15/01/2011 - 21:33

Hội nghị Cụm đô thị Hội viên miền Tây Nam bộ

Sẻ chia kinh nghiệm, nâng cao chất lượng quản lý đô thị...

Hôm qua (15-1-2011), Cụm đô thị Hội viên (CĐTHV) Tây Nam bộ lần đầu tiên tổ chức hội nghị để thống nhất quy chế hoạt động và chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý đô thị, hướng đến phát triển cụm đô thị khu vực ngày một tốt và bền vững hơn ...

* Sẻ chia kinh nghiệm

Hội nghị thường niên của Cụm đô thị Hội viên miền Tây Nam Bộ do TP Cần Thơ được chọn đăng cai tổ chức lần đầu tiên, có 20 đô thị thành viên tham gia gồm: TP Long Xuyên, TX Châu Đốc, TX Tân Châu (tỉnh An Giang), TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Cao Lãnh, TX Sa Đéc, TX Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), TP Vị Thanh, TX Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), TP Rạch Giá, TX Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), TP Tân An (tỉnh Long An), TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP Mỹ Tho, TX Gò Công (tỉnh Tiền Giang), TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và TP Cần Thơ.

Đô thị lý tưởng khi hội đủ yếu tố sông nước, giao thông bộ (ảnh chụp tại hồ Xáng Thổi).

Hội nghị đưa ra dự thảo quy chế hoạt động của cụm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trên tinh thần xây dựng để cùng đưa các đô thị trong cụm học tập kinh nghiệm lẫn nhau, phát triển bền vững. PGS.TS Vũ Thị Vinh, Phó tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cho biết: ĐBSCL là vùng rất rộng lớn, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của cả nước. Việc hình thành CĐTHV Tây Nam Bộ rất cần thiết, TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị khá chu đáo và thành công. Hiện tại, cả nước có 8 cụm đô thị chia theo vùng địa lý, gồm 96 đô thị, từ Cà Mau đến Hà Giang. Việc chia các cụm đô thị theo vùng địa lý rất thuận lợi cho việc sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm quản lý đô thị hoặc xử lý những vấn đề có liên quan theo đặc trưng của mỗi vùng, thay vì mỗi năm các đô thị chỉ gặp nhau một lần (khi Hiệp hội Các đô thị Việt Nam tổ chức hội nghị cả nước). “Những năm gần đây TP Cần Thơ đã có những bước đột phá trong đầu tư phát triển đô thị khang trang sạch đẹp, có định hướng tốt trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. TP Cần Thơ vận dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị một cách linh hoạt, hiệu quả sẽ là nơi để các đô thị trong cụm học tập chia sẻ kinh nghiệm...” - PGS.TS Vũ Thị Vinh nhấn mạnh.

Hội nghị cũng nêu điển hình TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) là đô thị xanh duy nhất được bảo tồn và cần nhân rộng ra cả vùng Tây Nam Bộ. Nhờ chính sách vận động nhân dân tốt, việc bảo vệ và trồng mới cây xanh được người dân đô thị đồng tình ủng hộ... Hay tại TP Cần Thơ, yếu tố phát triển đô thị bền vững được nhiều đại biểu tán đồng. “Quan niệm phát triển bền vững là sự cân bằng hữu cơ, phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Giải quyết được các vấn đề cốt lõi này sẽ phát triển đô thị ổn định, bền vững...” - ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, chia sẻ.

* Cùng quan tâm đến sông rạch

Các đô thị hội viên vùng Tây Nam Bộ có chung đặc điểm địa lý là địa hình sông rạch chằn chịt. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu hết các đô thị chưa dành sự “trân trọng” đúng mức giá trị của hệ thống sông rạch - nó vừa giữ chức năng điều hòa không khí, thoát nước, vận tải hàng hóa... nên nhiều nơi bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tại hội nghị lần này, đơn vị đăng cai đã tổ chức thêm hội thảo Nâng cao vai trò của hệ thống sông rạch trong đô thị vùng ĐBSCL. Với chủ đề khá “nóng” và gắn liền với thực trạng nan giải của các đô thị hội viên đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu với nhiều tham luận đề xuất khắc phục những hạn chế này.

Thạc sĩ - Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, người có nhiều gắn bó với vùng đất ĐBSCL, đề xuất: Người dân ĐBSCL có tập quán thích sống gần sông rạch - “nhất cận thị, nhị cận giang”, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại, sinh hoạt. Sông rạch chính là không gian có giá trị và tạo cảm xúc mạnh nhất cho con người để kết hợp với kiến trúc xây dựng tạo ra những không gian đô thị độc đáo mà nhiều nước trên thế giới đều quí trọng, đó là chưa kể đến những chức năng điều hòa không khí, thoát nước... Tuy nhiên, rất nhiều nơi, kinh rạch biến thành ao tù, ô nhiễm, nên ngay bây giờ phải áp dụng biện pháp ngăn chặn giảm thiểu tình trạng này...

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra những mô hình quản lý, xây dựng đô thị sông nước ở nhiều nơi trên thế giới đã tồn tại hàng ngàn năm để chứng minh rằng giá trị to lớn về mặt văn hóa, tinh thần của sông rạch. Nên khi quy hoạch phát triển đô thị phải dành sự quan tâm - trân trọng đặc biệt đối với sông rạch... Chủ tịch UBND TX Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) - Phan Văn Nhiều, đánh giá: TX Sa Đéc mang đặc trưng sông ngòi dày đặc của ĐBSCL, mỗi nhánh sông tùy theo lớn nhỏ mà có “nhiệm vụ” riêng, có thể chỉ là thông thoát nước, tưới tiêu hay để vận tải hàng hóa. Do đó, dù là một thị xã nhỏ, nhưng địa phương luôn quan tâm và quản lý một cách hiệu quả nhất hệ thống kinh rạch để phát triển ổn định, bền vững, hạn chế và khắc phục những dòng kinh trong nội ô thị xã bị ô nhiễm. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền vận động dân cư cùng bảo vệ môi trường...

Hệ thống sông rạch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh tổng thể khu đô thị. Giá trị cốt lõi của hệ thống mặt nước là việc giữ sự cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, điều tiết lũ, ngăn mặn và cung cấp nguồn tài nguyên thủy hải sản. “Quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự toàn vẹn của cấu trúc hệ thống mặt nước. Do đó, mỗi đô thị cần tập trung nghiên cứu một cách tổng thể sự cân bằng sinh thái của hệ thống sông rạch, đồng thời có biện pháp hạn chế sự can thiệp ảnh hưởng xấu đến cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng đồng bằng” - Thạc sĩ - Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh đề xuất.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết