23/06/2015 - 08:46

Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

Gần 50 năm phát triển, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) không ngừng lớn mạnh về cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ giảng viên, đặc biệt là quy mô đào tạo. Bên cạnh đào tạo bậc ĐH, đào tạo bậc sau ĐH được xem là quan trọng đối với sự phát triển chung của trường. Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bậc học này, nhiều đại biểu "hiến kế" về quản lý, giảng dạy tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH" do Công đoàn Trường ĐHCT tổ chức vừa qua.

* Chỉ tiêu, ngành nghề tăng

Trường ĐHCT là cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH trọng điểm của nhà nước ở ĐBSCL. Gần 50 năm qua, bên cạnh phát triển cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ, qui mô đào tạo của trường không ngừng lớn mạnh ở các hệ, bậc đào tạo. Hiện trường có 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 7 đơn vị trực thuộc và 12 phòng ban chức năng, đảm nhận công tác đào tạo ĐH và sau ĐH. Từ năm 1982, Trường ĐHCT bắt đầu triển khai đào tạo sau ĐH nhưng đào tạo cao học từ năm 1993. Thời gian đầu, trường có 4 ngành và 2 đơn vị đào tạo; nay có 12 đơn vị tham gia đào tạo 35 ngành cao học trong nước, 2 ngành cao học quốc tế, với tổng số trên 3.000 học viên và 15 ngành tiến sĩ, với gần 300 nghiên cứu sinh. Giai đoạn 2010-2015, trường mở đào tạo mới 7 ngành trình độ thạc sĩ, 8 ngành tiến sĩ. Trong đó có 2 ngành trình độ thạc sĩ liên kết nước ngoài và 1 ngành trình độ tiến sĩ trong nước đào tạo thí điểm. Ngoài ra, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ 10 ngành theo Đề án 911. Theo PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng khoa Sau ĐH, Trường ĐHCT, nhìn chung quy mô, ngành đào tạo có mở rộng nhưng không đồng đều giữa các đơn vị do nguồn nhân lực chưa đảm bảo điều kiện làm đề án mở ngành sau ĐH. Trong tổng số 15 đơn vị đào tạo, có 12 đơn vị đào tạo trình độ thạc sĩ và 6 đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ.

Công tác đào tạo sau ĐH được xem là một trong số bậc học quan trọng của Trường ĐHCT. Trong ảnh: Lãnh đạo trường trao bằng tiến sĩ cho học viên.

Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, là một trong số các khoa của trường phát triển mạnh về quy mô và chất lượng đào tạo sau ĐH. Năm 2008, khoa tiếp quản ngành đào tạo cao học Môi trường và Quản lý Tài nguyên thiên nhiên từ Khoa Nông nghiệp. Sau năm 2008, khoa đổi tên chương trình đào tạo (khoa học môi trường) và mở thêm 2 chương trình đào tạo thạc sĩ mới (quản lý môi trường, quản lý đất đai); nâng quy mô quản lý đào tạo lên gấp 3 lần so với trước, từ khoảng hơn 20 học viên lên khoảng 80-90 học viên mỗi khóa. Còn đối với Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, hiện nay khoa đang đào tạo 4 ngành thạc sĩ (kinh tế nông nghiệp, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kinh tế học) và 3 ngành tiến sĩ (kinh tế nông nghiệp, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng). Theo ông Vương Quốc Duy, khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, quy mô đào tạo của khoa đi vào ổn định giai đoạn 2013-2014, trung bình khoảng 200 học viên/năm.

* "Hiến kế" nâng chất lượng đào tạo

Những năm qua, hoạt động đào tạo sau ĐH của trường ĐHCT đã phát triển khá mạnh và đi vào ổn định. Tuy nhiên, theo một số đại biểu tham dự Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH" do Công đoàn Trường ĐHCT tổ chức ngày 18-6 vừa qua, trong quá trình thực hiện công tác đào tạo sau ĐH vẫn còn gặp một số tồn tại, vướng mắc. Chẳng hạn như, việc tổ chức thi tuyển sinh đầu vào bằng hình thức thi tự luận phần nào lãng phí, hạn chế tính khách quan và dễ sai sót; chưa thể công bố đáp án sau khi tổ chức tuyển sinh để đảm bảo tính rõ ràng. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện để án mở mã ngành mới ở một số đơn vị còn chậm; quy trình khi tham gia kiểm định chất lượng chưa được thực hiện trong đào tạo sau ĐH. Khía cạnh khác đáng quan ngại là khâu làm luận văn tốt nghiệp của học viên - là cốt lõi chương trình đào tạo nhưng một số quyển lại "na ná" nhau, chất lượng chưa đảm bảo, giảm dần tỷ lệ học viên cao học, nghiên cứu sinh một số chuyên ngành hoàn thành đúng tiến độ…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo bậc sau ĐH, nhiều đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giảng dạy trong việc đào tạo sau ĐH. Theo PGS.TS Mai Văn Nam, nhà trường cần rà soát và định hướng lại công tác mở ngành đào tạo sau ĐH đúng với tình hình thực tế và đảm bảo tính khả thi cao. Tập trung mở ngành đào tạo sau ĐH phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực khu vực và cả nước, mở các chương trình đào tạo quốc tế, các ngành đào tạo bằng tiếng Anh sẽ là nền tảng thu hút học sinh nước ngoài vào học. Phó Trưởng khoa Khoa học tự nhiên Nguyễn Thành Tiên cho rằng: Để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn tuyển sinh phải ổn định, số lượng vừa phải, đặc biệt là hướng dẫn luận văn; khuyến khích học viên viết bài báo khoa học sau khi thực hiện luận văn cùng với viết báo cáo luận văn, điều này giúp học viên có kỹ năng tổng quan khoa học và trình bày vấn đề khoa học; gắn kết đề tài luận văn với các đề tài nghiên cứu khoa học của học viên ở các địa phương hoặc đề tài của cán bộ đang thực hiện... Theo ông Vương Quốc Duy, để nâng cao chất lượng luận văn tốt nghiệp cao học, khoa đã có chủ trương hạn chế một số chủ đề, đề tài nghiên trùng lắp, phổ biến qua nhiều năm. Định hướng cho học viên thực hiện các nghiên cứu mới có tính thực tiễn cao. Công tác tổ chức bảo vệ luận văn tốt nghiệp cũng được cải tiến theo hướng tích cực, bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường sự tin cậy của kết quả nghiên cứu, hạn chế việc sao chép nội dung nghiên cứu trước đó. Thời gian gần đây, được sự quan tâm và ủng hộ của trường, khoa chú ý cải tiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giảng dạy và học tập… qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, lãnh đạo Trường ĐHCT còn quan tâm "nâng tầm" đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hiện trường có 295 cán bộ trình độ tiến sĩ (trong đó có 8 Giáo sư và 93 Phó giáo sư), đảm bảo phục vụ đào tạo sau ĐH. Nghị quyết Đảng ủy Trường ĐHCT nhiệm kỳ 2010-2015 khẳng định, đào tạo sau ĐH là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường; định hướng 2020 đặt mục tiêu đẩy mạnh đào tạo sau ĐH. Theo kế hoạch chiến lược của trường, từ nay đến năm 2022, sẽ mở thêm 42 ngành trình độ thạc sĩ, 16 ngành trình độ tiến sĩ; trong đó có 2 ngành thạc sĩ và 3 ngành tiến sĩ đào tạo bằng tiếng Anh. Vì thế, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đã và đang tập trung mọi nguồn lực để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bậc sau ĐH, được xem là thế mạnh, giúp trường giữ vai trò là trường ĐH trọng điểm khu vực ĐBSCL.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết