Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp - Quản lý - Đào tạo lĩnh vực kỹ thuật xây dựng ĐBSCL” do Khoa Công nghệ (Trường Đại học Cần Thơ - ĐHCT) tổ chức cuối tháng 10-2014. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài ĐBSCL trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm giảng dạy lĩnh vực xây dựng. Qua đó, Khoa Công nghệ có thể định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực kỹ thuật xây dựng thời gian tới
* NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO
|
Khoa Công nghệ - Trường Đại học Cần Thơ trang bị máy cơ giới, phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo. |
Khoa Công nghệ chịu trách nhiệm đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ĐBSCL và cả nước. Theo Ban chủ nhiệm khoa Công nghệ, năm 1977, Khoa Thủy nông & Cải tạo đất và Khoa Cơ khí nông nghiệp được thành lập. Để phù hợp với tình hình mới, năm 1995, Trường ĐHCT quyết định hợp nhất 2 khoa, đổi tên thành Khoa Công nghệ. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khoa Công nghệ có 42 phòng thí nghiệm và thực hành, 11 phòng học lý thuyết, 4 phòng máy vi tính, trên 15.000 đầu sách, tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo 13 chuyên ngành bậc đại học và liên kết đào tạo 6 chuyên ngành bậc cao học. Điểm mạnh của khoa là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các lĩnh vực kỹ thuật như: xây dựng, cơ khí, điện và điện tử, tự động; lĩnh vực công nghệ như: dân dụng, hóa học và vật liệu. Khoa đã thực hiện hơn 30 dự án hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế trong hoạt động chuyên ngành, chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn, thiết kế...
Tiến sĩ Trương Chí Thành, Phó trưởng khoa Công nghệ, cho biết: “Trong thời gian đào tạo 4,5 năm, sinh viên có điều kiện tiếp cận các phương pháp mới, thực tập trong các phòng thí nghiệm hiện đại và tham quan các công ty, nhà máy công nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận thực tế sau khi tốt nghiệp. Thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao và cơ sở vật chất hiện đại, khoa tập trung đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cao, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.
Bộ môn Quản lý công nghiệp (thuộc Khoa Công nghệ) đào tạo ngành quản lý công nghiệp, trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng để phát hiện, đề xuất và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành. Kỹ sư ngành quản lý công nghiệp có thể tham gia nghiên cứu, thiết kế, phát triển, điều hành - quản lý, cải thiện và tái thiết kế các hệ thống công nghiệp cũng như trợ giúp ra quyết định cho nhà quản lý... Hằng năm, bộ môn tuyển vào 100 sinh viên hệ chính quy; bình quân khoảng 80 sinh viên tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho ĐBSCL. Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng đã và đang đảm trách đào tạo hàng ngàn kỹ sư xây dựng và tham gia tư vấn (thiết kế, thi công, quản lý dự án) cho các dự án đầu tư xây dựng. Bộ môn thường xuyên tham gia giải quyết những vấn đề liên quan công trình xây dựng khu vực ĐBSCL và các dự án quốc tế như: Cầu Mỹ Thuận, Cầu Cần Thơ, Khí điện đạm Cà Mau, Nhiệt điện Ô Môn...
* ĐÁP ỨNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Khoa Công nghệ luôn quan tâm công tác đào tạo, hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ĐBSCL, nắm rõ yêu cầu doanh nghiệp, trao đổi, chia sẻ và nắm bắt kịp thời những tiến bộ kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, Khoa Công nghệ tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp - Quản lý - Đào tạo lĩnh vực kỹ thuật xây dựng ĐBSCL” như diễn đàn trao đổi, hợp tác lĩnh vực kỹ thuật xây dựng giữa các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ĐBSCL. Hội thảo cũng giới thiệu những kết quả nghiên cứu và các sản phẩm mới ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất lĩnh vực kỹ thuật xây dựng.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi những kết quả nghiên cứu và các sản phẩm mới ứng dụng trong thực tiễn như: giải pháp cách mạng trong xây dựng chung cư; tình hình sản xuất, sử dụng vật liệu không nung trong thành phố; các công nghệ xanh trong sản xuất vật liệu xây dựng; dự báo độ lún mặt đất và xâm nhập mặn khi khai thác nước ngầm ở tỉnh Trà Vinh; nghiên cứu sự thay đổi cường độ của đất trộn vôi kết hợp với xi măng ở TP Cần Thơ... Tiến sĩ Trương Chí Thành cho biết thêm: “ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông thủy, bộ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, điều kiện địa chất không thuận lợi trong xây dựng, nhất là các công trình lớn. Nguyên nhân do ĐBSCL tồn tại lớp đất yếu có độ dày lớn. Do đó, “tuổi thọ” các công trình xây dựng thường không cao và gặp nhiều sự cố như: lún, lệch và sạt lở đối với các công trình ven sông... Những nghiên cứu trên được ứng dụng thiết thực, nối kết 3 nhà: Doanh nghiệp - Quản lý - Đào tạo lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, tạo nguồn lực khoa học công nghệ vùng ĐBSCL”.
Thời gian tới, Khoa Công nghệ sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế để đến năm 2017, trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam; chương trình đào tạo bậc đại học đạt chuẩn AUN (chuẩn chất lượng đào tạo Đông Nam Á); tự chủ đào tạo một số ngành bậc thạc sĩ và tiếp cận tự chủ đào tạo bậc tiến sĩ; liên kết đào tạo quốc tế... Đến năm 2025, khoa có một số chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET (chuẩn chất lượng đào tạo kỹ thuật Hoa Kỳ), thu hút lực lượng sinh viên quốc tế; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiếp cận các viện, trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Bài, ảnh: HÀ VĂN