ÁI LAM
Qua thời gian dài mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch bệnh COVID-19, thị trường khách quốc tế đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, khi lượng khách tìm kiếm thông tin và đến Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó tại khu vực ĐBSCL, khách quốc tế cũng dần trở lại nhờ sức hút của các xu hướng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên đang phát triển ở miền châu thổ.
Sự tăng trưởng thị trường khách quốc tế tại Việt Nam
Du khách quốc tế trải nghiệm làm bánh tại Mekong Silt Ecolodge. Ảnh: Mekong Silt Ecolodge
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam gần 3,7 triệu lượt người, đạt 46% mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam của cả năm 2023. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,3 triệu lượt người, chiếm 88,7%. Một số địa phương ghi nhận tỷ lệ du khách nước ngoài đến tăng cao là Đà Nẵng (73,5%), Quảng Ninh (43,1%), Cần Thơ (42,4%), TP Hồ Chí Minh (37,2%), Hải Phòng (14,4%), Hà Nội (13,2%).
Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam đang tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10% đến 25%. Tốp đầu có các quốc gia: Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Mỹ, Pháp, Canada, Hà Lan, Philippines. Chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới. Các thị trường nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc.
Thực tế, Hàn Quốc hiện cũng là thị trường khách quốc tế trở lại Việt Nam cao nhất, với hơn 1 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2023, gấp khoảng 4 lần so với Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Thông tin dự báo từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hàn Quốc vẫn sẽ là thị trường gửi khách đến lớn nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Bởi vì hiện Tổng cục Du lịch hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2024, nên lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Thị trường Trung Quốc cũng được cho là đang tăng trưởng trở lại qua sự kết nối, hợp tác về du lịch giữa các tỉnh, thành ở khu vực biên giới của hai quốc gia. Du khách Trung Quốc được dự báo là sẽ trở lại nhiều vào dịp hè, tháng 10 (tuần lễ vàng dịp nghỉ Lễ Quốc khánh dài ngày của Trung Quốc) và những tháng cuối năm nay. Trong khi đó, thị trường khách từ Úc, Ấn Độ đang có điều kiện thuận lợi gia tăng lượng khách đến Việt Nam thông qua Vietnam Airlines và Vietjet vừa mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn giữa hai bên.
Để thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề xuất cần đẩy nhanh các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh cho du khách vào Việt Nam; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các trung tâm du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn cao cấp như: du thuyền, du lịch MICE, du lịch golf…; triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá tiếp thị quốc tế với quy mô lớn, đa dạng, tận dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội có tính lan tỏa cao; tăng cường các đường bay kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm…
Sự trở lại ĐBSCL của du khách quốc tế
Khách quốc tế trải nghiệm tại cồn Sơn. Ảnh: Kiều Mai
Từ đầu năm 2023 đến nay hoạt động du lịch ở ĐBSCL phục hồi tốt, trong đó dần có sự trở lại của du khách quốc tế. Du khách Archibald (Anh) cho biết: “Tôi được biết ĐBSCL là vùng đất có nhiều cây xanh, hệ sinh thái đặc biệt. Tôi yêu thiên nhiên và đã chọn ĐBSCL là điểm đến cho trải nghiệm lần này. An Giang và Cần Thơ là hành trình người hướng dẫn địa phương đang chia sẻ với chúng tôi. Rừng tràm và chợ nổi đối với tôi rất ấn tượng”. Các tour khám phá văn hóa bản địa, trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng kết nối thiên nhiên được du khách quốc tế yêu thích và lựa chọn khi đến ĐBSCL. Du khách Hà Lan Glyceria, nói: “Tôi nghe bạn tôi kể về hành trình ở ĐBSCL rất tuyệt vời và điều đó làm tôi muốn trải nghiệm một lần. Tôi chưa từng đi trên sông nước như thế này, rất lạ và thú vị. Thêm vào đó, tôi rất thích những vườn cây ở đây”.
Hành trình khách quốc tế chọn khi đến ĐBSCL thường là những tour sông nước, xe đạp ở vùng quê… để có thể tìm hiểu về văn hóa bản địa, con người. Du khách Pháp Julita chia sẻ: “Chúng tôi có hành trình 5 ngày ở ĐBSCL. Trong đó, chúng tôi có 2 ngày tại Cần Thơ, khám phá chợ nổi, làng nghề và vườn cây ăn trái. Tôi thích đạp xe trên những tuyến đường quê, thi thoảng chúng tôi dừng lại vào vườn cây, trò chuyện cùng người dân bản xứ. Điều đó mang đến cảm giác rất tuyệt vời vì mọi thứ với tôi rất lạ lẫm”.
Văn hóa bản địa được xem là một trong những yếu tố để du khách quốc tế tìm đến ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ, nhiều điểm đến đã vận dụng điều này để thu hút khách quốc tế. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, nói: “Khách quốc tế thích những khung cảnh và sinh hoạt tự nhiên, họ cũng rất thích tìm hiểu văn hóa bản địa. Do đó, ngoài việc kết nối điểm đến: chợ nổi Cái Răng, khám phá vườn cây, chúng tôi còn xây dựng những workshop trải nghiệm về ẩm thực, làng nghề dệt chiếu, đan giỏ… Những trải nghiệm như thế được khách quốc tế rất yêu thích. Nhiều người đã đến còn quay lại, thậm chí giới thiệu, kết nối những bạn bè đến”. Du khách Jurate Valskiene (Ireland) chia sẻ về hành trình khám phá tại TP Cần Thơ và cồn Sơn: “ĐBSCL là điểm đến trong hành trình khám phá Việt Nam của chúng tôi vì chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây. Chúng tôi đã khám phá chợ nổi, một số điểm tham quan ở Cần Thơ và thấy thú vị nên tiếp tục ở lại và trải nghiệm thêm ở cồn Sơn”. Còn du khách Vilius Valskys cho biết: “Chuyến đi này đã lên kế hoạch một năm trước. Chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị và ấn tượng với người dân ở đây, rất thân thiện”.
Du khách quốc tế thường chọn những trải nghiệm sâu về điểm đến, trong đó những yếu tố thiên nhiên, văn hóa bản địa luôn là điều kiện đầu tiên để khách quốc tế lựa chọn. Có thể nói, ĐBSCL vẫn còn giữ môi trường tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, trong đó văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn với du khách. Du khách Pháp Laramie nói: “Tại ĐBSCL, chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ. Tôi thích ẩm thực của vùng đất này, thật ngon hơn tôi tưởng. Tôi đã học được cách làm một số loại bánh và tôi cũng quý mến những con người nơi đây, thân thiện và hiền hòa”.
Du khách quốc tế đến ĐBSCL đã dần tăng trở lại, đa phần là khách ở thị phần châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, Nhật, Hàn Quốc,…Tuy nhiên vẫn là nhóm nhỏ, những đoàn khách lớn chưa thực sự nhiều. Theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, chính sách visa của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng và điều đó ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn chuyến đi của du khách quốc tế. Khách quốc tế luôn có kế hoạch du lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm và khi thị trường du lịch ở Việt Nam dần ổn định thì mới thực sự thu hút khách trở lại. Do đó, thị trường khách quốc tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng muốn phục hồi, sớm nhất cũng từ năm 2024 với điều kiện các chính sách phải thay đổi tốt hơn. Sự trở lại của khách quốc tế tại ĐBSCL, đặc biệt là thị trường châu Âu, dù chỉ là nhóm nhỏ nhưng cũng cho thấy tín hiệu phục hồi khả quan.