08/05/2009 - 22:12

Tạo bứt phá trong đào tạo nghề cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long

Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho biết, ở nhiều nước, nông dân được đào tạo bài bản, được cấp bằng hẳn hoi mới “trở thành” nông dân. Còn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nông dân là đối tượng chưa được học nghề nhiều nhất. Đó là nhược điểm lớn nhất của nông dân ĐBSCL khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

NÔNG DÂN PHẢI HỌC NGHỀ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), có nhiều thách thức đối với nông nghiệp và nông dân ĐBSCL trong tiến trình gia nhập WTO. Đại bộ phận nông dân còn nghèo, sản xuất nhỏ lẻ do thiếu vốn, sự hiểu biết, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Họ lại không có thói quen hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên càng khó đưa sản phẩm ra thị trường. Thực trạng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL hiện nay là hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm, giá thành cao, không ổn định, khó cạnh tranh với những nước trong khu vực.

Người lao động phường Thới An Đông, quận Bình Thủy tham gia học nghề sửa chữa xe gắn máy miễn phí. Ảnh: PHƯƠNG MAI 

Phó Giáo sư Đào Công Tiến (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM) chỉ ra nghịch lý đang cản trở phát triển của ĐBSCL là cả vùng đóng góp tới 17% GDP, 92% sản lượng lương thực và 66% sản lượng thủy sản của cả nước nhưng vẫn còn khoảng 10% dân số mù chữ và tái mù chữ, 80% người lao động chưa qua đào tạo, tập trung ở những người nông dân chân lấm tay bùn. Nghịch lý trên dù khó chấp nhận nhưng trên thực tế đã diễn ra nhiều năm qua.

Bài học từ các năm trước cho thấy, nếu nông dân được đào tạo, dạy nghề bài bản, họ sẽ không “xé rào” xuống giống lúa xuân hè vì đây là “môi trường béo bở” để rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tiếp tục hoành hành. Được học nghề, nông dân biết trồng mía, nuôi tôm sú rải vụ, không dẫn đến cảnh khủng hoảng thừa cục bộ. Họ cũng sẽ ý thức được mối liên kết sản xuất, gắn với các tổ chức nghề nghiệp. Nhu cầu liên kết sản xuất, buôn bán của nông dân ở ĐBSCL ngày càng lớn nhưng hầu như chưa được địa phương nào đáp ứng. Ngoài ra, nhu cầu thông tin giá cả, thị trường, hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản, đóng gói bao bì... cũng tăng nhưng chưa được quan tâm, đáp ứng đầy đủ. Có thể nói, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, lo lắng, lúng túng... đang là hiện trạng chung của nhiều nông dân khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.

Làm sao để sản xuất ra số lượng nông sản lớn, giá thành hạ, chất lượng sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, việc huấn luyện nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sẽ quyết định sống còn cho nông sản ĐBSCL khi tham gia vào các thị trường khó tính. Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân cảnh báo: “Nếu chúng ta không khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, tổ chức lại quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản ngang tầm quốc tế thì sẽ không còn kịp, có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi nông sản nước ngoài tràn vào”. Ông cũng nêu ý kiến cần đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp để giảm giá thành và đầu tư phát triển thị trường nông sản. Đầu tư gấp rút và ưu tiên cho việc cải tiến các chương trình khuyến nông, đào tạo cho nông dân những kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu.

ĐA DẠNG HÓA ĐÀO TẠO NGHỀ

Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn tất đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực nông thôn với 3 đề án thành phần là: Đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; Dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo; Nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn. Một trong những công việc quan trọng cần làm là rà soát lại danh sách các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, xác định các ngành nghề cần đào tạo, đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu về mức kinh phí, quy mô cho các cơ sở tham gia đào tạo. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trong dự thảo danh mục nghề ngắn hạn có các ngành nghề đào tạo gồm: kỹ thuật nông lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, thú y bảo vệ thực vật, chế biến nông lâm thủy sản, cơ điện nông thôn, nghiệp vụ quản lý nông nghiệp với khoảng 126 nghề; thời gian đào tạo tùy theo ngành nghề, dao động từ 4-16 tuần.

Theo đề án, Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ xây dựng các chương trình dạy nghề ngắn hạn trong giai đoạn 2009-2011 với tổng kinh phí khoảng 7,5 tỉ đồng. Căn cứ vào nhu cầu đào tạo nghề của từng tỉnh, thành phố, Bộ thống nhất với Bộ Tài chính về hình thức, cách thức phát hành và thanh toán “thẻ học nghề nông nghiệp” do Bộ Tài chính phân bổ với tổng kinh phí hàng năm ước khoảng 150 tỉ đồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, một trong những người đề xuất ý tưởng này cho biết, đây là cách làm mới với mục đích cấp kinh phí đào tạo trực tiếp cho cơ sở đào tạo thông qua người học. Nếu người học có nhu cầu học các nghề nông nghiệp theo lựa chọn thì sẽ được cấp “thẻ học nghề nông nghiệp” có giá trị tùy theo ngành nghề và thời gian đào tạo; họ nộp thẻ tại các cơ sở có đào tạo các nghề nông nghiệp để được đào tạo theo yêu cầu. Sau đó các cơ sở đào tạo thanh quyết toán kinh phí đào tạo với Kho bạc Nhà nước căn cứ vào số lượng “thẻ học nghề nông nghiệp”. Hình thức phát hành thẻ học nghề là “quy trình khép kín”, giảm thiểu những tiêu cực phát sinh và thuận lợi tối đa cho người lao động nông thôn được tiếp cận học nghề nhanh chóng, thuận lợi theo nhu cầu.

Theo ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư quốc gia, nhiều năm qua, Bộ LĐ- TB&XH là cơ quan chủ quản cùng nhiều bộ ngành, nhiều cấp từ T.Ư đến địa phương đã tham gia đào tạo nghề cho nông dân. Qua nhiều năm và nhiều kênh đào tạo, các cơ quan chức năng nhìn lại, đánh giá kết quả đào tạo nghề cho nông dân để trình lên Chính phủ đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động ở nông thôn. Để đề án có hiệu quả, ông Tống Khiêm đề xuất: Thay vì cấp vốn đào tạo cho cơ sở dạy nghề thì nên phát phiếu hay tích kê có mệnh giá tiền cho nông dân để họ tự chọn cơ sở dạy nghề. Ví như người nông dân muốn thâm canh các giống lúa mới, ở phía Nam, có thể tìm đến Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL; ở phía Bắc có thể đến Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hay mời thầy dạy là các chuyên gia giỏi của các Trung tâm Khuyến nông, các chuyên gia của công ty giống cây trồng. Người học nghề cũng có thể đến trang trại của các nông dân làm kinh tế giỏi để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, làm nấm, trồng hoa, chế biến nông sản.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đề án được xác định cho 3 giai đoạn: Giai đoạn 2009-2010 một mặt tiếp tục thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo đến năm 2010 (khoảng 800.000 người trong 2 năm 2009-2010), mặt khác thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai đại trà cho các giai đoạn tiếp. Giai đoạn 2011-2015: Đào tạo nghề cho 5.200.000 lao động nông thôn. Giai đoạn 2016-2020  đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, đào tạo chuyên sâu cho 500.000 lượt cán bộ, công chức xã.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến là 32.679 tỉ đồng, gồm: Kinh phí dạy nghề lao động nông thôn: 31.153 tỉ đồng (trong đó 25.551 tỉ đồng để chi hỗ trợ nông dân học nghề; 5.105 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề huyện). Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 1.526 tỉ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang sớm hoàn thiện đề án hết sức quan trọng và thiết thực này để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 7-2009.

Chia sẻ bài viết