16/12/2009 - 21:38

MÔ HÌNH MỘT CỬA LIÊN THÔNG

Vì sao chậm được nhân rộng?

Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, mô hình “một cửa liên thông”(MCLT) đã chứng minh được nhiều tiện ích, giảm sự phiền hà và củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai thực hiện mô hình MCLT tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của người dân.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho dân

Cán bộ một cửa liên thông phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: SỸ KHANG 

Từ đầu tháng 10-2009, phường Trà Nóc và phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), đã bắt đầu triển khai thực hiện mô hình MCLT để giải quyết các hồ sơ hành chính của người dân và các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, nói: “Theo biên chế, hiện nay phường có 5 cán bộ trực tiếp làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Vì vậy khi thực hiện MCLT, chúng tôi phải hợp đồng thêm người để chuyển hồ sơ từ phường lên quận và nhận kết quả về trả cho người dân theo phiếu hẹn. Đồng thời, lãnh đạo phường cũng tập trung giáo dục, động viên cán bộ công chức, nhất là những cán bộ được chọn vào phục vụ tại bộ phận MCLT nâng cao tinh thần, thái độ làm việc để công việc đạt hiệu quả. Sau gần 3 tháng triển khai, hiện phường Bùi Hữu Nghĩa đã thực hiện MCLT trên các lĩnh vực: Địa chính, xây dựng, tư pháp-hộ tịch. Theo đó, khi người dân có nhu cầu về các loại hồ sơ thuộc lĩnh vực nói trên, chỉ cần đến UBND phường để được hướng dẫn, lập hồ sơ, nộp hồ sơ và đến ngày hẹn sẽ nhận kết quả tại đây. So với trước đây, việc đi lại của người dân giảm nhiều lần, thời gian cũng được rút ngắn đáng kể”. Bà Nguyễn Thị Chính, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, đến giải quyết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phường, cho biết: “ Thực hiện MCLT, tôi chỉ việc đến duy nhất một nơi là UBND phường để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Các thủ tục có liên quan đến các ban, ngành quận, cán bộ phường sẽ đi làm thay cho. Làm như vậy, tiện lợi quá!”.

Theo thống kê của lãnh đạo hai phường Trà Nóc và Bùi Hữu Nghĩa, qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, 2 phường đã giải quyết khoảng 93 hồ sơ liên thông trên các lĩnh vực, trong đó, tỷ lệ đúng hẹn trên 96%. Chị Nguyễn Thị Kim Thảo, Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Thủy, nói: “Từ những kết quả đạt được của hai phường, quận sẽ tổ chức cho các phường còn lại học tập rút kinh nghiệm. Phấn đấu đến đầu quí II, năm 2010, quận sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quận, để phục vụ tốt cho các đơn vị , doanh nghiệp và nhân dân.

Chậm nhân rộng...

Nhằm triển khai nhân rộng mô hình một cửa liên thông, thời gian qua UBND thành phố đã ban hành nhiều công văn, quyết định chỉ đạo các sở ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế, triển khai áp dụng mô hình này, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết hành chính chỉ đến một nơi đến nộp hồ sơ và nhận kết quả. Thế nhưng thời gian qua, ở cấp sở, ngành, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an đã phối hợp thực hiện mô hình MCLT trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế, khắc con dấu; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ phối hợp với công an, Điện lực thực hiện MCLT trong việc thẩm định và phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, cung cấp điện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì việc liên thông giữa các ngành để giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực vẫn chưa được thực hiện như mong muốn của người dân. Riêng các xã, phường, sau phường Châu Văn Liêm, đến nay cũng mới chỉ có hai phường Bùi Hữu Nghĩa và Trà Nóc, quận Bình Thủy thực hiện cơ chế MCLT từ phường lên quận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phường Trà Nóc cũng chỉ thực hiện liên thông trên lĩnh vực địa chính, xây dựng. Chị Nguyễn Thị Kim Thảo, Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Thủy, cho biết: “Để thực hiện cơ chế MCLT từ phường lên quận, thời gian qua, quận đã tạo điều kiện để cán bộ quận và cơ sở đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Vấn đề khó khăn nhất là lực lượng cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận, các phường vừa đủ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khi thực hiện MCLT, các phường không đủ cán bộ để chuyển hồ sơ từ phường lên quận và nhận kết quả về trả cho người dân theo phiếu hẹn. Để làm tốt nhiệm vụ, quận đã thống nhất cho hai phường hợp đồng thêm một nhân sự. Bên cạnh đó, cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các phường còn lại trên địa bàn quận thời gian qua có sự thay đổi, biến động, trình độ, năng lực còn hạn chế, nên việc thực hiện cơ chế MCLT chỉ thực hiện thí điểm tại 2 phường”.

Khó khăn ở quận Bình Thủy cũng là khó khăn chung của nhiều đơn vị khi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình MCLT. Theo các đồng chí lãnh đạo huyện Cờ Đỏ, đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa còn chắp vá do mới chia tách; một số cán bộ chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nhiều cán bộ “một cửa” vừa học, vừa làm nên dù rất muốn, nhưng đến nay, huyện chưa triển khai ứng dụng được mô hình này. Tại quận Cái Răng, theo báo cáo của Phòng Nội vụ, đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa của các phường có trình độ đại học chỉ chiếm trên 12%, và hiện vẫn còn 4 cán bộ bộ phận một cửa không thể xét biên chế, bởi trình độ chưa đạt chuẩn. Chị Nguyễn Thị Đường, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Thạnh, kể: “Hiện nay, bộ phận một cửa của phường có 4 người, trong đó có 3 biên chế, 1 trường hợp phải hợp đồng do chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Thời gian qua, chúng tôi chỉ phân công cho đồng chí này những công việc đơn giản, còn những vấn đề chuyên sâu sẽ phân công các cán bộ còn lại trong bộ phận một cửa đảm nhận. Trong khi đó, nếu ứng dụng mô hình MCLT, đòi hỏi các cán bộ bộ phận một cửa phải có trình độ, năng lực để thẩm định, giải quyết hồ sơ và chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Để triển khai mô hình MCLT, thì các địa phương phải ứng dụng tốt công nghệ thông tin, sử dụng tốt các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, qua đó góp phần giảm thiểu thời gian tác nghiệp của cán bộ công chức. Tuy nhiên, do còn thiếu máy vi tính, một số máy vi tính ở các địa phương trang bị lâu đã xuống cấp, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu. Như ở huyện Thới Lai, hiện nay, một số xã đã tạm ngưng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính. Tại xã Trường Xuân A vẫn chưa kết nối mạng Internet do chưa có đường truyền. Thời gian qua, mọi văn bản, giấy tờ, lịch làm việc của UBND xã đều gửi và nhận bằng đường bưu điện, điện thoại. Ở phường Hưng Thạnh, nhiều năm qua, tại bộ phận một cửa chỉ có một bộ máy vi tính, nhưng đã quá cũ kỹ. Mãi đến đầu tháng 6-2009 này, phường mới đầu tư thêm một bộ máy vi tính để các cán bộ xử lý công việc, truy cập tốt những thông tin cần thiết, các văn bản luật... đưa vào ứng dụng trong công tác.

Để nhân rộng mô hình MCLT, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, hiện nay nhiều sở, ngành, địa phương đang sắp xếp nhân sự, đầu tư thêm trang thiết bị... đáp ứng yêu cầu điều kiện nhân lực, vật lực để triển khai thực hiện mô hình. Hiện nay, UBND thành phố cũng đã gửi dự thảo quyết định thực hiện mô hình MCLT trên lĩnh vực đất đai từ cấp xã đến cấp huyện để lấy ý kiến đóng góp... Hy vọng, từ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, mô hình MCLT sớm nhân rộng và ngày càng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân.

N.T

Chia sẻ bài viết