05/03/2016 - 09:59

Ông Trần Thanh Thưởng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh:

Sẽ tôn tạo, giữ nước ở Ao Bà Om

Trước tình hình khô hạn kéo dài ở Nam bộ, Di tích Danh thắng cấp quốc gia Ao Bà Om (tỉnh Trà Vinh) bị cạn nước, trơ đáy. Nhiều ngày qua, có nhiều luồng thông tin sai sự thật về cách các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh xử lý tình trạng này. Để hiểu rõ hơn về tình hình và biện pháp khắc phục tình trạng khô hạn ở Ao Bà Om, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Thưởng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh.

* Thưa ông, gần đây có thông tin cho rằng ngành chức năng tỉnh Trà Vinh sẽ lấp Ao Bà Om. Xin ông nói lại rõ hơn về vấn đề này?

- Tôi xin khẳng định ngay: Hoàn toàn không có chuyện lấp Ao Bà Om. Ao Bà Om là Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994 (loại hình Danh lam thắng cảnh - PV), nên việc nạo vét, cải tạo ao, chúng tôi cần phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự đồng thuận của cán bộ, sư sãi là người Khmer của tỉnh nhà, chứ đừng nói việc lấp ao. Hơn nữa, Ao Bà Om là danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng của Trà Vinh, là niềm tự hào của quê hương Trà Vinh thì không có bất cứ lý do gì để làm việc đó.

Một góc Ao Bà Om lúc mặt nước còn đầy. Ảnh: DUY KHÔI

* Xin ông thông tin về cách xử lý cá trong Ao Bà Om khi ao đang cạn nước?

- Vì nước quá cạn, nguy cơ cá trong ao sẽ chết nên ngày 1-3 vừa qua, chúng tôi đã tiến hành cho kéo và bắt cá ở Ao Bà Om. Số cá bắt được chúng tôi chuyển vào thả tạm tại hồ bên trong Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh và hồ ở Đền thờ Bác Hồ để chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi Ao Bà Om đã có nước đầy, môi trường tự nhiên đảm bảo, chúng tôi sẽ đem cá về thả lại ao. Không có việc bắt cá đem bán như một số tin đồn thất thiệt.

* Theo ông, việc Ao Bà Om năm nay cạn nước sớm và gay gắt hơn mọi năm là do đâu và phương hướng khắc phục của địa phương là gì?

- Theo tôi, đó là do hiện tượng tự nhiên. Nước trữ trong ao chủ yếu là nước mưa; do tình hình chung của hạn hán năm nay nên ao không còn đủ nước. Mặt khác, thời gian lâu năm và không thường xuyên nạo vét, Ao Bà Om bị bồi lắng từ đất, cát và lá cây rụng xuống.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh có kế hoạch nạo vét ao, sau đó làm kè xung quanh ao để chống sạt lở và giữ nước trong ao đầy quanh năm; trồng sen nhằm tạo môi trường tự nhiên thuận lợi thu hút các loài chim, cá đến trú ngụ; đồng thời tạo cảnh quan đẹp để phục vụ khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Dự kiến năm 2016, Sở sẽ xin chủ trương UBND tỉnh Trà Vinh và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nếu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, chúng tôi sẽ lập đề án, tổ chức hội thảo tranh thủ sự đồng thuận của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer trong tỉnh để tiến hành thực hiện đề án trên.

* Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Ao Bà Om thuộc địa bàn TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, còn được gọi là Ao Vuông vì có hình dáng gần giống hình vuông (500x300m). Lúc đầy nước, mặt ao được điểm xuyết bởi những vạt cỏ năn xanh mướt, sen, súng nở hoa rất đẹp và thơ mộng. Bao bọc xung quanh ao là những gò cát chông chênh với gần 500 gốc sao, dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ. Hằng năm, Ao Bà Om thu hút rất đông du khách, đặc biệt là vào dịp Lễ hội OK-Om-Bok hằng năm, hàng ngàn bà con và du khách tụ hội về Ao Bà Om vui chơi, nhảy múa, thả hoa đăng... tạo nên nét văn hóa rất riêng của Ao Bà Om.

Chia sẻ bài viết