18/04/2010 - 08:39

PHIÊN HỌP 30 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Thành lập Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

* Sẽ trình Quốc hội xem xét Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp tới

Sáng 17-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa 12 tiếp tục Phiên họp 30, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình xin ý kiến UBTVQH gồm 8 Chương, 66 Điều và đã nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi của các thành viên UBTVQH.

UBTVQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế và các thiết chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Các thành viên UBTVQH nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần thành lập Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức này sẽ hoạt động theo phương thức tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, mang tính xã hội hóa và chỉ được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động cho những hoạt động được Nhà nước ủy quyền thực hiện.

Thành viên UBTVQH cũng tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề quy định về hòa giải, giải quyết tranh chấp; thủ tục trình tự giải quyết tranh chấp tại Tòa án; tiền và án phí, tạm ứng án phí, lệ phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tổng kết ý kiến của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Dự luật cần được chỉnh sửa theo hướng làm rõ hơn về quy định trách nhiệm Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả quyền, trách nhiệm người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Các quy định về hình thức giải quyết tranh chấp cần được thể hiện theo hướng đa dạng hóa phương thức giải quyết; việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính Nhà nước cần được quy định rõ phạm vi giải quyết.

* Chiều 17-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Giải trình về lý do cần thiết phải đầu tư Dự án ĐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đến năm 2030, dự báo nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 534.000 hành khách/ngày (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh). Trong khi đó, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên tuyến chỉ đáp ứng được khoảng 378.000 hành khách/ngày. Như vậy còn 156.000 hành khách/ngày mà các loại phương thức vận tải không thể đáp ứng được. Nếu được xây dựng, với năng lực chuyên chở cao (một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 triệu - 70 triệu người), ĐSCT sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2020, sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc - Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Chính phủ dự tính, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án ĐSCT là: 1.066.792 tỉ đồng, tương đương 55.853 triệu USD, trong đó, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng lớn nhất lên đến 589.980 tỉ đồng. Suất đầu tư bình quân là 680 tỉ đồng/1km, tương đương 35,6 triệu USD/1km.

Tán thành với đề nghị của Chính phủ trình QH Dự án ĐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp tới, tuy nhiên, thẩm tra Dự án này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của QH cho rằng, Chính phủ cần làm rõ cơ sở lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong khi chỉ rất ít các nước trên thế giới áp dụng; Cân nhắc hiệu quả kinh tế tổng hợp của Dự án trong cân đối chung giữa vốn đầu tư - lợi ích kinh tế mà Dự án mang lại; Tính khả thi của công tác quy hoạch, khả năng bảo đảm tiến độ thực hiện; Giá thành đầu tư, giá phương tiện cao. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu cao tốc trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ QH cũng nhất trí, Dự án này phù hợp với lộ trình phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp nên sẽ trình QH tại kỳ họp thứ 7 để xem xét, quyết định.

XUÂN KHU-QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết