02/08/2010 - 21:25

Mô hình lúa - tôm

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành nông nghiệp các địa phương vùng ven biển ĐBSCL. Bởi tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn ha đất canh tác lúa - tôm ở vùng ĐBSCL.

Có thể nói, sản xuất lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL chịu ảnh hưởng của thủy triều từ biển vào các sông lớn như: Sông Tiền, sông Hậu và các sông thuộc vùng bán đảo Cà Mau. Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về hạ nguồn ngày càng giảm, nhất là vào tháng mùa khô (khoảng tháng 1 đến tháng 4 hàng năm). Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vùng ven biển ĐBSCL có khoảng 500.000 ha đất trồng lúa chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn. Trong khi các hệ thống thủy lợi ven biển, thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ, công trình điều tiết nước ngọt- mặn cũng chưa phát huy tác dụng như mong đợi... Đây là những trở ngại đe dọa sản xuất nông nghiệp của vùng. Hiện nay, một số tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã triển khai và đánh giá kết quả của mô hình lúa- tôm khá ổn định, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích tăng, dịch bệnh giảm... Những thuận lợi này sẽ tạo điều kiện để phát triển và nhân rộng mô hình lúa- tôm ở các địa phương vùng ven biển trong thời gian tới

Nông dân vùng U Minh Thượng canh tác mô hình lúa - tôm cho thu nhập khá cao. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích canh tác theo mô hình lúa- tôm toàn vùng ĐBSCL hiện khoảng 140.000 ha. Tuy nhiên, năng suất của mô hình tôm-lúa còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Mặt khác, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng chỉ mới được quan tâm tại Sóc Trăng. Các nhà khoa học về nông nghiệp tính toán, nếu áp dụng tiêu chuẩn GAP vào mô hình lúa- tôm sẽ làm tăng sản lượng lúa thêm khoảng 500- 700.000 tấn; đồng thời giá trị con tôm thương phẩm cũng được nâng cao. PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nêu nhận định: “Không phải những khu vực ven biển đều có thể sản xuất lúa-tôm, mà tùy theo thổ nhưỡng, địa chất của từng địa phương, thường vùng sản xuất theo mô hình này phải cách biển 15-20km, một số nơi như Trà Vinh, Bạc Liêu có thể 30-40km”. Chẳng hạn tỉnh Cà Mau, Kiên Giang có những tương đồng về thời tiết, tình trạng xâm nhập mặn trong vùng sản xuất tôm- lúa như: Mùa mưa đến chậm hơn, lượng mưa ít và giữa mùa mưa có nắng hạn kéo dài khoảng 2 tuần, nên thời vụ xuống giống lúa trễ hơn các vùng khác và phải sử dụng giống lúa ngắn ngày để “né mặn”. Còn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre... mùa mưa đến sớm hơn, nông dân có điều kiện rửa mặn và xuống giống sớm, sản xuất lúa-tôm vùng này thích hợp cho những giống lúa trúng mùa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Dư, một số tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An có diện tích lúa-tôm thấp và chưa có định hướng rõ rệt, cũng như chưa có quy hoạch cụ thể để phát triển mô hình này...

Mới đây, hội nghị về sản xuất lúa- tôm bền vững ở ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa mô hình tôm-lúa sản xuất ngày càng bền vững hơn. Đa số có chung nhận định: mô hình tôm- lúa hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết, những tác động về môi trường... làm ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác, năng suất, sản lượng và thu nhập của nông dân. Tình trạng thoái hóa đất, một số nơi bị nhiễm mặn khó cải tạo đang cần được tiếp tục nghiên cứu, cải thiện cho phù hợp với tình hình mới. Mặt khác, kỹ thuật canh tác lúa-tôm cần sớm được nghiên cứu, phổ biến và tiến tới xác lập các quy trình chuẩn cho vùng canh tác (như tiêu chuẩn GAP); tạo điều kiện để nông dân trong vùng nâng cao trình độ kỹ thuật, tiếp cận tiến bộ khoa học.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, để phát triển sản xuất lúa-tôm bền vững vùng ven biển ĐBSCL cần quan tâm đến công tác quy hoạch, xác định vùng có khả năng phát triển lúa-tôm và xây dựng các chương trình, dự án, đánh giá tác động môi trường, yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cấp, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ mục đích phát triển tôm-lúa; nghiên cứu, so sánh, thử nghiệm các giống lúa chất lượng cao chịu đựng nồng độ mặn cao cho từng tiểu vùng nhằm có định hướng phát triển phù hợp. Điều quan trọng để mô hình phát triển bền vững và đạt giá trị gia tăng cao trên một đơn vị diện tích là đẩy mạnh ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào sản xuất. Từ đó sẽ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nông sản chất lượng cao... Mô hình lúa- tôm là nền tảng để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo vùng ĐBSCL một cách hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Ngoài việc củng cố, đầu tư hệ thống thủy lợi lớn như đê biển, cống điều tiết mặn ngọt, các địa phương cần tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, hướng dẫn nông dân làm đê bao ao tôm đúng kỹ thuật. Tập trung sản xuất 2-3 loại giống lúa chính, có tính chịu mặn tương đối tốt, gắn với xây dựng thương hiệu, không nên sản xuất tràn lan như hiện nay”. Mặt khác, tăng cường hơn nữa chương trình khuyến nông, khuyến ngư để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời gắn với đào tạo nghề để giúp người dân nắm vững quy trình kỹ thuật... Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm hàng hóa cho hộ nông dân trong vùng ven biển ĐBSCL.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết