09/01/2009 - 08:35

Kỷ niệm ngày sinh viên- học sinh Việt Nam (9-1)

Những "ngôi sao" tháng Giêng...

Những năm tháng trong chiến tranh, nhiều thế hệ thanh niên đã gác bút nghiên lên đường cứu quốc, góp phần làm nên độc lập, hòa bình cho đất nước. Ngày nay, những lớp thanh niên tiếp tục ra sức thi đua học tập, rèn luyện để phục vụ cộng đồng bằng cả nhiệt huyết, sức trẻ và trí tuệ...


1. Trong bộ đồng phục cũ nhưng tươm tất, dáng người cao gầy, gương mặt xương xương,... Trần Đạt, sinh viên ngành Cử nhân Anh văn K31, Trường Cao đẳng Cần Thơ, có vẻ cứng cỏi hơn so với tuổi của mình. Bao năm nay, Đạt phải bươn chải trong cuộc mưu sinh vất vả để lo cho việc học của bản thân và cuộc sống của gia đình. Cha mất khi Đạt chỉ mới 3 tuổi. Mọi gánh nặng của gia đình oằn trên đôi vai của mẹ. Gia đình nghèo quá, cuối cùng, anh Đạt phải nghỉ học. Từ đó, Đạt tự nhủ: “Mình phải cố gắng học để không phụ lòng mẹ và anh”.

Trần Đạt 

Năm học lớp 11, Đạt bắt đầu vừa làm, vừa học. Hằng ngày, cứ khoảng 4 giờ 30 chiều, Đạt lấy vé số kiến thiết ở đại lý lớn rồi đạp xe đến giao cho các đại lý nhỏ . Sau khi giao xong, Đạt tranh thủ đi chợ lo cơm nước cho mẹ và anh. Sau 5 giờ 30, Đạt vội vã đi dạy thêm Anh văn tại nhà. Số tiền kiếm được đủ để Đạt trang trải việc học, phụ giúp gia đình. Khó khăn là vậy, thế mà 12 năm học từ tiểu học đến THPT, Đạt đều là học sinh Khá, Giỏi. Năm đầu tiên bước vào Trường Cao đẳng Cần Thơ, Đạt là sinh viên xuất sắc, đứng đầu khoa.

Mọi việc đang suôn sẻ thì năm 2007, mẹ Đạt mất việc làm, anh trai Đạt cùng bạn đi sửa xe gắn máy ở Châu Đốc. Một thời gian sau, anh Đạt mắc chứng bệnh trầm cảm, Đạt và mẹ phải kiếm tiền chạy chữa thuốc thang. Đạt kể: “Lúc đó, tôi định nghỉ học để đi làm lo cho gia đình. Nhưng mẹ nhất quyết không cho và khuyên tôi rằng gia đình đã nghèo, chỉ có học mới có thể có cuộc sống tốt hơn. Nhìn mẹ nói nghẹn ngào trong nước mắt, ý nghĩ bỏ học của tôi không còn nữa”. Mẹ và Đạt cùng tính toán: mẹ Đạt sẽ lo chi phí sinh hoạt gia đình và thuốc men cho anh. Còn tiền làm thêm, học bổng của trường, Đạt sẽ lo trang trải chi phí sinh hoạt, học tập của mình. Đạt dùng học bổng của học kỳ này đóng học phí cho học kỳ kế tiếp; sắp xếp thời gian học và đi làm thêm hợp lý.

Đạt là một trong những sinh viên vượt khó được Trung tâm Anh ngữ giao tiếp quốc tế Prime chọn cấp học bổng: 2 khóa học Anh ngữ miễn phí. Trong thời gian học tại Prime, Ban Giám đốc trung tâm giao cho Đạt và một người bạn quản lý căng-tin. Nhờ vậy, sau khi kết thúc học bổng, Đạt vẫn có cơ hội học ở Prime để rèn thêm kỹ năng nghe nói. Anh Trần Thanh Sang, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, nhận xét: “Đạt là sinh viên vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia phong trào và có trách nhiệm nên giao việc cho em thì rất an tâm. Đạt đang được xem xét kết nạp Đảng. Năm nay, Hội sinh viên trường đã giới thiệu Đạt nhận giải thưởng Sao tháng Giêng...”. Nhắc đến tương lai, nhắc đến việc học, giọng Đạt tràn đầy tự tin: “Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ học liên thông lên cao hơn. Tôi tin mình sẽ làm được!”.

2. “Phúc là đảng viên gương mẫu, tính tình trung thực và nghiêm nghị, học giỏi, sống rất tốt với bạn bè...”- Đó là nhận xét của anh Nguyễn Thanh Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Cần Thơ, về Trần Văn Phúc, sinh viên ngành Sư phạm Toán K31

Trần Văn Phúc 

Gia đình Phúc ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, có 8 anh chị em, Phúc là người con thứ 7. Cả nhà chỉ có vài công ruộng, cuộc sống rất khó khăn, vất vả nên ngay khi bước chân lên Cần Thơ học năm thứ nhất đại học, Phúc đã bắt đầu đi dạy kèm Toán và Hóa. Để có thời gian vừa học vừa làm, Phúc tranh thủ nắm vững bài thầy cô giảng trên lớp rồi về nhà đọc thêm tài liệu, tra cứu trên Internet... Phúc sắp xếp lịch dạy thêm 5 buổi trong tuần vào những giờ không có tiết học.

Bận rộn với việc học, việc làm thêm nhưng Phúc vẫn cố gắng tranh thủ tham gia các hoạt động phong trào do khoa, trường tổ chức. Phúc từng là Bí thư chi đoàn lớp, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường. Phúc cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Chi đoàn, Ban cán sự lớp tổ chức cho các bạn trong lớp tham gia mùa hè xanh tình nguyện giúp dân ở quận Bình Thủy. 40 thành viên “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giúp dân đắp lộ nông thôn, sửa chữa nhà cửa, làm cỏ, diệt lăng quăng... Có những khi làm đường, trời mưa, áo ướt đẫm nhưng ai cũng nở nụ cười vui vẻ. Phúc tâm sự: “Tuy có 10 ngày ngắn ngủi nhưng tôi và các bạn cảm thấy mình lớn hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với cộng đồng. Hiện nay, tôi đang học năm cuối, chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Chi phí cho sách vở, tài liệu tham khảo rất tốn kém nhưng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành luận văn của mình một cách tốt nhất để làm cơ sở cho việc học lên cao hơn nữa”.

23 tuổi đời, hơn 4 năm tuổi Đảng, gần 4 năm qua, Phúc đều là sinh viên giỏi và đạo đức tốt của Trường Đại học Cần Thơ.

3. Một ngày gần cuối tháng12-2008, mới hơn 5 giờ sáng, một nhóm cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tập trung trước cổng Trường Đại học Cần Thơ, lục đục khuân vác, kiểm tra thuốc men, nước uống... rồi lên xe thẳng tiến về hướng về thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, đoàn chia thành 3 tốp nhỏ, mỗi tốp khoảng 6 người để đến phường Tô Châu, phường Pháo Đài và xã Biên Giới khám chữa bệnh cho bà con dân tộc Khmer, gia đình chính sách, nghèo... Trong những chiếc áo blouse tình nguyện ấy, có Mai Thị Thanh Thường, sinh viên ngành Dược K31, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, người được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng năm 18 tuổi.

 Mai Thị Thanh Thường

Trong những chuyến đi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Thanh Thường là một trong những gương mặt quen thuộc, nhiệt tình. Thường tâm sự: “Càng đi, tôi càng hiểu nhiều hơn nỗi vất vả, thiếu thốn của bà con nông thôn, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Có người khó khăn đến nỗi khi bệnh chỉ mua vài viên thuốc uống chứ chưa hề đi bệnh viện. Khi gặp đoàn bác sĩ đến khám, có người mừng đến rơi nước mắt... Mỗi lần đi khám chữa bệnh, tôi học được nhiều điều, từ kiến thức chuyên môn cho đến cách ứng xử với bệnh nhân, vốn sống thực tế”.

Ngoài việc tham gia khám chữa bệnh cho người nghèo, Thanh Thường còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khoa Dược, Ủy viên Ban Chấp hành Hội sinh viên của Trường, Bí thư Chi đoàn Dược K31, Chi hội trưởng Chi hội sinh viên Hậu Giang. Đảm đương nhiều công việc nhưng việc nào Thường cũng làm tốt. Không chỉ hoạt động Đoàn năng nổ, Thường còn học rất giỏi. 4 năm đại học, luôn đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường và hiện nay, cô đã có bằng C Anh văn của Trường Đại học Cần Thơ. Năm học 2007-2008, Thanh Thường được Trung ương Hội sinh viên trao tặng danh hiệu “Gương sáng sinh viên”. Thường tâm sự: “Tôi đang đăng ký Bộ môn Dược lý-Dược lâm sàng để thực hiện đề tài liên quan đến lĩnh vực dược lý lâm sàng, hướng về cộng đồng. Với đề tài này, sinh viên đi cộng đồng nhiều, cực nhưng tôi rất thích vì sẽ giúp tôi hiểu nhiều, sâu hơn về tình trạng dùng thuốc của người bệnh ở các bệnh viện, cũng như cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống...”.

* * *

Trần Đạt, Trần Văn Phúc và Mai Thị Thanh Thường là ba trong số rất nhiều gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên hôm nay. Tin rằng, với nhiệt huyết, các bạn sẽ mang tri thức của mình góp phần phục vụ cộng đồng, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn...

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết