17/09/2016 - 17:03

Triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

(CT)- Ngày 17-9-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020" (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020) tại 6 điểm cầu, gồm: Hà Nội, Vinh, Đăk Lăk, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

6 mục tiêu mà Đề án Ngoại ngữ 2020 cần đạt được trong thời gian tới, gồm: Một là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành và triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới; đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Hai là tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ (NLNN) 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Ba là, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ; đến năm 2025, 100% sinh viên đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam). Bốn là tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam phù hợp với mục tiêu của từng khóa học. Năm là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3.1.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất mục tiêu đề án đề ra, nhưng vẫn còn băn khoăn trong quá trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 thời gian qua. Bởi một số đơn vị vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; thiếu giáo viên đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; điều kiện về môi trường ứng dụng ngoại ngữ hạn chế;… Từ đó, nhiều mục tiêu trong đề án không đạt được; chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vẫn chưa đạt yêu cầu. Để nâng cao hiệu quả thực hiện đề án, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp; trong đó tập trung thực hiện tốt 3 yếu tố: nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, phát triển trung tâm khảo thí và trung tâm học liệu ngoại ngữ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ ghi nhận khó khăn, đề xuất của các đơn vị để rà soát, điều chỉnh phù hợp, sát thực tế hơn để đạt mục tiêu mà đề án đề ra. Tiếng Anh là ngoại ngữ rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập, mục tiêu sẽ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam. Do đó, các địa phương, đơn vị, trường học cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; nhu cầu học ngoại ngữ thực tế tại các địa phương, cần xem việc học ngoại ngữ để phục vụ công việc, cuộc sống. Đồng thời rà soát lại chương trình để thống nhất trong toàn quốc, giúp cho công tác khảo thí với chương trình, giảng dạy phù hợp, nhất quán…

B.NG

Chia sẻ bài viết