13/12/2009 - 19:42

Ban giám sát đầu tư của cộng đồng:

Vì sao hoạt động chưa hiệu quả?

Nhằm giúp chính quyền theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng, ngày 18-4-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg (gọi tắt QĐ80) về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Tuy nhiên, vai trò GSĐTCCĐ thời gian qua vẫn còn mờ nhạt và hệ quả là những dự án buông lỏng công tác GSĐTCCĐ cũng là những dự án có nhiều vấn đề tồn tại khiến người dân bức xúc...

* Giám sát càng chặt chẽ, công trình càng chất lượng

Nhờ thực hiện tốt giám sát đầu tư của cộng đồng mà con đường từ ấp Mỹ Phụng nối liền ấp Mỹ Long (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) được khắc phục trải thêm nhựa. 

Theo UBMTTQVN TP Cần Thơ, thực hiện Thông tư liên tịch số 04 giữa Bộ kế hoạch và Đầu tư - Ban Thường trực UBTƯMTTQVN - Bộ Tài chính, đến nay, toàn thành phố có 72/85 xã, phường, thị trấn thành lập xong Ban GSĐTCCĐ. Thực tế cho thấy nơi nào Ban GSĐTCCĐ tích cực tổ chức giám sát thì các công trình, dự án nơi đó thực hiện đạt chất lượng. Ông Võ Trường Sơn, Trưởng Ban GSĐTCCĐ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: “Các thành viên trong Ban GSĐTCCĐ được cơ cấu là những người có uy tín được bà con tín nhiệm ở các ấp nên thuận lợi trong việc giám sát và tập hợp các ý kiến của nhân dân. Tất cả các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, Ban GSĐTCCĐ đều tổ chức giám sát chặt chẽ, qua đó, đã kịp thời phát hiện một số công trình kém chất lượng để kiến nghị khắc phục. Như khi địa phương tiến hành xây dựng con đường từ ấp Mỹ Phụng nối liền ấp Mỹ Long, Ban GSĐTCCĐ xã đã lên kế hoạch giám sát, phân công các thành viên thường xuyên có mặt tại công trình theo dõi đơn vị thi công thực hiện; đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân về việc thực hiện con đường. Chính nhờ thường xuyên có mặt cùng bà con giám sát nên chúng tôi phát hiện nhà thầu thi công trải nhựa mỏng, không quét dọn sạch để đất bụi dính trên đá nên độ kết dính kém. Từ những kiến nghị của Ban GSĐTCCĐ, chủ đầu tư là UBND huyện đã buộc nhà thầu khắc phục, trải thêm nhựa theo quy định”.

Ban GSĐTCCĐ ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, cũng là một trong những đơn vị hoạt động tích cực, hiệu quả. Ông Võ Xuân Trung, Trưởng Ban GSĐTCCĐ phường Lê Bình, nói: “Sau khi thành lập tháng 3 năm 2009, Ban GSĐTCCĐ tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát các công trình giao thông trên địa bàn phường; trong đó xác định danh mục các dự án, công trình cần giám sát và phân công các thành viên theo dõi từng nội dung. Từ tháng 3 - 2009 đến nay, Ban đã giám sát 4 công trình do nhà nước đầu tư và 2 công trình do nhân dân đóng góp, mạnh dạn kiến nghị khắc phục những vấn đề chưa thực hiện tốt trong quá trình thi công. Như công trình đường chùa Ông Một ở khu vực Yên Thượng, Ban GSĐTCCĐ phường đã giám sát và phát hiện đơn vị thi công gây ngập làm ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của nhân dân. Tập hợp những ý kiến của bà con và qua kết quả kiểm tra thực tế, chúng tôi báo với Mặt trận phường và kiến nghị với đơn vị thi công, chủ đầu tư. Kết quả đơn vị thi công đã kịp thời khắc phục và đến nay công trình sử dụng tốt”.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện QĐ 80 về việc thành lập Ban GSĐTCCĐ, dẫn đến hệ quả nhiều công trình còn gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như công trình cầu Vàm Rạch Nóp ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, xây dựng cả trăm triệu đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng chẳng bao lâu đã hư hỏng. Bà con cho biết: Thời điểm thi công cây cầu này địa phương chưa thành lập Ban GSĐTCCĐ và không thành lập Ban giám sát công trình, người dân không được quyền tham gia, nên nhiều vướng mắc không biết trình bày với ai. Bà con cho rằng, người dân không được biết bản thiết kế, bản vẽ của cây cầu Vàm Rạch Nóp nên cũng không biết giám sát bằng cách nào...

* Còn nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của lãnh đạo UBMTTQVN thành phố, Ban GSĐTCCĐ hầu hết mới thành lập nên chưa đi vào hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng còn lúng túng về nghiệp vụ, chưa nắm vững về chức năng, nhiệm vụ và phương thức giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn. Mặc dù trong QĐ 80 quy định cụ thể nội dung giám sát tất cả các dự án đầu tư, nhưng thực tế ở nhiều nơi, Ban GSĐTCCĐ chỉ tham gia giám sát các dự án đầu tư của cấp xã (có sự đóng góp tiền, công sức của nhân dân), các loại dự án đầu tư còn lại thì không “dám” giám sát, vì nhiều lý do, trong đó có lý do các chủ đầu tư, các nhà thầu không hợp tác; các ngành, các cấp liên quan chưa tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho giám sát của cộng đồng.

Ông Võ Trường Sơn, Trưởng Ban GSĐTCCĐ xã Mỹ Khánh, nói: “Những công trình, dự án lớn do Trung ương, thành phố đầu tư trên địa bàn, chúng tôi ít được tham gia giám sát, mà dẫu có được giám sát cũng không nắm vững chuyên môn, kỹ thuật nên cũng không thể tham gia sâu, chỉ giám sát khi có những vấn đề xâm hại đến lợi ích của cộng đồng. Mặt khác, với những công trình lớn này nếu có phát hiện sai sót chúng tôi cũng chỉ đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết, chứ không “dám” yêu cầu ngưng thi công, dẫu rằng điều đó có thể góp phần tránh thiệt hại thêm”. Ngoài những trở ngại này thì trình độ của các giám sát viên cũng còn hạn chế. Không ít giám sát viên thừa nhận đã gặp ít nhiều khó khăn khi giám sát thiết kế, dự toán của dự án, công trình... vì chưa hiểu, nắm vững về xây dựng. Do vậy, họ cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn đi đôi với tăng cường trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác giám sát. Bên cạnh đó, các thành viên Ban GSĐTCCĐ làm việc không có chế độ, chính sách; làm được việc không ai khen và ngược lại làm có sơ sót thì bị chê trách; không được bảo vệ, thậm chí bị trù dập... nên hầu hết thành viên Ban GSĐTCCĐ hoạt động kém, trông chờ, thụ động... Cần phải có chế tài thật cụ thể chi tiết để hoạt động GSĐTCCĐ thật sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đất nước.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, lưu ý: “Trước tiên phải tạo sự nhất quán về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở; các ngành, các cấp liên quan và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban GSĐTCCĐ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát huy chức trách các thành viên của Ban GSĐTCCĐ và sự tham gia tích cực giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn nơi có dự án đầu tư. Các ngành, các cấp liên quan cần thực hiện tốt Chỉ thị 15 của UBND thành phố về việc tăng cường thực hiện công tác GSĐTCCĐ. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp tổ chức mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên Ban GSĐTCCĐ. Sở Tài chính đã có công văn hướng dẫn việc lập thủ tục cấp kinh phí hỗ trợ cho Ban GSĐTCCĐ, nhưng Tài chính cấp xã cần phải hướng dẫn cụ thể để Ban GSĐTCCĐ làm đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và rút được tiền hỗ trợ kinh phí hoạt động dễ dàng...”.

Bài, ảnh: Nhật My

NỘI DUNG GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG THEO QĐ 80

- Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển KT- XH, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,... kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

- Đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về: chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư.

- Phát hiện những việc xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

- Đối với những dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước và không thuộc diện bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn xã; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã, ngoài những nội dung nêu trên cộng đồng còn theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án; phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án. Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác, cộng đồng còn theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.

Chia sẻ bài viết