31/10/2013 - 20:50

TP Cần Thơ

Nhiều thuận lợi trong thu phí bảo trì đường bộ

Kể từ 1-1-2013 các phương tiện giao thông đường bộ phải đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Tại TP Cần Thơ, theo các đơn vị thu phí, đến nay đã thu đạt trên 42 tỉ đồng (ô tô và mô tô), công tác thu phí khá thuận lợi.

Thu phí thuận lợi

Quỹ bảo trì đường bộ sẽ phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa những tuyến đường bị xuống cấp ở địa phương. (Trong ảnh: đường Vành đai phi trường, quận Bình Thủy). 

Thông tư 197 của Bộ Tài chính quy định mức phí phải đóng thấp nhất đối với ô tô là 130.000 đồng/tháng, cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng; đối với xe mô tô, đến 100 phân khối từ 50.000-100.000 đồng/xe/năm; xe mô tô trên 100 phân khối là 100-150.000 đồng/xe/năm; mô tô chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh 2.160.000 đồng/xe/năm. Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ô tô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được trích lại không quá 10%. Thực hiện Nghị định số 18 và Thông tư số 197 của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ ban hành Công văn số 6217/UBND-KT ngày 18-12-2012 chỉ đạo các sở, ngành hữu quan thành phố tập trung triển khai công tác thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố đối với xe ô tô và Công văn số 3613/UBND-KT ngày 6-8-2013 của UBND TP Cần Thơ về tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo trì đường bộ đối với mô tô trên địa bàn thành phố. Theo đó, chủ mô tô, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện) dưới 100cm3 nộp phí 50.000 đồng/năm/xe; trên 100cm3 nộp 105.000 đồng/năm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ ngày 1-1-2013, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ (Sở GTVT TP Cần Thơ) chính thức áp dụng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô, theo hướng dẫn của Cục đăng kiểm Việt Nam. Ông Tống Hoàng Kha, Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ, cho biết: "Công tác thu phí rất thuận lợi, người dân ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia đóng phí bảo trì đường bộ. Tính đến ngày 28-10-2013, tổng phương tiện đến nộp phí là 13.230 phương tiện, tổng số tiền thu được trên 33,630 tỉ đồng. Để thực hiện tốt công tác thu phí, Trung tâm đã chuẩn bị các yếu tố về con người, phương tiện máy móc, tập huấn cho nhân viên cách thức triển khai thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại phòng chờ, cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện các mẫu kê khai, cung cấp thông tin nộp hồ sơ đóng phí, hồ sơ kiểm định phương tiện, nên không xảy ra tình trạng mất trật tự nơi thu phí".

Theo Công văn số 3613/UBND-KT, UBND thành phố quy định, với mô tô phát sinh trước ngày 1-1-2013 thì tháng 8-2013 bắt đầu khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Đối với mô tô phát sinh từ ngày 1-1-2013 đến 30-6-2013, chủ phương tiện phải khai, nộp phí 6 tháng. Phương tiện phát sinh từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2013 thì nộp phí vào tháng 1-2014 cho phí của năm 2014. UBND xã, phường, thị trấn sẽ trực tiếp thu phí, các phường, thị trấn sẽ được để lại 10%; các xã được để lại 20% số phí thu được. Số tiền còn lại sẽ được đưa vào Quỹ bảo trì đường bộ tại Kho bạc Nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng Qũy bảo trì đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: 9/9 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức kê khai, thu phí đường bộ năm 2013. Tính đến ngày 29-10-2013, phí xe mô tô thu đạt gần 9 tỉ đồng. Nhờ công tác tuyên truyền vận động tốt, người dân hiểu rõ chủ trương thu phí đường bộ nên việc triển khai thu phí thuận lợi, đa phần người dân chấp hành tốt.

Đồng thuận cao

Mặc dù thuận lợi, nhưng theo các đơn vị thu phí vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình triển khai. Theo ông Tống Hoàng Kha, mức trích 1% giữ lại cho đơn vị đăng kiểm đối với xe ô tô là chưa phù hợp. Bởi đơn vị phải trang trải quá nhiều khoản phục vụ công tác thu phí như: trích một khoản phí chuyển về Cục Đăng kiểm, trích trả tiền tem của Cục đăng kiểm, đầu tư trang thiết bị máy móc, máy in, chi phí quản lý, trả lương nhân sự, văn phòng phẩm… Vì vậy, mức trích này không đảm bảo cho đơn vị trang trải chi phí. Đơn vị đã có kiến nghị về trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh.

Theo Nghị định số 18 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn 197 của Bộ Tài chính, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (gọi chung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy; người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, cho biết: "Hiện vẫn còn một số hộ dân trì hoãn chưa chịu kê khai đầu phương tiện và nộp phí bảo trì đường bộ theo quy định. Một số hộ dân cho rằng hiện gần hết năm 2013, nên không muốn đóng phí của năm 2013, mà chờ đến đầu năm 2014 sẽ đóng phí của năm mới". Theo ông Tùng, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát công tác triển khai thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn thành phố, dứt điểm việc thu phí đường bộ năm 2013 chậm nhất đến hết ngày 31-10-2013. Từ ngày 15-11-2013, tổ chức triển khai biện pháp chế tài, xử phạt những trường hợp không nộp phí đường bộ theo quy định. Theo đó, mức xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng/1 lần vi phạm (một người có thể bị xử phạt nhiều lần cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ đóng phí đường bộ). Theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ, nguồn thu phí bảo trì đối với xe máy sẽ được sử dụng bảo trì đường bộ tại các địa phương. Nguồn thu từ ôtô sử dụng bảo trì hệ thống đường quốc lộ… Việc thu phí này nhằm góp phần bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước. Do vậy, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân của người dân trong việc chấp hành chủ trương.

Anh Nguyễn Trung Dũng, ngụ tại phường An Thới, quận Bình Thủy, nói: "Lúc đầu đi họp tổ, nghe trưởng khu vực nói phải đóng phí đường bộ, tôi cũng bức xúc nhưng khi nghe phân tích kỹ đây là chủ trương của nhà nước để bảo trì sửa chữa đường. Vả lại đóng chỉ hơn 100.000 đồng/xe mô tô, không đóng để bị phạt tới 800.000 đồng còn tốn tiền hơn nên tôi đăng ký đóng sớm". Theo các điểm thu phí trên địa bàn thành phố, việc phổ biến chủ trương, vận động người dân đóng phí ngoài việc thông qua báo, đài, các địa phương còn phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức các buổi họp để phân tích và giải quyết những thắc mắc của người dân. Một số chủ phương tiện khi đến đóng phí cũng tỏ vẻ chưa hài lòng về chất lượng một số tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố do đường lầy lội vào mùa mưa, bụi, đường xuống cấp… Song, đa phần người dân đồng thuận đóng phí và yêu cầu sử dụng đúng mục đích nguồn phí mà họ đã đóng góp.

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết