nhịp Cầu đã là mái ấm thứ hai của chị Ngọc. “Mọi người ở đây vì cùng hoàn cảnh nên rất thương nhau, coi như anh em một nhà”, chị kể. Cũng tại đây, chị Ngọc đã tìm được một nửa của đời mình. Đó là anh Nguyễn Quốc Thanh, là tình nguyện viên làm việc cho Cơ sở Nhịp Cầu. Cuối năm nay, anh chị sẽ làm đám cưới, đãi tiệc tại nơi làm việc để bạn bè tiện đến chung vui. Mến nhau từ tấm lòng biết nghĩ và chia sẻ với người khác, anh chị đã tìm được tiếng nói chung để kết nối cuộc đời mình. Anh Thanh chân tình cho biết: “Tôi thương Ngọc vì cô ấy hiền lành, có chí hướng. Đối với chúng tôi điều quan trọng là niềm vui tinh thần, hạnh phúc khi được ở bên nhau. Ngoại hình sao cũng được, miễn tâm hồn đừng khiếm khuyết”.

Hiện tại, công việc chính của chị Ngọc là dạy nghề chằm nón và thêu trên nón cho các em khuyết tật ở Cơ sở Nhịp Cầu. Mỗi tháng chị được hỗ trợ gạo, còn những chi phí khác thì tự túc. Sau giờ dạy, để kiếm thêm thu nhập, chị Ngọc đi bán những món trang sức rẻ tiền ở trước nhà thờ Tham Tướng (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều). Chị đi xe lắc tay, còn anh Thanh chạy xe đạp chở đồ, ngày nào cũng 5 giờ chiều đi, 11 giờ khuya về. Chị Ngọc tâm sự: “Hoàn cảnh bắt buộc mình phải thế. Mình không chỉ sống cho bản thân mà còn sống vì gia đình nữa. Cha mẹ già, mình phải có trách nhiệm phụng dưỡng. Mong xã hội tạo điều kiện để những người khuyết tật như chúng tôi có cơ hội đi làm kiếm sống, không là gánh nặng cho cộng đồng”.

Nói về chị Ngọc, bà Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ kiêm Chủ nhiệm Cơ sở Nhịp Cầu, không tiếc lời khen: “Ngọc là một tấm gương không chỉ vượt lên chính mình mà còn tạo được công ăn việc làm cho người khác, để giúp người vươn lên như mình. Công việc của Ngọc thầm lặng nhưng ý nghĩa vô cùng”.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết