26/08/2009 - 20:30

Những tấm gương vượt khó, học giỏi

Dù cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng điều đó không làm cho hai bạn sinh viên: Đặng Hoàng Hiệp (SN 1987, ngụ ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) và Lê Thế Trung (SN 1989, ngụ ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) chùn bước trong học tập. Hai bạn luôn phấn đấu vượt mọi trở ngại để học tốt, được bạn bè mến phục.

1. Mùa hè đã qua, năm học mới lại bắt đầu, các bạn sinh viên lại tất bật với việc học. Đến nhà trọ 19B, lộ 91B, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, tôi ghi nhận không khí học tập của các sinh viên nơi đây thật sôi động. Trong đó nổi bật là tấm gương vượt khó của sinh viên Lê Thế Trung- năm thứ 3 lớp Trồng trọt, Trường Đại học Cần Thơ, vừa học giỏi, vừa tự xoay xở lo chi phí ăn ở, học hành. Thế Trung sống cùng 5 sinh viên trong căn phòng trọ nhỏ. Các bạn nơi đây luôn thể hiện tình đoàn kết, hòa thuận, giúp đỡ nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho nhau trong học tập.

Lê Thế Trung bên chiếc xe đạp được mua lúc học lớp 11. 

Thế Trung nỗ lực rất lớn để duy trì thành tích học tập. Qua hai năm đại học, Trung luôn là sinh viên giỏi, được nhận nhiều học bổng. Năm nhất của đại học, Trung nhận được học bổng Việt-Hope, do 1 nhóm sinh viên Việt Nam sống tại Mỹ trao tặng- giải thưởng này chỉ dành cho những học sinh mới trúng tuyển đại học. Và cũng trong năm này, Trung nhận được học bổng Tiếp sức đến trường của Báo Tuổi trẻ. Sang năm thứ hai đại học, Trung lại nhận được học bổng Nguyễn Trường Tộ do dự án sức khỏe - văn hóa - giáo dục Việt Nam (Quỹ VNHelp) tài trợ.

Không chỉ học giỏi, Thế Trung còn là một Chi hội Trưởng Chi hội Sinh viên Mỹ Tú tích cực, xông xáo, từng được Hội Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ khen thưởng. Với sự năng động và quan tâm đến các bạn sinh viên đồng hương, Thế Trung đã góp phần nâng số lượng hội viên trong Chi hội từ vài chục người lên khoảng 100 bạn. Đầu năm học, Chi hội thường tổ chức chào đón Tân Sinh viên, giúp các bạn làm quen với môi trường mới, đồng thời giới thiệu một số học bổng và hướng dẫn các bạn làm đơn nhận học bổng. Không chỉ thế, vào các ngày lễ, Trung vận động hội viên đi bán hoa nhằm lập quỹ tiết kiệm cho Chi hội, để Chi hội có kinh phí hoạt động. Trong những lần đi bán hoa như vậy, Trung luôn là người đi tìm đầu mối mua hoa, đem hoa về cùng các bạn gói hoa, đứng bán. Nhờ sự nhanh nhẹn, các bạn bán hoa khá đắt. Vừa qua, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, Chi hội của Trung đã liên hệ với trường THPT huyện nhà, hướng dẫn khoảng 30 học sinh lên Cần Thơ thi đại học, tìm nhà trọ, dẫn đường cho học sinh đi thi. Với sự tích cực, năng nổ tham gia các phong trào của Chi hội, Liên Chi hội Sinh viên Sóc Trăng, cùng kết quả học tập loại giỏi nên tháng 3-2009, Thế Trung được BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Cần Thơ tặng giấy khen: Thanh niên tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bạn Trần Minh Khang - Chi hội Trưởng Liên Chi hội Sinh viên Sóc Trăng, cho biết: “Bạn Lê Thế Trung tính tình hiền lành, chịu thương, chịu khó, hòa đồng với mọi người. Dù gia cảnh khó khăn, phải đi làm thêm để có tiền trang trải trong sinh hoạt, nhưng Trung vẫn giữ thành tích cao trong học tập. Đối với các phong trào của Chi hội, Liên Chi hội, Thế Trung tham gia rất năng nổ, nhiệt tình”.

Sau những buổi học, Thế Trung tranh thủ làm thêm công việc chạy bàn cho các quán ăn, từ 16 đến 22 giờ, được 30.000 đồng/buổi làm. Dù rất mệt mỏi, nhưng Trung vẫn sắp xếp thời gian để học bài, chuẩn bị cho ngày hôm sau đến lớp. Thế Trung tâm sự: “Em phải cố gắng học thật giỏi để lãnh học bổng và đi làm thêm để cha mẹ đỡ vất vả. Cha mẹ em đã ngoài 50 tuổi, lại bị bệnh cao huyết áp, ngày nào cũng đi chích thuốc”. Gia cảnh khó khăn, nên anh chị của Thế Trung không được học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều dồn sức cho Trung ăn học, nên lúc nào Trung cũng tự nhủ phải cố gắng học cho thật giỏi.

Khi còn nhỏ, Trung đã hiểu nỗi vất vả của cha mẹ và sớm nhận ra trong xóm ít người học đại học. Cho nên, Trung càng quyết tâm học tập thật tốt để sau này báo hiếu cho cha mẹ, góp sức xây dựng quê hương. Kết quả học tập của Thế Trung thật đáng nể phục. Năm học lớp 5, Trung đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh 2 môn Văn-Toán. Năm lớp 9, Trung tiếp tục nhận giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý. Đặc biệt, năm học lớp 11 là sự kiện đáng nhớ của Trung. Vốn tính hay tò mò, khám phá, Trung phát hiện rãnh thoát nước từ chuồng lợn nhà hàng xóm thải ra kênh mương ít mùi hôi thối, dòng nước của đoạn kênh ấy không bị đục như đoạn kênh mương cạnh đó. Trung tìm hiểu và cho rằng chính những bụi thủy trúc và rau chai mọc ở rãnh thoát nước giúp cho nước thải từ các chuồng lợn bớt ô nhiễm hơn khi thải ra môi trường. Khi nhà trường phát động cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, Trung liền trình bày ý tưởng của mình đến thầy và được thầy hướng dẫn cách làm thí nghiệm. Trước tiên, Trung lấy nước thải từ chuồng lợn cho vào chậu rồi trồng rau chai, thủy trúc vào. Bên cạnh đó, Trung đã nhổ những bụi thủy trúc và rau chai từ chuồng lợn mà lần đầu tiên phát hiện mang sang trồng ở rãnh thoát nước từ chuồng lợn bên cạnh. Qua một thời gian, khi những bụi cây ấy đã phát triển xanh tốt, dòng nước cũng bớt mùi hơn trước. Kết quả nghiên cứu của Trung đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, với đề tài “Dùng thủy trúc, rau chai xử lý nước thải trong chăn nuôi”. Tiền thưởng từ cuộc thi, Trung mua chiếc xe đạp để đi học. Đến nay, chiếc xe đạp vẫn theo Trung đến giảng đường đại học hay những buổi đi làm thêm...

Cuộc sống đô thành là nơi thu hút đối với tri thức trẻ, nhưng Thế Trung vẫn nặng lòng với quê hương. Thế Trung bộc bạch: “Gia đình em làm vườn, ngoài thời gian học tập, em thường phụ cha mẹ làm cỏ, cặm giàn dưa, tưới nước, tưới phân, xịt thuốc... Có lẽ vì thế mà em thích học ngành Trồng trọt. Em mong ước sau này sẽ về quê mở trang trại với quy mô lớn theo hướng hiện đại”.

2. Cùng chung chí hướng với Thế Trung, sinh viên Đặng Hoàng Hiệp, lớp Sư phạm Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cũng mong muốn ra trường, trở về phục vụ quê nhà. Qua 3 năm học đại học, Hoàng Hiệp luôn là sinh viên giỏi của lớp, của Khoa Sư phạm, được lãnh học bổng các học kỳ.

Đặng Hoàng Hiệp (bên trái) đang trao đổi Anh văn với bạn Trần Trọng Hiếu. 

Để đạt kết quả học tập như vậy là cả thời gian dài phấn đấu đầy gian nan của Hoàng Hiệp. Từ tiểu học đến THPT, Hoàng Hiệp luôn là học sinh khá giỏi, đứng nhất nhì lớp. Năm lớp 9, Hoàng Hiệp đạt danh hiệu “Học sinh giỏi cấp huyện” với giải nhất môn Địa. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Hiệp thi vào ngành Sư phạm Sinh của Trường Đại học Cần Thơ. Nhưng cổng trường đại học đã khép lại với Hoàng Hiệp. Mang tâm trạng buồn bã suốt mấy tháng, Hoàng Hiệp tự nhủ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Thế là, Hoàng Hiệp quyết tâm luyện thi tại quê nhà. Để có tiền luyện thi, hằng ngày, Hoàng Hiệp cùng mẹ đi hái ớt mướn (2.000 đồng/1giờ). Đêm đến, Hoàng Hiệp tới lớp luyện thi, sau đó về nhà miệt mài bên sách vở.

Gia đình của Hoàng Hiệp thuộc diện hộ nghèo. Cha mẹ của Hoàng Hiệp đã gần 50 tuổi, làm nghề đóng đáy, thu nhập thất thường. Gia đình thiếu thốn mọi bề, mẹ của Hoàng Hiệp lại bị bệnh thiếu máu cơ tim từ năm 2005. Cách đây 3 tháng, do làm việc quá sức nên mẹ của Hoàng Hiệp phải nằm viện tại Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ- cơ sở II, TP Hồ Chí Minh, do bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hành hạ. Nhờ bà con lối xóm gom góp tiền gửi cho mẹ của Hoàng Hiệp, mới có tiền trị bệnh. Sau khi xuất viện, sức khỏe của mẹ Hoàng Hiệp đã đỡ, nhưng đi lại phải chống gậy và hằng ngày uống thuốc nam vì không có tiền mua thuốc tây. Không thể kéo đáy tiếp chồng, nhưng mẹ của Hoàng Hiệp vẫn cố gắng nhận đan lục bình mướn để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Cha của Hoàng Hiệp là trụ cột gia đình, nhưng ông cũng bị bệnh thấp khớp, đôi chân đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Tiền gửi cho con Hoàng Hiệp ăn học là từ tiền bán dừa. Hoàng Hiệp tâm sự: “Cha mẹ chắt chiu từng đồng gửi cho em ăn học, dì ruột thỉnh thoảng cho tiền chi tiêu, nếu như Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhà không cho vay vốn sinh viên thì không biết em có được học đến ngày hôm nay không nữa”.

Thương cha mẹ đã vất vả vì mình nên khi học đại học Hoàng Hiệp rất tiết kiệm chi tiêu. Hoàng Hiệp nhận làm gia sư để có thêm chi phí học hành. Hoàng Hiệp bộc bạch: “Hai năm qua, em đi dạy kèm, mỗi tháng được 250.000 đồng. Tuy số tiền không nhiều nhưng em thấy vui vì cha mẹ đỡ lo cho em phần nào. Từ nhỏ, em đã mơ mình trở thành thầy giáo. Giờ đây, ước mơ của em sắp thành sự thật. Sau này ra trường, em sẽ xin về lại trường cũ để dạy học, mong muốn góp sức xây dựng quê nhà. Niềm mong mỏi lớn nhất của em là sẽ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua gian khó và ở cạnh chăm sóc cha mẹ, bởi cha mẹ đã cả đời vất vả vì em”.

* * *

Thế Trung - Hoàng Hiệp đã và đang cố gắng vượt qua khó khăn để gặt hái những thành công trong học tập. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa hai bạn sẽ có những đóng góp có ích cho quê hương, đất nước, là hai tấm gương hiếu học, xứng đáng cho các bạn trẻ noi theo.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết