21/06/2018 - 16:19

Quản lý hiệu quả thời gian học và chơi  

Tác hại của trò chơi trực tuyến (game online) đã được đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, game online không hẳn là hoàn toàn có hại. Chơi game ở mức độ phù hợp (thời gian, trò chơi...) giúp người chơi giải trí, thư giãn đồng thời, có thêm những kiến thức, kỹ năng bổ ích...

Sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP Cần Thơ tìm hiểu lịch sử tại Nhà Truyền thống Sư đoàn 330 ở Chi Lăng, tỉnh An Giang. 

Bất kể đang trong năm học, giai đoạn thi cử hay thời gian nghỉ hè, các tiệm game online vẫn đắt khách và phần lớn là trẻ em. Gần 13 giờ, Lê Nguyễn Hoàng Nhân, sinh viên (SV) năm nhất Trường Đại học Nam Cần Thơ vẫn mải miết chơi game. Khi còn là học sinh THPT, Nhân đã làm bạn với game online. Khi cha, mẹ rầy la, Nhân mới chịu tắt máy tính. Sau khi đến Cần Thơ học, không ai bên cạnh nhắc nhở, Nhân càng "nghiện" game hơn. Gia đình trang bị laptop phục vụ học tập nhưng Nhân "chê" cấu hình không đủ mạnh nên thường ra tiệm Internet gần khu nhà trọ để “cày” game. Hầu như thời gian sau các tiết học trên giảng đường Nhân dành thời gian ăn, ngủ cùng game online, ít đi chơi, giải trí với bạn bè. 

Thời điểm thi kết thúc môn học, những tiệm game gần Trường Đại học Tây Đô vẫn tấp nập bạn trẻ đến chơi và trong đó hầu hết là sinh viên ở trọ gần trường. Chị Dương Minh Nguyệt, bán điểm tâm gần tiệm game, cho biết: “Chủ tiệm game vừa nâng cấp gắn máy lạnh nên đông khách hơn trước. Có SV chơi game cả ngày, hoặc đến 2-3 giờ sáng. Việc dành nhiều thời gian chơi game ảnh hưởng sức khỏe, việc học của các em, trong khi gia đình ở quê không hay biết"...

Hệ lụy từ game online là vấn đề dư luận quan tâm. Những năm qua, cùng nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, ngành Công an, ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố thực hiện các giải pháp quản lý trò chơi trực tuyến. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, tiệm game trực tuyến; thông tin về các hậu quả khi nghiện game online. Tuy nhiên, những giải pháp chủ yếu tập trung vào “nguồn cung”, như: kiểm tra, quản lý hoạt động các điểm kinh doanh Internet, tiệm game online; cắt đường truyền của nhà cung cấp đến các đại lý Internet nếu quá trình kinh doanh vi phạm quy định… Trong khi đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ tác hại của trò chơi trực tuyến phần lớn là học sinh, SV thì chưa thật sự được quan tâm. Giải pháp chủ yếu đối với các đối tượng này vẫn là sự kiểm soát, quản lý giờ giấc sinh hoạt của gia đình.

Theo anh Võ Tuấn Anh, Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, với sự bùng nổ của công nghệ, thanh thiếu nhi dễ dàng tiếp xúc với khối lượng thông tin đa dạng, thay đổi liên tục. Bên cạnh những trò chơi trực tuyến vô bổ, vẫn có những trò chơi trực tuyến mang tính giáo dục có ưu điểm tích cực, phục vụ nâng cao kiến thức. Vì vậy, phụ huynh nên hướng dẫn con em cách sử dụng, khai thác phương tiện công nghệ tại gia đình; định hướng, trang bị những kỹ năng để tiếp nhận thông tin chọn lọc, lành mạnh. Đồng thời phụ huynh cần quan tâm hướng con em tham gia các hoạt động ngoại khóa, có điều kiện phát huy sở thích, đam mê và năng khiếu. Riêng đối với SV, song song tự tìm tòi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng hữu ích trong cuộc sống, nên tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, hay dấn thân để khám phá, học hỏi, thực hiện hoài bão, ước mơ. Mỗi bạn trẻ cần có những quy tắc riêng để quản lý hiệu quả thời gian học tập, giải trí. Yếu tố quan trọng nữa là Đoàn Thanh niên nghiên cứu tổ chức sân chơi thu hút và định hướng tuổi trẻ xây dựng lối sống lành mạnh.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết