14/12/2007 - 11:27

U Minh Hạ

Thời oanh liệt nay còn đâu!

Vùng đất “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) đang quặn mình trước tình cảnh nhiều loài động vật hoang dã đua nhau “di cư”... vào quán nhậu. Làm gì để ngăn chặn nạn chảy máu động vật hoang dã ở U Minh Hạ đang là một vấn đề nan giải của chính quyền địa phương...

Niềm kiêu hãnh một thời

Rắn rùa được giao dịch tại chợ U Minh. 

U Minh Hạ có diện tích tự nhiên 8.300ha, trải dài trên địa bàn 4 xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh), Trần Hợi và Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Theo lời kể của nhiều bậc cao niên, cách đây vài mươi năm, U Minh Hạ hãy còn là vùng rừng hoang đầy muỗi mòng, thú dữ. Trong “Văn minh miệt vườn”, nhà văn Sơn Nam giải thích tên gọi U Minh như sau: “Trước năm 1945, gọi là U Minh, còn chữ rừng mới chỉ dùng sau này. U Minh có nghĩa là tối và mờ, u u minh minh”.

Ông Trần Phùng, cư dân cố cựu ở xã Nguyễn Phích từng có những năm tháng tuổi trẻ bám trụ ở nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh”, tâm tình: “Nói đến rừng U Minh là nói tới rừng tràm. Không chỉ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn dây choại mỗi năm (một loại dây leo có độ bền, dẻo dai chẳng kém gì song mây), rừng tràm còn phổ biến loại cây móp có bộ rễ xốp, nhẹ được dùng làm phao lưới cá, phao cứu sinh, nút chai. Mật ong tràm U Minh cũng “ác chiến” lắm! Do nó có màu vàng tươi, trong veo, để càng lâu càng đậm đà nên rất được trọng dụng. Mỗi năm, người dân U Minh khai thác từ nguồn tài nguyên trời ban này trên 50 tấn mật”.

Song hành cùng rừng tràm, hình ảnh rừng U Minh còn gắn liền với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như tê tê, rái cá lông mũi, cầy hương, mèo rừng, dơi ngựa, dơi chó, cá sấu... và đặc biệt là rắn, rùa. Sinh ra và lớn lên dưới tán rừng U Minh, anh Nguyễn Phước Hải, giáo viên Trường Tiểu học Tân Xuân (xã Tân Phú, huyện Thới Bình), nhớ lại: “Gì chứ rắn, rùa thì vô số kể. Hai loài này nhiều đến nỗi được Bác Ba Phi phịa chuyện rùa kết thành bè lớn chạy băng băng như gió. Còn rắn thì nối dài đi bộ đến mỏi chân”. Anh Hải tâm tình: “Hồi đó, tôi chỉ cần đảo ra kênh một lát là có rắn, rùa ngay. Con nào con nấy bự cành cành... Đã lắm!”.

Vẫn chưa hết! Niềm kiêu hãnh của Bác Ba Phi còn là sân chim lớn luôn xào xạc tiếng chim cò trong vòm cây đám lá, trong đó có nhiều loài đặc trưng như cồng cộc, le le, cúm núm, quạ, ó biển... Ngoài ra, còn có “mỏ” cá thác lác, cá sặc rằn, cá lóc, cá rô mề... cá nhiều đến độ ăn không hết, người ta phải xẻ khô hoăc đem làm mắm để ăn dần. Vậy mà giờ đây...

Chỉ còn trong chuyện kể!

Sản vật thiên nhiên phong phú như thế mà giờ đây, thật đáng buồn khi đàn chim cò và nguồn cá tự nhiên ở U Minh Hạ đang ngày càng bị hao hụt. Người dân xâm lấn, sống dựa vào rừng không chỉ làm thu hẹp diện tích mà còn gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng.

Cụ Chín Quảnh ở ấp 4, xã Khánh Hòa trần tình: “Bây giờ, cá đồng kiếm đỏ mắt chú ơi! Cá bán ngoài chợ U Minh hiện tại phần lớn là cá nuôi chứ không phải cá đồng đâu... Chim cò cũng vậy. Bị săn bắt, bẫy bọng quá mức nên chúng hoảng, dần bay đi nơi khác an toàn hơn để trú ngụ cả rồi”.

Rừng U Minh thuở xưa còn có lắm cọp dữ nhưng đã từ lâu lắm, chẳng ai phát hiện được “ông ba mươi” nào ở vùng đất này. Ông Sáu Giờ, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, người có hơn 20 năm gắn bó với rừng U Minh Hạ cho biết, hồi còn nhỏ, ông đã không ít lần chứng kiến những con heo rừng nặng cả trăm ký đi rong và hàng bầy nai rừng to lớn nhởn nhơ gặm cỏ trong rừng sâu”. Còn trăn rắn thì theo ông nhiều vô kể. Đặc biệt là các loài rắn vừa độc vừa quý như mái gầm, cạp nong, trăn mắc võng, hổ chúa, hổ đất...

Ông Sáu tặc lưỡi nói tiếp: “Mấy tháng trước, qua về thăm lại U Minh. Thấy mà buồn quá sá! Mình ở xứ rắn, xứ rùa vậy nhưng muốn ăn gì cũng phải chạy đi mua, mà phải dặn trước mới có... Đâu bằng hồi trước, thứ gì cũng có sẵn. Muốn lai rai chỉ cần chống xuồng vô kênh thả câu, tát đìa là có mồi “chiến đấu” mệt nghỉ”.

Hôm trò chuyện về đất rừng U Minh với tôi, ông Sáu đãi khách món cháo trăn U Minh phải nói là ngon “nhức nhối”. Thịt trăn vàng lựng xen lẫn mấy thớt mỡ bóng ngần cắn nghe sừng sực, béo ngọt đến tê đầu lưỡi. Ông Sáu nói: “Mỡ nổi vậy nhưng ăn không ngán, cháo trăn là đặc sản xứ này đó. Chú cứ tự nhiên đi, không lo vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã đâu. Tôi nuôi con này gần chục năm nay. Chẳng may nó nuốt con mèo bị nghẹn mà chết nên mới bị mần thịt... Bây giờ, người ta vào rừng bắt được con nào là tập kết theo xe đò đưa lên thành phố làm đặc sản cả rồi”.

Tại chợ Huyện Sử, chợ Thới Bình (huyện Thới Bình), chợ U Minh (huyện U Minh), chợ Cà Mau... đều thấy bày bán công khai nhiều rắn rùa và các loài chim trời. Nguồn hàng, theo bật mí của các ông bà chủ, là từ “những người đi săn, bố ráp trong rừng U Minh kia”. Anh Nguyễn Phước Hải chép miệng: “Mùa khô, chỉ cần mình đốt cánh đồng năn, ngồi dưới hướng gió chờ khoảng một giờ thì rùa rắn chạy rào rào. Bây giờ thì kiếm bét mắt. Lâu quá, rồi chưa biết mùi vị đặc sản quê mình”.

Ngày lại ngày, có hàng trăm người tiến sâu vô rừng, không từ nan bất kỳ phương cách gì để tóm được đặc sản... Đất rừng U Minh Hạ đã không còn là ngôi nhà an toàn cho nhiều loài động vật hoang dã trú ngụ. Để bảo vệ rừng và động vật hoang dã, năm 2004, UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ thị nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, săn, bắt, vận chuyển rùa, rắn và xâm hại rừng. Tiếc rằng chỉ thị đã không thể bảo vệ được chúng. Ông Sáu Giờ trăn trở: “Ai cũng biết vào rừng săn bắn, đốt than, đẽo cây là vi phạm lâm luật nhưng vì chén cơm manh áo cả chú ơi!”. Anh Hải quả quyết: “Bây giờ và mãi mãi, nếu không giải được bài toán hộ nghèo ở U Minh thì rừng vẫn cứ bị chảy máu. Chảy cho đến khi nào cạn kiệt mới thôi”.

Bài, ảnh: THÀNH DŨNG

Tựa lưng vào miền Tây Nam bộ, mặt hướng ra vịnh Thái Lan, trải dài từ sông Ông Đốc (tỉnh Cà Mau) đến sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang), với tổng diện tích gần 2.000km2, U Minh là vùng đất rộng mênh mông có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Chảy giữa rừng, con sông Trèm Trẹm (còn gọi là sông Trẹm) và sông Cái Tàu đã chia cắt rừng U Minh thành hai phần U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau). Theo thống kê, trước năm 1950, diện tích rừng U Minh khoảng 400.000ha. Đến năm 1970, diện tích này bị giảm còn phân nửa. Năm 1990, rừng còn khoảng 100.000ha. Đến năm 1995, số liệu điều tra kiểm kê rừng cho thấy rừng có giá trị bảo tồn ở U Minh Hạ chỉ còn 4.200ha. Con số vô cùng khiêm tốn so với 50 năm trước.

Chia sẻ bài viết