07/06/2009 - 22:01

"Tam nông" ở ĐBSCL - Nhìn từ góc độ phát triển làng nghề

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 211 làng nghề tiểu thủ công. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, các làng nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn phải đương đầu, trong đó trên 80% không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, lao động thiếu, công tác xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm còn yếu... Nhiều làng nghề ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ mai một dần.

Góp phần phát triển nông thôn

Sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống ở ĐBSCL đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động ( NLĐ). Sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mỗi năm; nhiều cơ sở sản xuất tại một số làng nghề đã bước đầu khẳng định được uy tín chất lượng và thương hiệu hàng hóa của mình đối với khách hàng trong nước và quốc tế...

Làng nghề sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: HỒNG MINH 

Ở ĐBSCL hiện có nhiều làng nghề truyền thống đã trở thành nét đặc trưng riêng cho từng địa phương, như: An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt; Vĩnh Long có nghề làm gốm; Sóc Trăng có bánh pía, lạp xưởng; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa... Các làng nghề thủ công mỹ nghệ ĐBSCL thời gian qua mang lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng và đem về hàng chục triệu USD thông qua xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 50 nước trên thế giới, đồng thời tạo việc làm cho một lượng lớn lao động nông nhàn ở nông thôn. Thu nhập của người lao động tham gia vào các làng nghề tăng gấp 3-4 lần so với khoản thu nhập mà họ chỉ duy nhất làm nông nghiệp. Qua so sánh cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực có làng nghề thấp hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng có nghề làm hàng mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, lá buông, lác... giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động nông thôn . Thu nhập bình quân của NLĐ làm hàng mỹ nghệ từ lục bình, bẹ chuối... chỉ 20.000-25.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh nông thôn đang thiếu việc làm, đây là khoản thu nhập đáng kể; NLĐ lại có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi và hầu như học nghề rồi ai cũng có thể làm được. Vì vậy, lao động (LĐ) nông thôn vùng ĐBSCL theo nghề này khá đông.

Tiêu biểu như HTX Ngọc Bích (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thu hút trên 4.000 LĐ , hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm với trên 200 mặt hàng từ lục bình, bẹ chuối, lác khía... Cơ sở Vĩnh Thịnh (Tiền Giang) cũng tạo việc làm cho hàng ngàn LĐ. Số HTX làm hàng mỹ nghệ từ “cỏ rác” quy mô nhỏ nhưng giải quyết việc làm cho vài trăm LĐ ở ĐBSCL khá nhiều. Đáng kể nhất là Công ty CP sản xuất-kinh doanh XNK Vĩnh Long, ngoài 1.000 LĐ tại đơn vị, còn tạo ra việc làm cho khoảng 10.000 LĐ từ các cơ sở vệ tinh; trong đó riêng Trà Vinh đã có 10 HTX. Tại Vĩnh Long, chỉ ở xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) có khoảng 1.000 LĐ theo nghề đan thảm lục bình với thu nhập gần 1 triệu đồng/người/tháng...Các loại thảm, dép, bàn ghế, giỏ xách, tủ nhà bếp... làm từ nguyên liệu “cỏ rác” ở ĐBSCL đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số quốc gia Châu Âu.... Chỉ riêng Công ty CP sản xuất-kinh doanh XNK Vĩnh Long bình quân thu về xấp xỉ 15 triệu USD/năm. Có những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hơn, kim ngạch xuất khẩu hàng mỹ nghệ cũng đạt đến vài trăm ngàn USD/năm...

Tuy nhiên thời gian gần đây, một số cơ sở làm hàng mỹ nghệ ở An Giang, Tiền Giang... không tìm được đơn hàng hoặc “đối tác” trả giá quá thấp. Nếu không kiếm được hợp đồng mới, không lâu nữa hàng ngàn LĐ nghề này sẽ thiếu hoặc mất việc làm.

Khó khăn và thách thức

Làng nghề thủ công mỹ nghệ ở ĐBSCL hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến khó phát triển bền vững. Nguyên nhân, phần lớn các làng nghề vẫn mang tính tự phát, trình độ sản xuất lạc hậu. Trên 80% làng nghề không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, nên lượng sản phẩm làm ra ít, không đủ cung cấp khi đối tác cần số lượng lớn, đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Một số các làng nghề sản xuất không ổn định do thiếu nguyên liệu, khoảng 35% số cơ sở ở nông thôn thiếu nguyên liệu trầm trọng. Tỉnh Bến Tre có rất nhiều làng nghề như: sản xuất kẹo, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng làm lu, sản xuất rượu Phú Lễ, sản xuất chiếu, làng kiềm kéo.... với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Thế nhưng, chỉ một số ít nghề như sản xuất kẹo, sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu nhờ chủ cơ sở làm ăn lớn, có vốn và biết tính xa nên quan tâm đổi mới cải tiến công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cũng giống như làng nghề ở các tỉnh khác, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm ở Vĩnh Long thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật làm gốm và thông tin thị trường còn nhiều hạn chế. Dù tỉnh đã thành lập được Hội nghề gốm xuất khẩu, nhưng vẫn còn tình trạng các cơ sở chưa phối hợp nhau, còn cạnh tranh theo kiểu không lành mạnh như hạ giá bán để lôi kéo khách hàng về phía mình, làm ảnh hưởng đến những hộ sản xuất khác.

Có một thực tế là hiện nay ở ĐBSCL số làng nghề sản xuất - kinh doanh ổn định, “ăn nên làm ra” trong tình hình chưa nhiều. Sau một quá trình hoạt động, nhiều làng nghề rơi vào tình cảnh lay lắt. Yếu kém chung của nhiều LN là thiếu vốn, thiếu thông tin, thiết bị - máy móc lạc hậu và sản phẩm ngày càng khó tìm “đầu ra” do tính cạnh tranh kém.

Làm thế nào để duy trì sản xuất trong bối cảnh “đầu ra” khó khăn đang là bài toán khó của nhiều cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ ở ĐBSCL hiện nay. Nếu không có giải pháp để duy trì và phát triển làng nghề, sẽ dẫn đến LĐ tản mát kiếm việc khác mưu sinh, sau này cơ hội làm ăn trở lại khi nền kinh tế ở nhiều nước phục hồi, thì việc tập hợp lại LĐ có nghề không thể làm được trong ngày một ngày hai...

Liên kết phát triển bền vững

Nguyên nhân của các yếu kém trên là do các làng nghề ở ĐBSCL chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc mở rộng qui mô sản xuất, truyền nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Kiểu dáng, chất lượng sản phẩm ở các làng nghề còn kém. Công tác đăng ký thương hiệu, quảng bá cải tiến chất lượng sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Trần Văn Rón, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Vĩnh Long, cho rằng có 4 yếu tố: tài nguyên, lao động, công nghệ và chất xám là những tiêu chí cơ bản để làng nghề phát triển bền vững trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế, nhiều làng nghề bị mất đi hoặc mai một do thiếu đầu tư công nghệ và không có nguồn lực chất xám chi phối.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết: “Để giúp làng hoa Sa Đéc sớm hội nhập, gần đây Hội đã tạo điều kiện cho hội viên và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ hoa kiểng tìm hiểu thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua các lớp tập huấn, hội thảo khoa học, hội thi, cử thành viên đi nước ngoài tìm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ...”.

Trao đổi xung quanh vấn đề tìm hướng đi phù hợp và hỗ trợ những làng nghề có tiềm năng của địa phương phát triển, ông Đỗ Hoàng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay tỉnh đã trích nguồn ngân sách gần 250 triệu đồng để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm bánh phồng nếp, mì; đầu tư thiết bị chuốt cọng dừa, chẻ nang phục vụ sản xuất giỏ xách bằng cọng lá dừa. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn giao nhiệm vụ cho Trung tâm thực hiện 3 dự án với kinh phí 125 triệu đồng, nhằm đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cọng lá dừa; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu xuất khẩu và đào tạo thợ giỏi sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ngoài ra, Bến Tre còn mở lớp đào tạo nghề, thợ giỏi, huấn luyện kỹ năng thiết kế mẫu cho 200 lao động và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu xuất khẩu, để sau đó tổ chức nhân rộng ra các địa phương. Còn đối với Sóc Trăng, bước đầu tỉnh đã có hướng đi phù hợp để giữ gìn và phát huy sản phẩm nổi tiếng bánh pía, lạp xưởng. Theo ông Nguyễn Hồng Phi - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng, bánh pía, lạp xưởng Sóc Trăng đang có hướng phát triển tốt và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thương trường. Các cơ sở sản xuất bánh đã liên kết lại với nhau thành lập câu lạc bộ và cùng giúp nhau trong sản xuất, thông tin thị trường. Với chương trình khuyến công, Sở Công nghiệp cũng đã xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm bánh pía – lạp xưởng Sóc Trăng, từ đó các thành viên trong câu lạc bộ sử dụng thương hiệu chung này để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã đổi mới trang thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP. Đây là hướng đầu tư đúng đắn, vì vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố hàng đầu để cạnh tranh trên thương trường khi hội nhập...

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng, làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ ở nước ta nếu muốn phát triển vững chắc trong bối cảnh hội nhập, cần liên kết lại với nhau. Đó là xu hướng tất yếu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập đề án chương trình phát triển “mỗi làng một nghề” giai đoạn 2006-2015, nhằm tạo ra phong trào rộng khắp cả nước phát huy lợi thế, tiềm năng của các địa phương về ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Qua đó, thu hút và tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nhiều “nhà” như: “nhà nước”, “nhà kinh doanh”, “nhà khoa học”, “nhà văn hóa”, “nhà thiết kế mỹ thuật”, “nhà du lịch”... Trong đó, mối quan hệ giữa các hộ làm nghề, cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo của mối liên kết.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết