02/02/2009 - 09:17

Những vấn đề bức xúc trong xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân TP Cần Thơ

Một khu nhà trọ tạm bợ của công nhân.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Công đoàn (CĐ), các đoàn thể và các doanh nghiệp (DN), đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) thành phố từng bước phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, chất lượng đội ngũ CNLĐ TP Cần Thơ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ngang tầm với vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Để từng bước xây dựng đội ngũ CNLĐ thành phố lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH thành phố, nhiều vấn đề bức xúc đang được đặt ra cần nhanh chóng tháo gỡ…

Trình độ chính trị, tay nghề: chưa đáp ứng

Thời gian qua, nhiều DN quan tâm tạo điều kiện cho CNLĐ học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật. Ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty Công trình đô thị Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, Ban giám đốc công ty còn tạo điều kiện cho CNLĐ về thời gian để học tập. Cụ thể, CNLĐ học bổ túc văn hóa được lãnh đạo công ty sắp xếp cho về trước từ 45-60 phút vào buổi chiều để đi học. CĐ Công ty cũng phát động phong trào nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp trong toàn công ty”. Nhờ đó, từ năm 2000-2005, có 125 cán bộ, CNLĐ học bổ túc văn hóa từ lớp 6 đến hết lớp 12, có 9 cán bộ, CNLĐ tốt nghiệp đại học, 176 CNLĐ nâng cao tay nghề. Từ năm 2006-2008, công ty có 2 cán bộ học cao cấp chính trị, 3 học sau đại học, 15 học quản lý môi trường, 17 học đại học, 88 học các lớp nâng cao tay nghề, đặc biệt có 2 công nhân vệ sinh đậu và học cao đẳng kinh tế và luật. Hiện nay, ở công ty có 92 CNLĐ đang học bổ túc văn hóa...

Tuy nhiên, việc học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của CNLĐ ở các DN nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Bùi Xuân Sơn, Phó Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty Phân bón Hóa chất Cần Thơ, nói: “Cái khó của CNLĐ là làm theo ca, nên khó tham gia các lớp học. Chúng tôi đề nghị Liên đoàn Lao Động (LĐLĐ) làm cầu nối trong việc liên kết và hỗ trợ về địa điểm tổ chức các lớp học”. Về đào tạo nghề, theo ông Bùi Xuân Sơn, hiện nay các trường đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của các DN. Vì vậy, các DN phải tự tổ chức mở lớp đào tạo, thông qua kèm cặp trong thực tế sản xuất của đơn vị. Cách đào tạo này chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt của DN. Về lâu dài, thành phố cần có chiến lược để đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật đủ điều kiện tiếp nhận và vận hành thiết bị công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Hữu Kim Sơn kiến nghị: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, chúng tôi đề nghị LĐLĐ và ngành giáo dục xem xét, có chính sách giảm học phí cho đối tượng là CNLĐ, nghiên cứu, mở rộng thêm các ngành nghề doanh nghiệp đang có nhu cầu...”. Còn ông Lâm Quang Vĩnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Cờ Đỏ, kiến nghị: “Các ngành chức năng cần thực hiện chủ trương “đưa trường đến CNLĐ”. Cụ thể là, cần nghiên cứu thành lập các trường đào tạo nghề ở ngay các khu công nghiệp lớn, để cho CNLĐ khi xuống ca có thể tham gia học tập nâng cao tay nghề. Mặt khác, các ngành chức năng đào tạo cần ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp an tâm sản xuất”.

Một trong những hạn chế của lực lượng CNLĐ thành phố thời gian qua là nhận thức chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả điều tra xã hội học năm 2007 trên 29.539 CNLĐ ở 165 đơn vị của LĐLĐ thành phố, cho thấy: chỉ có 5,64% CNLĐ có trình độ sơ cấp chính trị, 2,92% có trình độ trung cấp chính trị và 2,52% có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị. Về học vấn, tiểu học chiếm 8,85%, trung học cơ sở chiếm 37,62%, trung học phổ thông chiếm 53,53%. Trong số này, tỷ lệ CNLĐ ở bậc trung học cơ sở, tiểu học còn khá cao, tập trung ở các ngành chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, công nhân xây dựng,... Cùng với trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật cũng đáng lo ngại. Theo thống kê, thợ bậc 2-3 chỉ chiếm 15,88%, bậc 4-5 chiếm 6,6%, bậc 6-7 chiếm 3,02%, còn lại là lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, nhận xét: “Nhìn chung, trình độ học vấn, tay nghề, bậc thợ của CNLĐ hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và phát triển thành phố”.

Bức xúc nhà ở, thành lập tổ chức công đoàn

Một trong những nhu cầu bức thiết của CNLĐ hiện nay là nhà ở. Theo thống kê, toàn thành phố có trên 72.000 CNLĐ làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó có trên 30.000 CNLĐ làm việc tại các khu chế xuất và công nghiệp tập trung. Theo ước tính của LĐLĐ, có khoảng 70% CNLĐ từ nơi khác đến làm việc tại TP Cần Thơ có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Ông Lê Thành Dũng, Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty Meko, nói: “Qua theo dõi, nắm tình hình CNLĐ của công ty, chúng tôi thật xót xa khi thấy CNLĐ của mình phải ở trong những căn nhà trọ ọp ẹp. Nhiều trường hợp 4-5 công nhân ở trong căn phòng chưa đầy 20m2, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Đau lòng hơn khi một số CNLĐ vì không có nơi ở đàng hoàng, không dám lập gia đình”.

Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Cần Thơ, cho biết: “Nhu cầu về nhà ở của CNLĐ rất lớn, nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm đến nhà ở cho anh chị em, trong khi đó, ngân sách đầu tư của Nhà nước có hạn. CNLĐ phải tự thuê nhà ở, và do thu nhập thấp nên phải sống trong những căn nhà trọ tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, an ninh trật tự phức tạp, đời sống văn hóa, tinh thần rất nghèo nàn. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và các ngành của thành phố đã tổ chức mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều “lắc đầu” với lý do, đầu tư nhà ở cho CNLĐ khả năng thu hồi vốn chậm, nên không có nhà đầu tư nào tham gia.

Theo dự báo của LĐLĐ, tương lai khi hai khu công nghiệp lớn của thành phố là Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2 đi vào hoạt động, số lượng CNLĐ sẽ không ngừng tăng lên, nhu cầu nhà ở tiếp tục tăng cao. Dự báo từ nay đến năm 2013, mỗi năm các khu Công nghiệp tập trung sẽ tăng thêm 5.000-7.000 CNLĐ. Do đó, thành phố cần phải có những chính sách đặc thù cho việc phát triển nhà ở cho CNLĐ: dành quỹ đất thích hợp, thông qua các chính sách về đất đai, thuế, ưu đãi về huy động vốn để xã hội hóa xây dựng nhà ở cho CNLĐ...

Cùng với nhà ở cho CNLĐ, vấn đề thành lập tổ chức CĐ trong các DN để hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động được các ngành, đơn vị có liên quan quan tâm. Theo ông Hầu Vĩnh Khang, Trưởng Phòng Quản lý DN (Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Cần Thơ), thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về lao động ở các DN chưa nề nếp, còn nảy sinh mâu thuẫn. Trong khi đó, tổ chức CĐ ở DN chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đa số tổ chức CĐ ở các doanh nghiệp chưa hoạt động hết chức năng, việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động chưa kịp thời nên đôi khi xảy ra đình công tự phát. Người sử dụng lao động cũng không mặn mà với việc thành lập tổ chức CĐ. DN chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh doanh, còn các vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... đôi khi bị phớt lờ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu tổ chức CĐ hoạt động có hiệu quả, thì quyền lợi chính đáng của CNLĐ được đảm bảo, đồng thời DN cũng có lợi, ổn định tổ chức, phát triển sản xuất”.

Hiện nay, toàn thành phố có trên 6.300 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 10-12% số cơ sở đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ, nhưng đến nay chỉ thành lập được 350 CĐ cơ sở, chiếm khoảng 56% doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. Chất lượng hoạt động CĐ cơ sở cũng đáng lo ngại: theo thống kê, hàng năm ở khu vực này chỉ có 40-45% CĐ cơ sở đạt vững mạnh.

Hướng mở mới?

Ông Trần Hồng Mẫn, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thành ủy đã có Chương trình hành động và giao cho LĐLĐ thành phố chủ trì xây dựng các đề án để cụ thể hóa việc thực hiện chương trình hành động của Thành ủy”. Theo đó, LĐLĐ thành phố đã xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện 3 đề án: “Xây dựng mái ấm CĐ”, “Nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân”, “Nâng cao chất lượng đoàn viên, CĐ cơ sở, tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐ cơ sở trong các thành phần kinh tế”.

Theo các đề án, từ nay đến năm 2013, thành phố sẽ xây dựng 300-500 mái ấm CĐ để giải quyết chỗ ở cho 200 -300 hộ gia đình và 400-800 chỗ ở cho CNLĐ độc thân. Đây chỉ là những căn nhà “mồi” để cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thấy hiệu quả của việc đầu tư nhà ở CNLĐ để cùng tham gia đầu tư. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng phấn đấu đào tạo 70% CNLĐ đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và 30% đạt trình độ trung học cơ sở. Đến năm 2013, LĐLĐ đề ra chỉ tiêu kết nạp ít nhất 20.000 đoàn viên mới, và phấn đấu đến năm 2013 có 80% số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập CĐ cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động và Điều lệ CĐ Việt Nam, 70% CNLĐ trong các DN gia nhập tổ chức CĐ. Giới thiệu mỗi năm ít nhất 1.000 CĐ viên ưu tú để các cấp ủy Đảng bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Các đề án này đã được LĐLĐ thành phố tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào tháng 12-2008 và sẽ hoàn chỉnh, đưa vào thực hiện trong thời gian tới, nhằm phát triển mạnh về số lượng và chất lượng CNLĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển CNH, HĐH bền vững của thành phố.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết