22/06/2010 - 22:41

DẠY NGHỀ THEO NHU CẦU DOANH NGHIỆP

Tăng cường gắn kết trách nhiệm "ba nhà"

Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ tiếp tục được đặt ra, nhất là trong bối cảnh TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I. Trong đó, sự cần thiết tăng cường gắn kết mối quan hệ “3 nhà”: Nhà nước, đơn vị đào tạo và DN được thường xuyên đề cập để tìm ra các giải pháp hữu hiệu đào tạo nguồn lao động phục vụ sự phát triển của thành phố. Phóng viên Báo Cần Thơ đã lược ghi ý kiến của đại diện ngành, đơn vị chức năng về vấn đề này…

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ: ĐƠN VỊ ĐÀO TẠO VÀ DN CẦN THỎA THUẬN VỀ NHU CẦU ĐÀO TẠO

 

- Thời gian qua, công tác đào tạo nghề theo nhu cầu DN luôn được ngành chức năng thành phố quan tâm, thông qua ký kết hợp đồng đào tạo với các công ty xuất khẩu lao động, Vinasin Cần Thơ - Hậu Giang, Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất... Các DN đăng ký ngành nghề, số lượng học viên cần đào tạo hoặc đào tạo theo hình thức đơn đặt hàng... Từ năm 2004 đến nay đã đào tạo sơ cấp và trung cấp trên 5.000 học viên với nhiều ngành nghề khác nhau, phục vụ nhu cầu tuyển dụng của một số DN. Hình thức đào tạo này góp phần giúp doanh nghiệp có nguồn cung lao động, người lao động có việc làm sau học nghề, nâng dần tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.

Tuy nhiên, sự phối hợp không được liên tục, một mặt do DN không có nhu cầu đào tạo, mặt khác, công nhân hay chuyển nghề hoặc bỏ việc. Bên cạnh đó, một số trường nghề còn nặng đào tạo lý thuyết, máy móc thiết bị dạy nghề lạc hậu so với sự phát triển của DN.

Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đang tổ chức điều tra nhu cầu lao động qua đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có dự báo về số lượng, ngành nghề của các đơn vị có nhu cầu, Sở sẽ thông báo để các quận, huyện đăng ký đào tạo và làm việc tại các DN. Mặt khác, Sở tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo với các DN; nghiên cứu kế hoạch tổ chức các hội thảo, tọa đàm để trường nghề và các DN có điều kiện gặp gỡ, trao đổi đi đến thỏa thuận đào tạo. Để thu hút lao động vào làm việc, DN phải tạo điều kiện cho người lao động có môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định và thăng tiến trong nghề nghiệp. Các cơ sở dạy nghề mở lớp trên cơ sở nhu cầu lao động của DN, mua sắm thiết bị dạy nghề phù hợp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ: CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC PHẢI LÀ “CẦU NỐI” MẬT THIẾT

 

- Việc kết hợp giữa trường nghề và DN là cần thiết, hợp lý, góp phần đạt hiệu quả dạy nghề, giải quyết việc làm. Trường nghề luôn mong muốn kết hợp với các DN trong đào tạo nghề, tạo điều kiện cho học sinh thực tập, làm quen với môi trường làm việc, vận dụng kiến thức đã học qua thao tác trên trang thiết bị tại DN và từng bước hoàn thiện nhân cách người lao động. Theo chương trình khung, nhà trường phải trang bị cho học sinh kiến thức toàn diện, để khi ra trường, học sinh có nhiều cơ hội tìm việc làm, không thể tập trung đào tạo riêng nếu như không có yêu cầu từ phía DN.

Có rất nhiều phương án để DN và trường nghề kết hợp đào nghề như: trực tiếp đặt hàng đào tạo cụ thể về số lượng, ngành nghề; tuyển chọn lao động, nhà trường sẽ trang bị thêm tay nghề sát với nhu cầu của DN... Thời gian qua, DN chưa thật sự quan tâm đến việc đào tạo và rất ít DN đặt hàng đào tạo với nhà trường, đa số chỉ tự tuyển dụng lao động sau đào tạo.

Sắp tới, ngành chức năng phải là “cầu nối” quan trọng giữa DN với các đơn vị đào tạo. Theo đó, cần có qui chế rõ ràng trách nhiệm của DN phải phối hợp chặt chẽ với trường nghề trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho các đơn vị gặp nhau, nắm được nhu cầu nguồn nhân lực. Đồng thời, thành phố phải xây dựng cơ quan dự báo lao động cấp vùng, dự báo kịp thời và chính xác nhu cầu nguồn lao động, quảng bá rộng rãi thông tin cung cầu lao động của trường nghề và DN để đáp ứng nhu cầu các đơn vị, cá nhân.

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ: XÂY DỰNG THÁI ĐỘ, MỤC TIÊU HỌC TẬP, VIỆC LÀM ĐÚNG ĐẮN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

- Trong cơ chế thị trường sức lao động, DN và người lao động có quyền “chọn mặt gởi vàng”. DN luôn mong mỏi tuyển được những cộng sự có năng lực, trách nhiệm và gắn bó với DN; còn người lao động lại muốn tìm những DN quản lý chuyên nghiệp, có chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện giúp nhân viên tiến bộ, thăng tiến. Các đơn vị đào tạo thường dạy theo giáo trình chung, không thường xuyên cập nhật trong khi nhu cầu của DN phát triển từng ngày. Vì vậy, trường nghề và DN phải có kế hoạch thường xuyên trao đổi, nắm bắt nhu cầu để đào tạo đúng hướng xã hội và DN cần. Thời gian qua, với chức năng của mình, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ luôn chú trọng đào tạo kỹ năng theo yêu cầu DN, chủ yếu là cung cấp và bổ sung những kỹ năng cần thiết cho người lao động.

Ở đây, cần bàn đến thái độ, động cơ học nghề của người lao động, Như trên đã nói, hiện nay, DN chú trọng tuyển dụng ứng viên biết làm việc và làm được việc. Chính vì vậy, ngoài việc đào tạo chuyên ngành, chuyên môn, trường nghề cần trang bị cho học sinh ý thức xây dựng mục tiêu, thái độ học tập, việc làm đúng đắn, rõ ràng để có thể sẵn sàng nhận việc, trải nghiệm, chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm cũng như đóng góp cho sự phát triển của DN.

Ông Đào Minh Lợi, Quyền Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thới Lai:
HÀI HÒA NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI GIỮA TRƯỜNG NGHỀ VÀ DN

 

- Thời gian qua, việc gắn kết đào tạo nguồn lao động có tay nghề giữa Trường nghề và DN chưa thật sự rõ nét. Trước đây, khi còn là Trung tâm dạy nghề cũng chỉ thực hiện hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho vài đơn vị với số lượng nhỏ. Trung tâm lên kế hoạch đào tạo còn DN tự phỏng vấn tuyển dụng và đào tạo lại tại DN.

Sắp tới, Trường nghề cần được tiếp cận thông tin thị trường lao động cụ thể với nhiều ngành nghề phù hợp nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề. Đồng thời, thiết lập mối liên kết đào tạo giữa trường nghề và DN; thỏa thuận việc tổ chức thực tập, thực hành cho học sinh tại DN. Trong quá trình dạy nghề, mỗi bên có trách nhiệm theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến về chương trình, nội dung giảng dạy sát với nhu cầu thực tế. Trường nghề chủ động hợp tác đào tạo lao động cho DN theo nhiều cấp độ, nhiều hình thức. DN thể hiện sự hợp tác và hỗ trợ trường nghề để đạt mục tiêu đào tạo. Ngành chức năng cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để khơi gợi tinh thần trách nhiệm của trường nghề và DN trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu: TRƯỜNG NGHỀ PHẢI CHỦ ĐỘNG HỢP TÁC VỚI DN

 

- Đào tạo nghề theo nhu cầu DN và tạo việc làm ổn định cho học sinh sau khi tốt nghiệp là mục đích cuối cùng của sự kết hợp giữa trường nghề và DN trong đào tạo nghề và hiệu quả đáng ghi nhận là tránh lãng phí và nâng chất lượng nguồn nhân lực. Khi trường nghề và DN có sự trao đổi, thống nhất trong quá trình đào tạo, học sinh có thể an tâm nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn và có việc làm ổn định sau khi ra trường. Quan điểm tuyển dụng của DN là không chú trọng bằng cấp mà đề cao lòng yêu nghề, thật thà, chịu khó và gắn bó với DN. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin nhu cầu DN, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp tình hình thực tế của DN, của xã hội, trường nghề còn phải chú trọng hướng nghiệp, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, sự cầu tiến cho học sinh. Theo chúng tôi, chương trình đào tạo của nhà trường cần phải sát thực tế, sinh động, trực quan và cần dành thời gian cho học sinh thực tập tại DN để học sinh làm quen với hệ thống máy móc, kỷ luật lao động và môi trường làm việc.

Chúng tôi luôn quan tâm phát hiện, nuôi dưỡng lòng đam mê nghề và phân công người kèm cặp nâng cao tay nghề giúp người lao động làm quen với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại tại cơ sở để người lao động tiến bộ, vững vàng hơn. Trường nghề cần thông qua Hội, đoàn hoặc chủ động liên hệ với các DN nắm bắt nhu cầu tuyển dụng thực tế cũng như trao đổi, thỏa thuận với DN để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Đó cũng là điều kiện kích thích tinh thần học tập của học sinh trường nghề.

ANH PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết