25/03/2010 - 09:14

Việt Nam hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý vùng bờ biển

* 175 tỉ đồng tuyên truyền phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam

(TTXVN-Chinhphu.vn)- Ngày 24-3, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) tổ chức Hội thảo “Quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam”.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm phục vụ quản lý tổng hợp dải ven bờ biển, tạo nền tảng về pháp lý và tổ chức nhằm xây dựng cơ chế điều phối hợp tác đa ngành, triển khai hiệu quả quản lý tổng hợp dải ven biển nước ta. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với một số Bộ liên quan xây dựng “Chiến lược và Kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ quốc gia”. Bởi vì có được Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về lĩnh vực này, sẽ là cơ sở cho các ngành và các địa phương triển khai quản lý hiệu quả. Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ. Hoạt động này làm cơ sở để triển khai hỗ trợ các địa phương ven biển vận hành quản lý tổng hợp vùng bờ phù hợp với tình hình thực tế.

TS Nguyễn Thị Như Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật (Văn Phòng Chính phủ) đã đề xuất hướng hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam, đó là tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã được ban hành đồng thời nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng quản lý tổng hợp thống nhất. Việt Nam cũng nên mở rộng hợp tác quốc tế, chú trọng triển khai thực thi các điều ước quốc tế về biển mà nước ta đã tham gia.

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km. Vùng biển nước ta là một phần của Biển Đông, rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển nước ta có mức độ đa dạng sinh học tương đối cao với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Đây là những nơi có điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng.

* Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 5 nội dung lớn thực hiện từ nay đến năm 2015.

Nội dung đầu tiên của Đề án là tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo. Theo đó, mục tiêu đặt ra là tập huấn và trang bị tài liệu phổ biến những kiến thức pháp lý cơ bản về biển, cập nhật những văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho 100% CBCC ngành Tài nguyên và Môi trường; trên 80% CBCC các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước các lĩnh vực khai thác biển; trên 50% CBCC xã, phường, thị trấn ven biển; 100% cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Công an nhân dân các vùng biển, đảo và hầu hết ngư dân, cũng như một bộ phận CBVC và người lao động các đơn vị sự nghiệp nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trên biển.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo - nội dung thứ hai, 100% số xã, phường, thị trấn vùng ven biển, hải đảo được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về những vấn đề nan giải, bất cập, mâu thuẫn chủ yếu giữa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng ven biển, hải đảo và các nguy cơ, hiểm họa liên quan đến chính lợi ích của các cộng đồng trên địa bàn ven biển, hải đảo.

Nội dung thứ ba là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.

Xây dựng, quảng bá thương hiệu Biển Việt Nam là nội dung thứ 4 trong Đề án gắn với việc các địa phương ven biển thực hiện có hiệu quả chiến lược thương hiệu của địa phương mình.

Nội dung thứ 5 là nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo.

Kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 175 tỉ đồng (không kể nguồn hỗ trợ và huy động theo hướng xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước), trong đó ngân sách Trung ương là 118 tỉ đồng, ngân sách địa phương 57 tỉ đồng.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP- PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết