03/03/2019 - 14:58

Nỗi niềm bóng đá ĐBSCL 

V.League 2019 đã diễn ra những lượt trận đầu tiên, chính thức đánh dấu sự vắng mặt của các đội bóng ĐBSCL kể từ khi V.League khởi tranh từ năm 2000 đến nay. Những đội bóng mạnh của vùng châu thổ Cửu Long giờ vẫn còn đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho mùa giải hạng Nhất bắt đầu vào tháng 4 tới. Một nỗi niềm lạc lõng cho bóng đá ở khu vực còn chưa có sự chuyển đổi theo kịp sức phát triển chung của đất nước.

Buổi đá tập huấn của các cầu thủ Cần Thơ (trái) với Vĩnh Long chuẩn bị cho mùa giải hạng Nhất 2019. Ảnh: DƯƠNG THU

Buổi đá tập huấn của các cầu thủ Cần Thơ (trái) với Vĩnh Long chuẩn bị cho mùa giải hạng Nhất 2019. Ảnh: DƯƠNG THU

Chiều 20-2, đội XSKT Cần Thơ có trận đấu tập hòa 2-2 với đội Vĩnh Long trên sân Cần Thơ. Đây là trận đấu nhằm giúp tân HLV trưởng Nguyễn Thanh Danh của đội bóng Tây Đô kiểm duyệt lực lượng trong quá trình tuyển quân, luyện tập chuẩn bị cho mùa giải hạng Nhất. Quá nhiều khó khăn, thách thức cho đội bóng Cần Thơ trong 4 mùa giải thi đấu tại V.League vừa qua, cả về lực lượng cầu thủ, HLV, lẫn tiềm lực tài chính. Không thể thoát khỏi quy luật của sức ép kim tiền trong bóng đá, XSKT Cần Thơ trở thành đại diện cuối cùng của ĐBSCL từ giã sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, sau những đội bóng láng giềng: Long An, Đồng Tháp, An Giang, hay Kiên Giang.

So với XSKT Cần Thơ, bóng đá Đồng Tháp và Long An danh tiếng lẫy lừng hơn, với thành tích vượt trội trong những ngày đầu V.League, trong đó Long An từng 2 lần vô địch vào các năm 2005, 2006, còn Đồng Tháp đứng thứ 3 năm 2010. Đó là thời điểm hai đội bóng này nhận được sự tài trợ mạnh mẽ của Gạch Đồng Tâm (Long An) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (Đồng Tháp), giúp các cầu thủ "vững đôi chân" thi đấu thăng hoa. Kể từ mùa giải năm 2010 đến nay, bóng đá ĐBSCL chuyển động theo... dòng tiền của nhà tài trợ, lúc lên lúc xuống hạng của các đội. Long An, Đồng Tháp cũng không ngoại lệ.

Rất nhiều nguyên nhân đã được các nhà chuyên môn nêu ra trong thời gian qua, nhằm phân tích thất bại của bóng đá khu vực, nhưng chung quy lại là xoay quanh vấn đề tài chính. Ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: Bóng đá Cần Thơ thiếu nền tảng vững chắc, rất khó duy trì ở V.League theo cơ chế hiện nay. Để bóng đá phát triển mạnh cần có nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải có cơ chế thoáng để cho doanh nghiệp làm bóng đá, cổ phần hóa bóng đá. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, cũng cho biết: Ngân sách của tỉnh không được phép đầu tư cho bóng đá đỉnh cao, trong khi doanh nghiệp hỗ trợ cho đội bóng thì không ổn định tùy vào thực tế kinh doanh của họ. Điều này khiến bóng đá Long An gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Hiện tại, đội bóng Long An duy trì thi đấu ở hạng Nhất quốc gia đã là sự nỗ lực.

Xuyên suốt gần 15 năm qua, chỉ có mỗi nhà tài trợ Đồng Tâm là gắn bó ở Long An lâu dài, nhưng cũng đang giảm dần. Còn ở những nơi khác, nhà tài trợ cứ đến rồi đi chỉ trong thời gian ngắn, khiến các đội bóng ở ĐBSCL lên xuống hạng theo từng mùa. Kiên Giang đã nghỉ bóng đá sau khi đội bóng rớt hạng V.League năm 2013, An Giang cũng giã từ V.League từ 4-5 năm qua và đến nay mới quay trở lại hạng Nhất. Cà Mau vừa thử sức một mùa hạng Nhất 2017 cũng đã "buông tay". Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre duy trì ở giải hạng Nhì - vốn chỉ hơn các đội phong trào...

Bóng đá ĐBSCL từng khá nhộn nhịp khi Đồng Tháp, Long An và Cần Thơ cùng có mặt ở V.League mùa giải 2015. Nhưng trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, không có chỗ cho các đội bóng "nhà nghèo", chưa có cơ chế huy động nguồn lực tài chính hiệu quả. "Nốt trầm" cho bóng đá khu vực nhưng có lẽ là cần thiết để các địa phương tái thiết đội bóng mạnh mẽ trở lại.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết