18/11/2023 - 08:38

Hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Ngôi Sao - Trạng Tí

Nỗi niềm của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ 

Hệ thống Trường Tư thục Ngôi sao - Trạng Tí, TP Cần Thơ là cơ sở giáo dục hiếm hoi dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ (viết tắt là tự kỷ). Hệ thống hiện tiếp nhận hơn 330 trẻ tự kỷ đang học tập với khung chương trình được thiết kế phù hợp từng lứa tuổi. Ðối với giáo viên chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ, bên cạnh sự kiên trì, khả năng chịu áp lực, tình yêu thương trẻ là “chất keo” giúp người thầy gắn kết với nghề.

Ðội ngũ giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Khuôn viên Trường Mầm non Ngôi Sao (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) từ đầu tuần đến nay rộn rịp hẳn lên. Cô và trò chuẩn bị tập dượt nhiều tiết mục để chuẩn bị buổi họp mặt kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023). Nhìn nụ cười rạng rỡ, động tác thành thục của học trò, giáo viên trường thêm phấn khởi vì các em ngày càng dạn dĩ, tự tin. Ðối với các giáo viên, nhất là giáo viên chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ, chứng kiến sự trưởng thành của học trò; được các học trò yêu thương, quý mến là niềm vui lớn nhất của người thầy. Theo lãnh đạo trường, hiện các trường thuộc hệ thống có 66 giáo viên dạy chuyên biệt, với hơn 330 trẻ tự kỷ đang học tập với khung chương trình được thiết kế phù hợp từng lứa tuổi.

Học sinh tham gia một hoạt động ngoại khóa.

Theo các chuyên gia, trẻ mắc chứng tự kỷ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế, do đó, vai trò và trách nhiệm của giáo viên càng quan trọng hơn. Không chỉ căng thẳng về việc dạy trẻ tự kỷ, hiếu động, giáo viên còn chịu áp lực trước phụ huynh. Mệt mỏi, nhưng khi thấy các em làm được những điều đơn giản như: chủ động học tập, biết làm theo hướng dẫn là các giáo viên như quên bao mệt nhọc. Cũng vì đặc thù công việc nặng nhọc và áp lực nên chỉ những giáo viên vững chuyên môn, yêu trẻ và kiên trì vượt qua khó khăn mới trụ được với nghề. Ðiển hình như cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền, giáo viên chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ, có gần 5 năm gắn bó với nghề. Cô Huyền khẳng định đến với nghề chính là một cái duyên và gắn bó vì nặng lòng với các em. Trước đó, cô Huyền từng theo học ngành Sư phạm Mầm non (Trường Cao đẳng Cần Thơ), từng tiếp xúc với một trẻ tự kỷ khi đi thực tập, biết em bị bạn bè phân biệt đối xử, cô lại càng có thiện cảm về bé. Từ tình yêu trẻ, năm 2018 sau khi tốt nghiệp, cô Huyền xin về trường dạy học.  

Giáo viên trong một khóa tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn.

Theo cô Huyền, lãnh đạo trường thường xuyên tạo điều kiện để cô tham gia các khóa tập huấn, gặp gỡ chuyên gia về giáo dục trẻ tự kỷ, nhờ vậy cô có thêm kiến thức chuyên môn và kỹ năng, đáp ứng việc dạy trẻ tự kỷ. Ðây cũng là tiền đề để cô vượt qua những bỡ ngỡ khi mới vào nghề, gắn bó lâu dài với nghề. Tuy nhiên, nhiều người khi biết cô là giáo viên chuyên biệt đều có chung câu hỏi: “Vì sao chọn dạy trẻ tự kỷ?”, nhưng không vì thế mà cô tủi thân bởi “tôi biết các em cần tôi giúp”. Từ tình yêu thương đã đưa cô Huyền và hàng chục giáo viên dạy chuyên biệt của trường quyết định bám trụ với công việc này.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền trong giờ dạy trẻ tự kỷ.

Theo nhiều giáo viên, khó khăn đầu tiên của công việc dạy học đối với trẻ tự kỷ không chỉ hướng dẫn học sinh mà làm sao để phụ huynh các em chấp nhận sự thật, hợp tác và phối hợp trong chăm sóc và giáo dục trẻ. Do vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức của phụ huynh về chứng tự kỷ rất quan trọng trong quá trình giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh giáo dục kiến thức, Hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Ngôi Sao - Trạng Tí còn quan tâm tạo sân chơi, giúp trẻ phát triển thể chất.

Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp, vì thế trường xây dựng giáo án hay phương pháp cụ thể theo từng lứa tuổi và phương pháp trị liệu riêng. Ðể giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn thì cần thiết phải có sự liên hệ mật thiết giữa phụ huynh và nhà trường về phương pháp và hướng tác động phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau, do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trau dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng dạy. Ðiều mong mỏi của những giáo viên này là các cấp, các ngành có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với giáo viên chuyên biệt bởi đặc thù công việc áp lực, căng thẳng, đồng thời có nhiều chương trình đào tạo, tập huấn phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giúp trẻ tự kỷ vững bước vào đời.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết